Tháng 6/1944, những đơn vị tinh nhuệ nhất, xe tăng mạnh nhất của Đức Quốc xã được lệnh tập kết tại khu vực Calais ở miền bắc nước Pháp. Trong khi phát xít Đức chuẩn bị cho một trận sống mái với quân Đồng minh tại Calais thì đối phương lại đổ bộ lên bán đảo Normandy, tiến về Pari, phá tan thế bố trí lực lượng của quân Đức. Tại sao quân Đức lại tập kết ở Calais chứ không phải Normandy? Nguyên nhân không nằm ở sự “ấm đầu” của giới tướng lĩnh Đệ tam Đế chế, mà là bởi họ trúng phải kế sách liên hoàn của quân Đồng minh.
Kỳ 4: Đòn bổ trợ của “Xe ba bánh”
“Xe ba bánh” (Tricycle) là mật danh của tổ điệp viên hai mang, gồm: Dusko Popov, Friedle Gaertner (người tình của Popov) và Dickie MetCalfe (sĩ quan quân đội Anh). Linh hồn của “Xe ba bánh” chính là Popov, người được mệnh danh là “Chàng James Bond của Thế chiến thứ II”. Giàu có, sẵn máu ăn chơi, ham mê cờ bạc và đặc biệt là không bao giờ từ bỏ được thói trăng hoa, nhưng Popov rất được Cục Tình báo Quân sự Đức (Abwehr) tin dùng. Tuy nhiên, những chiến công vang dội nhất mà chàng điệp viên đậm chất Don Juan này lập được lại là cho cơ quan tình báo Anh.
Để giúp Popov ẩn sâu trong lớp vỏ ngụy trang, ban đầu Abwehr đưa Popov sang Bồ Đào Nha, một quốc gia trung lập trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Sau đó, từ Lixbon, Popov đường hoàng tới Luân Đôn (Anh) trong vai trò của một thương nhân Bồ Đào Nha đi tìm đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh. Abwehr không biết rằng khi còn ở Bêôgrát (Nam Tư cũ, nay là Xécbia), Popov đã cộng tác với tình báo Anh. Việc Popov được cử đến Luân Đôn hoạt động chẳng khác nào việc “thả hổ về rừng”.
Quân Đồng minh đổ bộ lên bán đảo Normandy. |
Tại Anh, sau khi trải qua một loạt cuộc kiểm tra về độ tin vậy và được xác định là điệp viên Abwehr làm việc cho MI6, Popov được giao cho Ủy ban Song thập (thành lập ngày 2/1/1941, do Giáo sư John Cecil Masterman làm Chủ tịch, phụ trách việc chỉ đạo các điệp viên hai mang của Đức, làm việc cho người Anh). Với sự trợ giúp của tình báo Anh, sau một thời gian ổn định công việc, Popov bắt tay vào thu thập tin tức tình báo cho Abwehr, gồm ảnh chụp một số sân bay, quân cảng, địa hình các khu vực quan trọng, bản đồ bố phòng vùng bờ biển phía đông nước Anh..., trong đó có cái thật, có cái giả. Những gì mà Popov cung cấp, sau này cho thấy chúng đã góp phần quan trọng trong việc ra quyết sách chiến lược của chính quyền phát xít đối với Anh, khiến Hitler tin rằng thực lực của nước Anh vẫn rất mạnh, từ đó tạm thời từ bỏ ý định tấn công “đảo quốc sương mù”, chuyển sang tấn công Liên Xô.
Một chiến công khác mà Popov lập được là ngăn chặn cuộc chiến tranh khí độc của Đức nhằm vào Anh. Biết được tin không quân Đức có thể sẽ thả bom khí độc xuống các thành phố quan trọng của Anh, thông qua “Xe ba bánh”, MI6 đã chuyển cho Abwehr nhiều tài liệu cho thấy người Anh đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh khí độc với người Đức. Cuối cùng, nhằm tránh lâm vào cuộc chiến không hiệu quả, phát xít Đức đã từ bỏ ném bom khí độc xuống nước Anh. Luân Đôn và nhiều thành phố quan trọng khác của Anh thoát khỏi thảm họa trong gang tấc.
Sự đóng góp của Popov nói riêng và “Xe ba bánh” nói chung đối với sự thành công của Chiến dịch Bá vương trước tiên thể hiện ở việc nhờ có thông tin của Popov, tình báo Anh đã lật tẩy được bộ mặt thật của một con “chuột chũi” nằm trong Đại sứ quán Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một cuộc nói chuyện với Thiếu tá Ludovico Karsthoff, người đứng đầu Abwehr ở Lixbon, Popov biết được một đồng hương Nam Tư, quê cách Dubrovnik không xa đã cung cấp cho người Đức nhiều thông tin tình báo quan trọng, trong đó có cả bản ghi chép nội dung Hội nghị Têhêran giữa ba “ông Lớn”.
Qua sàng lọc, cơ quan an ninh Anh nhanh chóng tìm ra “con ong” trong “tay áo”. Đó là Elyesa Bazna, nhân viên phục vụ của Đại sứ Hughe Knatchbull-Hugessen, hoạt động cho Abwehr với mật danh “Cicero”. Tuy nhiên, vì Bazna là người nước ngoài và các hoạt động của hắn ở ngoài lãnh thổ Anh, nên cơ quan an ninh Anh không thể bắt Bazna quy án. Cách duy nhất họ làm được là đuổi việc Bazna. Nhưng trước khi loại bỏ Bazna, theo tài liệu mật mới được Cục Lưu trữ Quốc gia Anh công bố, tình báo Anh khi đó đã tương kế tựu kế, biến “Cicero” làm tay sai không công, mớm cho hắn nhiều tài liệu tuyệt mật giả nhằm đánh lừa và làm quân Đức nhiễu loạn thông tin, phục vụ cho Chiến dịch Bá vương.
Quan trọng hơn, nhằm làm cho người Đức tin rằng chiến dịch phản công của quân Đồng minh sẽ bắt đầu từ Calais chứ không phải ở Normandy, Popov và các đồng sự đã dày công xây dựng một đội quân (sẽ đổ bộ lên Calais) cùng đầy đủ phiên hiệu mà trên thực tế là không tồn tại. Qua Popov, Abwehr có tất cả những thông tin liên quan tới đội quân này, gồm: Nơi đóng quân, kho tàng, doanh trại, xưởng sửa chữa vũ khí, điều động lực lượng… Để loại bỏ mọi nghi ngờ, họ còn phái một số đài liên lạc vô tuyến cao cần tới nơi đội quân kia đứng chân mở máy hoạt động suốt ngày đêm, liên tục nhận lệnh từ Bộ Chỉ huy quân Đồng minh và báo cáo tình hình. Bên cạnh đó, Popov và các đồng sự còn cho xây dựng một số trận địa, doanh trại giả nhằm che mắt máy bay trinh sát của Đức.
Gia Hân (Tổng hợp)