Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ 1)

     Carlos thời trai trẻ.

Chủ nhật ngày 30/12/1973, tại khu ngoại ô giàu có của Luân Đôn, trước mặt quản gia tòa biệt thự của Joseph Sieff - một trong những doanh nhân Do Thái thành công và có tầm ảnh hưởng nhất ở thủ đô của nước Anh - là một thanh niên lạ mặt với nước da sẫm màu và một khẩu súng trên tay. Kẻ lạ mặt chĩa súng yêu cầu người quản gia dẫn tới chỗ chủ nhân. Ông Sieff, lúc này đang ở trong phòng tắm, nghe tiếng người quản gia gọi, liền ra mở cửa. Ngay lập tức, khẩu súng trên tay kẻ lạ mặt khạc viên đạn 9 ly nhằm thẳng khuôn mặt ông Sieff từ khoảng cách chưa đầy 1 mét. Đó là một trong những vụ tấn công tàn bạo của Carlos “Chó rừng”, cái tên đã khiến phương Tây sợ hãi suốt thập niên 1970.

Kỳ 1: Con đường trở thành kẻ khủng bố

“Carlos – Chó rừng” sinh ngày 12/10/1949 tại thủ đô Caracát của Vênêxuêla với tên khai sinh là Ilich Ramírez Sánchez. Do cao lớn và nặng hơn các bạn cùng trang lứa nên hắn bị gọi là "El Gordo" (Thằng Béo). Hắn ghét cái tên này và thề với bọn bạn rằng một ngày nào đó cả thế giới sẽ phải biết đến cái tên của hắn.

Năm 1958, do mâu thuẫn gia đình, mẹ Ilich đưa các con tới Giamaica, Mêhicô, rồi lại quay lại Giamaica trước khi hồi hương vào năm 1961. Những năm tháng rong ruổi đã ảnh hưởng không tốt tới những đứa trẻ, đặc biệt là Ilich. Việc học hành của hắn xấu đi trông thấy, song Ilich phát hiện ra rằng hắn rất nhạy bén với các ngôn ngữ và thích thú những nền văn hóa khác nhau mà hắn có dịp tiếp xúc.

Sau khi cha mẹ ly hôn, Ilich được đưa tới Trường Fermin Toro ở Caracát, do cha hắn chọn. Tháng 8/1966, mẹ Ilich lại đưa các con tới Luân Đôn để tiếp tục việc học hành. Sau khi gia đình ngụ cư ở tây Luân Đôn, Ilich vào học tại Đại học Stafford ở Kensington. Trong thời gian theo học ở đây, Ilich thường nghe các bạn học người Palextin kể về cuộc đấu tranh tại quê nhà với kẻ thù Ixraen, trong đó có những câu chuyện về thủ lĩnh phiến quân Mặt trận Nhân dân - Wadi Haddad, người lãnh đạo chiến dịch giải phóng Palextin bằng những biện pháp khủng bố.

Tháng 7/1970, Ilich đã rời Luân Đôn tới Trung Đông. Chặng dừng chân đầu tiên của hắn là thủ đô Bâyrút của Libăng. Tại đây, hắn đã tới văn phòng của Bassam Abu-Sharif, "sỹ quan tuyển mộ" không chính thức của Wadi Haddad. Abu-Sharif rất ấn tượng với sự hăng hái của Ilich và sắp xếp cho hắn bắt đầu tập luyện.

Một cuốn sách viết về cuộc đời Carlos.


Ilich được huấn luyện cách xử lý vũ khí và thuốc nổ. Mặc dù thực hành tốt những gì được học, song do khóa học chỉ là các cuộc tấn công giả nên Carlos rất nóng lòng muốn được "trải nghiệm thực tế". Sau đó, Carlos đã liên lạc với Abou Semir, một thành viên cấp cao của Mặt trận Nhân dân, và được gửi tới trại huấn luyện biệt kích cao cấp hơn. Bắt đầu từ đây, Ilich được biết đến với biệt danh Carlos – cái tên làm kinh hoàng cả thế giới nhiều năm sau đó.

Ngày 6/9/1970, Haddad ra lệnh đồng loạt không tặc 4 chuyến bay tới New York. Trong một thông cáo, Mặt trận Nhân dân đã mô tả các vụ tấn công trên là đợt tấn công đầu tiên nhằm báo thù "âm mưu thanh trừng người Palextin của người Mỹ bằng việc cung cấp vũ khí cho Ixraen”.

Do mới được tuyển mộ và kinh nghiệm còn non nớt nên Carlos không được tham gia các cuộc tấn công này. Tuy nhiên, hắn được giao nhiệm vụ canh gác kho đạn. Carlos đã nếm trải kinh nghiệm thực chiến đầu tiên khi sát cánh cùng Abu-Sharif chiến đấu với quân đội Gioócđani tới tận năm 1970, lúc này Carlos nổi tiếng là một tay súng quả cảm và sát thủ máu lạnh.

Do từng có thời gian sinh sống ở Anh, Carlos được chọn làm “đại diện” của Mặt trận Nhân dân ở Luân Đôn, với nhiệm vụ hòa nhập vào xã hội Anh và lập danh sách các mục tiêu "sáng giá" có thể trừ khử hoặc bắt cóc. Hắn đăng ký học kinh tế tại Đại học Luân Đôn và sau đó là học tiếng Nga tại Đại học Bách khoa Trung ương Luân Đôn, nhằm tạo ra một vỏ bọc chắc chắn cho hắn. Người liên hệ tại Luân Đôn của hắn là Mohamed Bouria - người Angiêri, một trong những thuộc hạ trung thành nhất của Haddad, chịu trách nhiệm về các hoạt động ở châu Âu. Để tìm mục tiêu, Carlos chăm chú nghiên cứu báo chí Anh và chọn ra những nhân vật tiếng tăm là người Do Thái hoặc có tư tưởng ủng hộ Ixraen.

Tới tháng 12/1971, Carlos đã thu thập được một danh sách gồm hàng trăm cái tên. Trong thời gian này, vai trò là một tên khủng bố bí mật của hắn gần như đã chấm dứt. Nhiều người cho rằng, trong thời gian ở Luân Đôn, Carlos hầu như không có hoạt động và Haddad đã chọn nhiều người khác để thực hiện các trò chơi chết người của hắn. Tháng 2/1972, khi Carlos “ngụp lặn” ở Luân Đôn, một trong các nhóm của Haddad tấn công một máy bay của hãng Lufthansa. Tháng 5, Haddad phái ba thành viên của Quân đội Đỏ Nhật Bản (JRA) thực hiện cuộc tấn công đẫm máu ở Ten Avíp (Ixraen). Tới tháng 9, một nhóm biệt kích tấn công vào khu nhà của các vận động viên Ixraen tại Làng Olympic Munich. Khi thông tin về các cuộc tấn công này tới tai Carlos, hắn vô cùng tức giận và rất thất vọng vì bị cho đứng ngoài rìa.

Lương Tuấn (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ II: “Carlos khét tiếng”

Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ cuối)
Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ cuối)

Vài tháng sau, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với các quốc gia Đông Âu được nối lại, chủ đề về việc ngăn ngừa khủng bố cũng được nêu ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN