Câu chuyện phá sản của “kinh đô xe hơi” Mỹ: Biểu tượng lụi tàn

Sau 6 thập kỷ chìm trong khủng hoảng, Detroit - thành phố vốn được mệnh danh là “kinh đô xe hơi” của Mỹ - đã tuyên bố phá sản do không có khả năng chi trả núi nợ công khổng lồ lên tới 18,5 tỷ USD. Theo giới phân tích, Detroit đã phá sản vì một chuỗi các lý do: Sự quản lí yếu kém của chính quyền, nạn di dân ồ ạt, tỉ lệ thất nghiệp cao và tội phạm ngang nhiên hoành hành.

 

Kỳ 1: Biểu tượng công nghiệp lụi tàn

 

Từng có thời hoàng kim sôi động hơn cả New York, thành phố Detroit thuộc bang Michigan giờ tiêu điều, mục nát với những tòa nhà và công xưởng bỏ hoang, đèn đường không được thắp sáng, các dịch vụ công cộng ngừng hoạt động. Một khảo sát hồi tháng 5 của tờ DailyMai (Anh) cho thấy, ba khu phố nguy hiểm nhất nước Mỹ đều nằm ở Detroit.

“Kinh đô xe hơi” giờ tiêu điều.


Vào giai đoạn đỉnh cao, Detroit là cái nôi của ba đại gia trong lĩnh vực sản xuất xe hơi Mỹ là Ford, Chrysler và General Motors, sở hữu 90% số xe hơi trên thị trường. Đến giờ làm việc mỗi ngày, hàng nghìn công nhân ùa vào các khu công xưởng chế tạo xe hơi trong thành phố này. Không ít gia đình Mỹ đã có nhiều thế hệ làm việc tại Detroit và hi vọng sự cần cù sẽ mang lại cho họ nhà riêng và ôtô. Detroit thời đó sánh ngang với Chicago là nơi tập trung các khu chế biến thịt và Cleveland với các nhà máy nung thép. Đây là những nơi biến giấc mơ đổi đời của người Mỹ thành hiện thực.


Sự thịnh vượng của Detroit khởi nguồn vào đầu những năm 1920. Đến cuối năm 1940 là thời điểm bùng nổ của ngành sản xuất xe hơi tại thành phố này, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người da đen nhập cư. Đã có lúc dân số ở Detroit lên tới hơn 1,8 triệu người và trở thành thành phố đông dân thứ 5 tại Mỹ.


Tuy nhiên, quãng thời gian tươi đẹp của những thành phố công nghiệp tại Mỹ không kéo dài mãi mãi. Làn sóng bất ổn trong kinh tế đã quét qua nhiều nơi, trong đó có Detroit.

Một xưởng sản xuất ô tô ở Detroit thời hoàng kim.


Thập niên 1950 là thời kỳ huy hoàng nhất và cũng là lúc Detroit sa vào vũng lầy. Thời điểm ấy, các hãng chế tạo chủ lực bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất với việc xây dựng các công xưởng ở vùng ngoại ô, những thành phố lân cận và các quốc gia có giá nhân công rẻ mạt. Hệ quả là nguồn việc làm tại Detroit bị ảnh hưởng và người dân thành phố rơi vào cảnh thất nghiệp.


Tình hình càng tồi tệ hơn trong giai đoạn 1960-1970 khi chính quyền tại những bang khác đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn về thuế để thu hút doanh nghiệp. Ngành công nghiệp xe hơi Mỹ thời đó cũng phải gồng mình cạnh tranh với xe nhập khẩu từ Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ năm 2008 đã giáng cho Detroit một đòn chí mạng.


Trong khi đó, chính quyền Detroit lại không muốn thừa nhận rằng họ đang điều hành một thành phố “chờ chết” nên đã yêu cầu giảm bớt chi phí lao động để cứu vãn tình hình. Các chủ nợ, ngân hàng lại sẵn lòng giữ thành phố sống sót bằng cách bơm tiền vào Detroit bất chấp rủi ro. Khâu quản lý tài chính yếu kém đã tạo ra những sai lầm, khiến Detroit càng thêm ốm yếu.

Sân chơi bị bỏ hoang.


Một trong những lý do khác được cho là dẫn đến quá trình chết dần chết mòn của Detroit là hiện tượng di dân ồ ạt. Số dân gần 2 triệu người vào những năm 1950 đã giảm 60% trong vòng 60 năm còn vỏn vẹn 700.000 người, chủ yếu là người da đen. Việc phần lớn người dân rời bỏ thành phố kéo theo sự thâm hụt đáng kể về thuế cùng những căng thẳng về sắc tộc và cơ hội việc làm giảm sút. Suy thoái kinh tế trầm trọng đầu những năm 1970 và cuộc khủng hoảng nhiên liệu năm 1973 cũng là hai cú đòn mạnh đánh vào ngành công nghiệp xe hơi vốn lừng lẫy một thời, làm cho chính quyền thành phố lao đao.


Trước khi Detroit chính thức tuyên bố phá sản, chuyên gia tài chính Kevyn Orr đã đưa ra nhiều đề xuất bao gồm cắt giảm phúc lợi, giảm số công chức, thanh lý tài sản công… Thậm chí, ông Orr không loại trừ việc bán bớt hiện vật của Viện Nghệ thuật Detroit (DIA) - một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Bắc Mỹ - với nhiều kiệt tác của các danh họa nổi tiếng. Tổng giá trị của 66.000 hiện vật tại bảo tàng này có giá trị vào khoảng 15 - 17 tỉ USD.


Tuy nhiên, đề xuất bán tranh trả nợ không thể thực hiện được vì nhiều vấn đề pháp lý và xã hội. Sau những nỗ lực giằng co trong vô vọng, chính quyền và người dân Mỹ chỉ còn cách đứng nhìn Detroit tự rơi xuống vực thẳm, trở thành thành phố công nghiệp lớn nhất nước tuyên bố phá sản.



Hoàng Trang (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN