Can dự của Mỹ vào Syria nhìn từ chiến lược Đại Trung Đông - Kì cuối

Đâu là điểm dừng của Mỹ trong vấn đề Syria?

Tại Trung Đông, Mỹ luôn xem chính quyền Syria là “cái gai” trong mắt. Ngay từ đầu năm 2002, Mỹ liệt Syria vào danh sách “trục ma quỷ mở rộng” cùng với Libya và Cuba. Khi Obama lên nắm quyền, quan điểm của Mỹ không thay đổi. Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 18/8/2011, ông Obama tuyên bố thẳng thừng về mục tiêu “một nước Syria dân chủ không có Bashar al - Assad”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo ngày 14/9 tại Geneva. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Can dự của Mỹ nhằm vào Syria hậu “Mùa xuân Arập” tưởng chừng sẽ là kịch bản với phần mở đầu là chiến tranh Iraq (tạo cớ) và kết thúc bằng can thiệp quân sự kiểu Libya. Cái cớ cho một hành động quân sự tại Libya đã sớm được Mỹ tính đến. Tháng 8/2012, ông Obama đưa ra cái gọi là “giới hạn đỏ” liên quan đến việc cấm sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và khẳng định, nếu vượt quá giới hạn này, chính quyền Assad sẽ bị trừng phạt thích đáng - ám chỉ việc Washington không ngần ngại sử dụng vũ lực. Ngày 21/8/2013, truyền thông phương Tây đồng loạt đăng tải thông tin, hình ảnh về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus cùng ngày, làm hơn 1.300 người chết. Mỹ và phương Tây lập tức quy kết chính phủ Syria là bên thực hiện và ráo riết bàn kế hoạch tấn công quân sự.


Ngày 10/9, ngòi nổ chiến tranh được tháo gỡ với việc Nga đưa ra đề xuất giải giáp vũ khí hóa học tại Syria. Ngày 14/9, tại Geneva (Thụy Sĩ), Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về giải pháp trên.


Nguy cơ chiến tranh tạm thời được đẩy lui. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng tiêu hủy vũ khí hóa học là điểm dừng cuối cùng của Mỹ trong vấn đề Syria. Cần phải thấy rõ, bản chất của Mỹ là “đánh chết cái nết không chừa” và Washington sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu nhất quán là thay đổi thể chế tại Syria. Ý đồ không đổi, điều còn lại có lẽ chỉ là kịch bản nào sẽ được sử dụng mà thôi.


Với quan điểm thiên về sử dụng “quyền lực thông minh”, chính quyền Obama có thể sẽ dành ưu tiên cho giải pháp “chuyển hóa mềm” có răn đe quân sự tại Syria theo kịch bản ở Gruzia. Mỹ nhận thấy có một số yếu tố giúp thúc đẩy một cuộc chuyển đổi như vậy. Sau nhiều năm chịu cấm vận cùng với nội chiến kéo dài, kinh tế Syria bị tàn phá nghiêm trọng, là mầm mống gây bất ổn xã hội. Nội bộ chính quyền Syria tiềm ẩn nguy cơ rạn nứt, khi đã có tới hơn 70 quan chức cấp cao, tướng lĩnh quân đội rời bỏ hàng ngũ, chạy ra nước ngoài hoặc gia nhập phe đối lập. Tiêu biểu là trường hợp Thủ tướng Riyad Hijab đào thoát sang Arập Xêút ngày 5/8/2012 chỉ 2 tháng sau khi nắm quyền. Lực lượng đối lập tại Syria cũng đã hình thành, đang tìm cách “phô trương thanh thế”, nổi bật là “Hội đồng dân tộc Syria”, “Quân đội Syria tự do”. Quan trọng hơn, thời cơ cho một cuộc chuyển hóa như vậy đã hé lộ khi Syria dự kiến tiến hành bầu cử tổng thống trong năm 2014. Từ nay đến lúc đó sẽ là quãng thời gian để Mỹ thẩm định lại thực lực của phe đối lập, lựa chọn “ngọn cờ”; thực thi chiến tranh thông tin, “xâm lăng” bằng Internet, mạng xã hội, các tổ chức phi chính phủ (NGOs); mua chuộc giới chức trong chính quyền Syria...


Đâu đó đã xuất hiện dư luận về một khả năng theo hướng này. Ngày 9/9, tức là một ngày trước khi Ngoại trưởng Nga Lavrov đưa ra ý tưởng đặt vũ khí hóa học của Damascus dưới sự kiểm soát của quốc tế sau cuộc gặp với người đồng cấp Syria Walid al - Muallem, tờ Haaretz của Israel - nước có mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả nhất tại Syria, đã loan báo trước nội dung cuộc gặp giữa ông Lavrov và al - Muallem. Theo đó, ngoài việc chuyển giao vũ khí hóa học, hai ngoại trưởng cũng sẽ thảo luận khả năng “chuyển đổi dân chủ” theo từng giai đoạn tại Syria. Ngày 16/9, Tổng thống Iran Rouhani, đồng minh được xem là thân cận nhất của Damascus bất ngờ tuyên bố Tehran hoan nghênh bất cứ một lãnh đạo nào lên nắm quyền tại Syria, miễn là người đó được người dân lựa chọn qua bầu cử.


Ngoài kịch bản “chuyển đổi dân chủ”, Washington vẫn để ngỏ giải pháp quân sự. Ngay cả khi đã đạt được thỏa thuận với Nga, ông Obama vẫn tuyên bố răn đe quân sự là cần thiết và Mỹ không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Trên thực tế, Mỹ hiện vẫn duy trì 5 tàu khu trục mang tên lửa Tomahawk cùng với 1 cụm tàu sân bay ở Đông Địa Trung Hải, áp sát Syria. Lý do để thực thi một hành động can thiệp như vậy có lẽ không quá khó, khi mà Mỹ/CIA được coi là bậc thầy về “nghệ thuật tạo cớ”.


Ở kịch bản này, Mỹ tìm cách để NATO lãnh trách nhiệm lãnh đạo. Nếu NATO từ chối, Mỹ sẽ tạo lập một liên minh với sự tham gia của hơn 10 nước thuộc Tổ chức hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên đoàn Arập (AL), các đồng minh như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... với mục đích củng cố tính “chính danh”, giảm bớt gánh nặng tài chính. Về tác chiến, Mỹ sẽ vẫn áp dụng hình thái chiến tranh công nghệ cao, nhưng có thể sẽ được đặt trong một học thuyết mới mang tên “tác chiến không biển” (Air - sea battle) mới được cập nhật, hoàn thiện tháng 5/2013. Khởi đầu sẽ là các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk từ hướng biển kết hợp với đòn không kích cường độ cao bằng các máy tiêm kích, ném bom hạng nặng xuất phát từ tàu sân bay, các căn cứ tiền duyên nhằm tiêu diệt hệ thống máy tính, liên lạc, điều khiển, chỉ huy và do thám tình báo (C4ISR), hủy hoại khả năng chiến đấu, hệ thống vũ khí của quân đội Syria. Sau khi làm “mềm hóa” chiến trường, ít có khả năng liên quân đưa bộ binh tham chiến. Thay vào đó, kịch bản tại Lybia sẽ lại được áp dụng - lực lượng đối lập được vũ trang bởi Mỹ và đồng minh sẽ đảm nhận vai trò đánh chiếm trên chiến trường, từ chiến trường chiếm nghị trường.


Có một chi tiết đáng lưu ý: Chính ngoại trưởng Lavrov thừa nhận đề xuất giải giáp vũ khí hóa học không phải là của riêng Moscow, mà là kết quả từ các cuộc tiếp xúc giữa Nga và Mỹ. Như vậy, xung quanh khủng hoảng tại Syria còn nhiều dấu hỏi đang để ngỏ: Cuộc gặp kín giữa Obama và Putin tại Hội nghị G - 20 vừa qua đề cập những nội dung gì liên quan đến Syria? Nghị quyết của LHQ về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria liệu có bao gồm những điều khoản mang tính áp đặt, trừng phạt nếu Damascus bị cho là không tuân thủ? Sự thống nhất trong chính quyền Syria ra sao và ủng hộ của người dân nước này đối với Tổng thống Assad hiện ở mức nào?... Khi những câu hỏi trên còn chưa tìm được lời giải, còn quá sớm để khẳng định khủng hoảng Syria sẽ được giải quyết chỉ bằng giải pháp tiêu hủy vũ khí hóa học, hay đó chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm”. Có một điều chắc chắn, Syria sẽ tiếp tục lâm vào vòng xoáy bất ổn, mà đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người dân nước này.


Hoài Thanh (Tổng hợp)

Can dự của Mỹ vào Syria nhìn từ chiến lược Đại Trung Đông - Kỳ 2
Can dự của Mỹ vào Syria nhìn từ chiến lược Đại Trung Đông - Kỳ 2

Cuộc chiến tranh xâm lược Iraq - nước bị ông Bush liệt vào danh sách 3 nước thuộc “trục ma quỷ” (cùng với Iran và CHDCND Triều Tiên), là bước can dự đầu tiên của Mỹ trong chiến lược Đại Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN