KHỦNG HOẢNG CONGO
Vào tháng 6/1960, CHDC Congo giành được độc lập từ Vương quốc Bỉ. Tuy nhiên, Thủ tướng Patrice Lumumba gần như ngay lập tức đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị khi Thống đốc tỉnh giàu khoáng sản Katanga, Moise Tshombe tuyên bố ly khai.
Tổng Thư ký LHQ Hammarskjold tới Congo năm 1960. |
Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó có sản lượng uranium dồi dào nhất thế giới và 4/5 lượng cung ứng coban cho phương Tây, Katanga là địa phương có quyền lực nhất ở Congo. Tuy nhiên, toàn bộ nguồn tài nguyên của Katanga lại do Công ty Union Miniere du Haut Katanga của Bỉ khai thác và trả tiền thuê mỏ cho chính quyền ly khai ở thành phố Elisabethville. Kết quả là chính quyền của Moise Tshombe được hỗ trợ vững chắc về tài chính. Chính quyền Bỉ lúc đó cũng mong muốn Katanga duy trì độc lập với Congo để nguồn tài nguyên trong vùng không bị quốc hữu hóa. Lúc này, các nước phương Tây cũng rất thận trọng theo dõi các quốc gia mới độc lập thuộc "thế giới thứ ba" bởi phương Tây lo ngại rằng các nước từng chịu ách thực dân này có thể rơi vào tầm kiểm soát của Liên Xô.
Chính phủ Mỹ nhận định nguồn dự trữ uranium giàu mạnh của Katanga sẽ bị Liên Xô kiểm soát nếu phong trào chủ nghĩa dân tộc đưa Lumumba lên nắm quyền thành công trong thống nhất đất nước. Trên thực tế, khi bị các lợi ích của phương Tây khước từ, Lumumba đã viện tới sự giúp đỡ của Liên Xô, bước đi đã khiến Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles khởi xướng các kế hoạch ám sát Lumumba. Rốt cục nhân vật này đã bị các lực lượng trung thành với người đứng đầu quân đội Congo - Joseph Mobutu, bắt giữ và sát hại vào năm 1961.
Người đứng đầu chính quyền Congo Cyrille Adoula (thứ 2 bên trái) và Tướng Joseph Mobutu (ngoài cùng bên trái) đón TTK Hammarskjold (thứ 3 từ trái sang) tới Leopoldville ngày 13/9/1961. |
Ở biên giới phía Nam của Katanga là Bắc Rhodesia (nay là Zambia), Thủ tướng Rhodesia Welensky cũng ủng hộ Katanga độc lập. Tại Anh, Thứ trưởng Ngoại giao, Huân tước Landsdowne, ủng hộ các nỗ lực của LHQ bảo vệ một Congo thống nhất, trong khi Cao ủy Anh về Rhodesia, không hài lòng với sự can thiệp của LHQ, cho biết các vấn đề của châu Phi “nên dành cho châu Âu với kinh nghiệm về khu vực đó trên thế giới”.
Như vậy, Anh, Bỉ và Mỹ đều có những mục đích riêng ở Katanga, cũng như đối với nền chính trị và tài nguyên của khu vực này. Ai là người đứng chặn trên con đường của họ? Câu trả lời là Liên hợp quốc, dưới sự lãnh đạo của Dag Hammarskjold. LHQ bắt đầu phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề và Hammarskjold rõ ràng là nhân vật “không thể hợp tác” khi đi ngược lại quyền lợi của các cường quốc phương Tây.
Cuộc khủng hoảng Congo bắt đầu có lối thoát khi chính quyền hợp nhất đứng đầu là ông Cyrille Adoula, tháng 9/1961 đã yêu cầu sự giúp đỡ của LHQ, trong đó kế hoạch đề ra là ổn định tình hình đất nước, thống nhất Congo, thủ tiêu chủ nghĩa li khai bằng đàm phán hòa bình; và LHQ đã bắt đầu triển khai lực lượng của mình tại đây.
Ông Hammarskjold muốn theo đuổi một giải pháp thương lượng giữa phe ly khai và chính quyền trung ương. Tuy nhiên LHQ đã không thành công trong việc thống nhất Congo và các nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ ở Congo yếu thế trong chiến dịch đánh đuổi những tên lính đánh thuê ra khỏi Katanga. Ngay khi nhận được tin về một cuộc đụng độ giữa lực lượng LHQ và một nhóm vũ trang ở Congo, ông Hammarskjold đã bay tới Leopoldville ngày 13/9/1961 với dự định gặp Tshombe để đàm phán ngừng bắn. Cả hai thống nhất sẽ gặp nhau vào ngày 18/9 ở Ndola, Bắc Rhodesia.
Tối 17/9, Hammarskjold bước lên chiếc “Albertina” DC6, chặng bay từ Leopoldville tới Ndola. Huân tước Landsdowne, nhà lãnh đạo Anh phản đối một Congo thống nhất, bay ở chuyến bay khác, mặc dù bản báo cáo của Ủy ban điều tra LHQ cho biết không có gì lạ khi họ bay trên hai máy bay riêng biệt và rằng điều này “hợp lý về mặt ngoại giao và chính trị”.
Chuyến đi về nguyên tắc được giữ bí mật, nhưng một nhóm đông các nhà ngoại giao, người châu Phi, các nhà báo và ít nhất 3 lính đánh thuê đợi đón Hammarskjold ở sân bay Ndola. Ủy ban điều tra LHQ cho rằng sự xuất hiện của những tay lính đánh thuê thật kỳ lạ khi ở sân bay có một thanh tra cảnh sát làm nhiệm vụ “đảm bảo những người không có phận sự miễn vào”. Có một điều đáng chú ý nữa là chiếc máy bay hoàn toàn không có tiêm kích hộ tống.
Khoảng 23 giờ 30, phi công chiếc “Albertina” liên lạc với sân bay Ndola thông báo chuyến bay dự kiến còn 45 phút là hạ cánh (dự kiến 0 giờ 20 phút). Vào lúc 0 giờ 10 phút, phi công yêu cầu xác nhận đọc áp suất không khí (QNH) và nhận được thông báo từ nhân viên kiểm soát không lưu sân bay Ndola, Campbell Martin: “Roger QNH 1021 mb, đạt độ cao 1.800 m”. “Roger 1021”, đó là câu trả lời từ chiếc “Albertina” và cũng là tín hiệu cuối cùng được phát đi từ chiếc máy bay chở TTK LHQ Hammarskjold. Ít phút sau chiếc “Albertina” đâm vào sườn núi Ndola, phát nổ ở độ cao 1.290 m. Trong khi đó, Campbell Martin chắc chắn rằng máy bay vẫn ở độ cao 1.800 m - và những hội thoại của anh ta với tổ lái chiếc “Albertina” không được ghi âm với lý do "máy ghi âm bị hỏng".
Ngay sau khi tai nạn máy bay xảy ra cướp đi sinh mạng của vị TTK được nhiều người yêu mến, một loạt các cuộc điều tra đã được triển khai: Cuộc điều tra ban đầu của Ủy ban điều tra hàng không dân sự, Ủy ban điều tra của nước sở tại Rhodesia và của Ủy ban điều tra LHQ năm 1962. Tuy nhiên, lý do máy bay gặp nạn, hay liệu có khả năng về một hành động cố ý nào đó hay không, chưa được xác định.
Đón đọc kỳ cuối: Hơn nửa thế kỷ nghi vấn