Chiến dịch Chariot

Chiến dịch Chariot - Kỳ 3: “Thiên đường” trú ẩn của tàu ngầm Đức

St Nazaire là một trong nhiều cảng của Pháp đã bị quân đội Đức trưng dụng để phục vụ cho các mục đích quân sự (ngoài ra còn có các cảng như Brest, Lorient, La Rochelle và Bordeaux) khi chúng chiếm được Pháp vào năm 1940. Tại những cảng này, phát xít Đức cho xây dựng các bến tàu ngầm. Tất cả những bến đỗ này đều có khả năng chống chịu những đợt ném bom ác liệt nhất. Nhờ thế nên hạm đội tàu ngầm của Đức luôn bảo toàn được lực lượng để có thể tiến hành các trận chiến trên Đại Tây Dương chống lại quân đồng minh.

Bến đỗ tàu ngầm trong St. Nazaire.


Hệ thống bố phòng quanh St Nazaire, đặc biệt ở cửa sông Loire đã được tăng cường bằng cách bổ sung nhiều ụ súng với các cỡ nòng khác nhau. Toàn bộ lính bảo vệ ở đây là người Đức đặt dưới sự chỉ huy của Đại tá Zuckschwerdt. Bộ phận này có nhiệm vụ phòng thủ khu vực cửa sông trước các cuộc tấn công từ hướng biển và bảo vệ không phận của cảng này. Zuckschwerdt đặt sở chỉ huy ở La Baule, một khu nghỉ dưỡng nhỏ ở ven biển cách St Nazaire khoảng gần 15 km về phía tây.

Lực lượng dưới quyền chỉ huy của Zuckschwerdt gồm có tiểu đoàn pháo binh hải quân số 280 của Đại úy Edo Dieckmann. Sở chỉ huy tiểu đoàn này được đặt ở Chémoulin Point. Tiểu đoàn này được trang bị khoảng 28 khẩu pháo các loại, cỡ nòng từ 75 mm đến 240 mm đặt ở La Baule. Ngoài ra, còn có lữ đoàn phòng không số 22 của hải quân Đức do Đại tá Conrad Mecke chỉ huy. Sở chỉ huy của lữ đoàn đặt ở St Marc. Lữ đoàn có ba tiểu đoàn đó là tiểu đoàn 703, 705, và 809. Biên chế của ba tiểu đoàn này là 43 khẩu pháo loại 20 mm, 40 mm, và một số đại bác cỡ nòng 37 mm. Nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ khu vực gần cửa sông và cảng cũng như phòng không. Mecke cũng phụ trách các đèn pha chiếu trên sông hoặc bầu trời để chỉ mục tiêu cho các loại hỏa lực tiêu diệt. Có bốn đèn pha đường kính 150 mm và nhiều đèn nhỏ hơn dùng để hỗ trợ cho các loại súng phòng không.

Bộ phận cuối cùng là lực lượng bảo vệ cảng đặt dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Kellermann. Bộ phận này có nhiệm vụ bảo vệ bến tàu. Đó là các đại đội lính canh trang bị súng bộ binh cá nhân, súng máy hạng nhẹ cũng như các tàu tuần tra.

Lối vào bến cảng St. Nazaire.


Ngoài ra, còn có các nhân viên kỹ thuật, thợ bảo dưỡng tàu ngầm, công nhân xây dựng. Tất cả những người này đều có khả năng cầm vũ khí và bảo vệ cảng St Nazaire. Cách cảng không xa là sở chỉ huy quân đoàn của Đại tướng Ritter von Prager và sư đoàn bộ binh số 333 đồn trú ở đó. Sư đoàn này được thành lập lại vào tháng 1/1941 với chủ yếu là những người lính Ba Lan.

Quân Đức cũng đánh giá, các bến cảng neo đậu của tàu ngầm là mục tiêu cần phải được bảo vệ nhất trong bến cảng này. Những kết cấu bê tông khổng lồ của cảng này là thiên đường trú ẩn an toàn của các tàu ngầm thuộc biên đội tàu ngầm số 7 và một phần của biên đội số 6, đơn vị đang từng bước được chuyển đến St Nazaire. Tuy vậy, các phương án bảo vệ cảng đều được hoạch định theo hướng bảo vệ các xưởng sửa chữa tàu ngầm thay vì bến tàu Normandie (nằm trong bến cảng St Nazaire). Bến tàu này được người Đức nhận định là thừa sức đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào từ quân đồng minh. Một ngày trước khi diễn ra trận đánh, Đô đốc Dönitz, chỉ huy hạm đội tàu ngầm phát xít Đức, đến thăm St Nazaire và hỏi Thiếu tá Herbert Sohler, chỉ huy biên đội tàu ngầm số 7 về phương án đối phó như thế nào nếu quân Anh tấn công vào cảng. “Quân Anh sẽ không bao giờ có khả năng vào được cảng này”, Sohler trả lời. Lúc đó, hắn hầu như không biết rằng, quân Anh đã ở trong Vịnh Biscay và đang chuẩn bị tiến về St Nazaire.

Về phía quân Anh, sau khi hoàn thành việc lựa chọn phương tiện để chuyên chở lực lượng tấn công và lực lượng biệt kích cũng kết thúc giai đoạn huấn luyện, toàn bộ lực lượng bắt đầu được tập trung ở Falmouth vào giữa tháng 3. Người ta đã dựng lên câu chuyện rằng, các tàu này được biên chế vào lực lượng săn tàu ngầm số 10 để tiến hành các sứ mệnh săn tàu ngầm dài ngày trong Vịnh Biscay để đánh lừa các máy bay trinh sát của đối phương.

Ngày 23/3, tàu HMS Atherstone và Tynedale đến Falmouth. Hai tàu khu trục lớp Hunt được điều động đến để hộ tống lực lượng trong quá trình họ di chuyển đến cửa sông Loire. Cuối buổi chiều 25/3, con tàu Campbeltown về đến cảng và ngay lập tức nó thu hút được sự chú ý bởi những đường nét trang trí. Con tàu có một thuyền trưởng mới, Thiếu tá Stephen Beattie. Sau khi tất cả mọi lực lượng đã có mặt đông đủ, người ta tiến hành một buổi phân công nhiệm vụ để ai cũng nắm được cụ thể mục tiêu của họ là gì và họ phải làm những gì. Một điều hiển nhiên mà ai cũng biết là nhiều người trong số lực lượng tham gia trận đánh sẽ không trở lại. Một cơ hội được mở ra là bất kỳ ai muốn được ở lại tuyến sau thì đều được chấp nhận mà không sợ bị buộc tội hoặc mất danh dự. Tuy nhiên, không ai muốn ở lại tuyến sau...

Đình Vũ (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 4: Hành trình đến cảng St Nazaire

 

Chiến dịch Chariot - Kỳ 2: Phương án tác chiến
Chiến dịch Chariot - Kỳ 2: Phương án tác chiến

Đến cuối tháng 3/1941, hầu hết mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành theo đúng kế hoạch ngoại trừ việc tìm một chiếc tàu khu trục thích hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN