Mikhail Timofeyevich Kalashnikov sinh ngày 10/11/1919 tại làng Kuria khu vực Altai trong một gia đình nông dân đông con. Bố và mẹ ông đều là nông dân gốc Kuban. Năm 1930, gia đình Timofey Kalashnikov bị xem là trọc phú và phải lưu đầy từ vùng Altai tới làng Niznaya Mokhovaya (tỉnh Tomsk).Năm 1936, Mikhail, tốt nghiệp lớp 9 phổ thông trung học, trở về Kuria, và được nhận vào làm ở trạm máy-máy kéo, sau đó ông vào học việc tại đoạn đầu máy Matai Turkestan-Siberia (nay là lãnh thổ Kazakhstan). Không lâu sau, ông được chuyển tới làm thư ký kỹ thuật Phòng chính trị chi nhánh đường sắt 3 ở Alma-Ata.
Ông Kalashnikov, cha đẻ của súng AK47.
|
Năm 19, Mikhail Kalashnikov gia nhập Hồng quân. Sau khi tốt nghiệp trường lái tăng, ông phục vụ một thời gian ngắn tại quân khu Kiev. Trong quân đội, ông đã phát triển máy đo quán tính để tính số đạn pháo bắn đi, chế tạo thiết bị đặc biệt cho súng TT để nâng cao hiệu quả mỗi lần bắn thông qua các rãnh trên tháp xe tăng, chế tạo thiết bị tính tuổi thọ động cơ. Nhờ những sáng chế này, Tư lệnh quân khu Kiev, Tướng Georgy Zhukov đã tặng Kalashnikov chiếc đồng hồ khắc tên mình.
Tháng 6/1941, Kalashnikov được điều tới Leningrad (nay là St. Petersburg) để ứng dụng sáng kiến của mình vào sản xuất.
Trong thời gian Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), tháng 8/1941, Mikhail Kalashnikov được làm chỉ huy xe tăng. Tháng 10/1941, trong trận đánh ở Bryansk, ông bị thương nặng. Trong 6 tháng nghỉ phép vì lí do sức khỏe, Thượng sĩ Kalashnikov đã thiết kế mẫu tiểu liên hạng nhẹ đầu tiên của mình. Mẫu thử nghiệm này được chế tạo tại ga Matai trong nhà xưởng của đoạn đầu máy xe lửa.
Người đầu tiên trong số các chuyên gia vũ khí đánh giá cao mẫu thử nghiệm này là Giám đốc Viện pháo binh mang tên Dzerzhinsky, Thiếu tướng Anatoly Blagonravov, người đã phát hiện ra những khiếm khuyết trong thiết kế, song đánh giá cao tài năng của Kalashnikov và khuyên đưa ông đi học kỹ thuật.
Tháng 7/1942, Kalashnikov được gửi tới trường thử nghiệm-khoa học súng hạng nhẹ và cối (NIPSMVO) trực thuộc quân khu Moskva, nơi súng tiểu liên hạng nhẹ của ông được thử nghiệm đầy đủ, song do giá thành sản xuất cao và một số thiếu sót nhất định, loại súng này không được sử dụng trong quân đội.
Tới năm 1944, ngoài loại súng tiểu liên hạng nhẹ, Kalashnikov còn phát triển thêm một loại tiểu liên hạng nhẹ và súng trường tự lên đạn nữa, song các loại vũ khí này cũng không được đưa vào sử dụng. Năm 1945, Kalashnikov tham gia một cuộc thi phát triển tiểu liên sử dụng đạn 1943. Trong cuộc thi này, năm 1947, tiểu liên AK- 47 đã được khuyến cáo sử dụng trong quân đội Xô Viết.
Năm 1948, Mikhail Kalashnikov được điều tới xưởng quân giới ở Izhevsk để ứng dụng và sản xuất hàng loạt mẫu tiểu liên của mình. Vào thời điểm đó ông cũng làm việc trong dự án súng cạc bin tự lên đạn.
Sau khi khai thác thành công về mọi mặt AK-47 trong lực lượng vũ trang, đầu năm 1949, theo một quyết định của chính phủ Liên Xô, AK-47 được đưa vào trang bị cho quân đôi, và Nhà máy chế tạo máy Izhevsk bắt đầu sản xuất hàng loạt loại tiểu liên này. Nó có tên gọi chính thức là “tiểu liên Kalashnikov 7,62 li mẫu năm 1947 (AK)”. Đầu năm 1949, Kalashnikov được thưởng Huân chương Sao Đỏ và Giải thưởng Stalin hạng nhất “cho việc phát triển mẫu vũ khí”.
Từ năm 1949, Mikhail Kalashnikov làm tổng công trình sư tại Nhà máy chế tạo máy Izhevsk. Tháng 2/2012, do tái cơ cấu doanh nghiệp, Kalashnikov được đưa vào biên chế công ty Izhmash với cương vị Tổng công trình sư – đứng đầu Phòng thiết kế vũ khí hạng nhẹ thuộc Trung tâm Thiết kế-công nghệ của doanh nghiệp.
Ngoài AK-47, Kalashnikov đã tạo ra tiểu liên cải tiến AKM 7,62 ly và tiểu liên báng gập nâng cấp AKMS. Sau khi chuyển sang cơ đạn 5,45 li, các mẫu Kalashnikov AK-74, AKS-74U, AK-74M đã được phát triển.
Mikhail Kalashnikov nổi tiếng là nhà thiết kế súng máy. Trong số các thiết kế của ông có súng máy hạng nhẹ RPK và RPKS 7,62 li báng gập, súng máy hạng nhẹ RPK- 74 và RPKS-74, 5,45 li báng gập. Đầu thập niên 1960, tiểu liên đa năng nòng xoắn 7,62х54 li đã được đưa vào sử dụng. Tổng cộng phòng thiết kế của Kalashnikov đã tạo ra hơn 100 mẫu vũ khí.
Đầu thập niên 1970, Kalashnikov tạo ra súng carbine "Saiga” tự lên đạn, được thiết kế trên cơ sở tiểu liên. Năm 1971, căn cứ vào các nghiên cứu, phát triển và sáng tạo, Kalashnikov được phong hàm Giáo sư Khoa học kỹ thuật mà không phải viết luận án.
Thiếu tướng Mikhail Kalashnikov đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động XHCN, được trao các giải thưởng Stalin và Lenin. Năm 2009, nhân ông tròn 90 tuổi, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Nga.
Trong số nhiều giải thưởng Kalashnikov được trao tặng có – 3 Huân chương Lênin, Huân chương “Công hiến vì tổ quốc” hạng II, Huân chương Cách mạng tháng 10, Danh hiệu Lao động Đỏ, Hữu nghị giữa các dân tộc, Chiến tranh vệ quốc cấp I, Cờ đỏ và nhiều huy hiệu khác.
Ông là thành viên danh dự Viện hàm lâm khoa học Nga, Viện khoa học tên lửa và cao xạ, Viện thiết kế Nga, thành viên chính thức – viện sĩ Viện khoa học quốc tế…
Mikhail Kalashnikov có vợ là Ekaterina Kalashnikova (1921-1977). Bà từng là kỹ thuật viên-nhà thiết kế, giúp chồng thực hiện các bản vẽ. Hai ông bà có 4 người con, 3 gái, 1 trai: Nellie (1942), Elena (1948), Natalia (1953-1983), và con trai Victor (1942).
Ông qua đời ngày 23/12/2013 do bệnh lâu ngày. Thủ tướng Nga Medvedev coi sự ra đi của nhà thiết kế vũ khí huyền thoại này
là “sự mất mát to lớn đối với toàn nước Nga”, còn Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu tôn vinh
Kalashnikov là “một công dân, một người yêu nước nổi bật và là một biểu
tượng của nước Nga”.
Duy Trinh