Chiến dịch nhảy dù cuối cùng của Hitler - Kỳ 2

Tướng Student đã nhận thấy một cơ hội lý tưởng để hành động. Một cơ hội sẽ giúp khẳng định vị trí và vai trò của lực lượng lính dù một lần và mãi mãi. Mục tiêu là đảo Crete.

Lính dù Đức đáp xuống đảo Crete.

Chiếm được đảo này sẽ giúp bao vây kẻ địch đang rệu rã và tháo chạy, làm bàn đạp để chiến đấu cơ Đức oanh tạc Alexandria (cách khoảng 560 km) và thậm chí có thể là Suez (cách 800 km); đồng thời chặt đứt một mắt xích trong chuỗi căn cứ hải quân Anh ở Địa Trung Hải nối liền với Gibraltar và Suez. Một viễn cảnh đầy hứa hẹn, và tại một hội nghị với các đại diện của Không quân (Luftwaffe) ngày 21/4, Adolf Hitler đã gật đầu. Bốn ngày sau, ngày 25/4, Chỉ thị 28 được đưa ra, phác thảo Chiến dịch Mercury nhằm thả quân xuống đảo Crete.


Đặc trưng các chiến dịch của người Đức được thể hiện trong tốc độ tiến quân. Trong nhiều thế kỷ, các nhà hoạch định sách lược và chỉ huy chiến trường Đức luôn ưa thích chiến dịch “kurtz und vives”, một cú đòn “ngắn và hiểm” giáng xuống nhanh và mạnh đến nỗi kẻ thù bị choáng váng và không thể phản công. Mục đích là tạo ra thế trận bao vây rồi kết liễu kẻ thù. Cách đánh này đã thành công trong những năm qua, nhưng việc coi trọng sự vận động của lực lượng thường đồng nghĩa với việc những khía cạnh quan trọng khác của cuộc chiến bị lơ là, như tình báo, phản gián, vận tải, tiếp tế và hậu cần.


Chiến dịch ở Crete cũng vậy. Những kế hoạch nhằm xâm chiếm hòn đảo này được đưa ra hết sức bất ngờ, khi không một người sĩ quan nào trong bộ chỉ huy tối cao của Đức để tâm tới hòn đảo cho đến tận tháng 4/1941. Hơn nữa, chiến dịch phải kết thúc nhanh gọn. Hitler đang tập trung vào chiến dịch quy mô lớn ở phía Đông, chiến dịch Barbarossa, sẽ được tiến hành trong tháng 6. Chỉ thị 28 đã nêu rõ rằng chiến dịch Mercury bằng bất cứ giá nào cũng không được làm trì hoãn các chiến dịch nhằm vào Liên Xô.


Cách tiếp cận chóng vánh như vậy đã đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Ví dụ, Sư đoàn 22 chưa sẵn sàng. Lực lượng này đang ở Romania để bảo vệ các mỏ dầu ở Ploesti. Ngoài ra cũng không có thời gian và phương tiện vận chuyển để đưa họ xuống phía Nam. Trong khi đó, Sư đoàn sơn cước số 5 chắc chắn đã sức cùng lực kiệt sau những cuộc hành quân gian truân trong chiến dịch Hy Lạp vừa mới kết thúc. Nhưng như thường lệ, mọi trở ngại đều không thể làm lay chuyển ý chí và quyết tâm của giới cầm quân Đức, cho rằng nếu binh sĩ mệt mỏi, họ có thể nghỉ ngơi sau khi đã chiếm được Crete. Vấn đề lớn hơn là sư đoàn sơn cước này chưa được huấn luyện cho việc đổ bộ từ trên không, và họ thậm chí còn chưa từng được vận chuyển bằng đường không.


Bên cạnh đó, sự hấp tấp trong chiến dịch này cũng khiến người Đức không thể huy động đủ máy bay vận tải để vận chuyển toàn bộ Sư đoàn dù số 7 cùng một lúc. Và dù có đủ máy bay thì các sân bay và cơ sở hạ tầng ở miền nam Hy Lạp cũng không đủ khả năng chứa cả sư đoàn này. Bởi vậy, kế hoạch nhằm thả quân thành ba nhóm, xuống phía tây, phía đông và trung tâm đảo Crete, tương ứng với các khu vực Maleme-Canea, Suda-Retimo và Heraklion, đã phức tạp nay càng trở nên nan giải. Phần thưởng cho mỗi nhóm là một sân bay. Một khi lính dù đã chiếm được một sân bay thì Sư đoàn sơn cước số 5 sẽ được máy bay vận tải đưa đến, tiếp thêm sức mạnh để càn quét phần còn lại của hòn đảo.

Bản đồ các vị trí đổ bộ của lính dù và lực lượng không vận Đức.


Không nhất thiết là cả ba sân bay đều thúc thủ, nhưng quan trọng là phải kiểm soát được một trong ba sân bay này trong vòng 48 giờ đồng hồ đầu tiên. Đây là khoảng thời gian tối đa mà lực lượng lính dù chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ có thể cầm cự. Sau đó, khi một phần đáng kể khu vực duyên hải đảo Crete đã rơi vào tay người Đức thì giai đoạn thứ ba sẽ được triển khai. Khi đó, một đội tàu hỗn hợp gồm xuồng máy, tàu buồm nhỏ hay bất cứ phương tiện nổi nào sẽ vận chuyển phần còn lại của Sư đoàn sơn cước số 5 đến đảo Crete.


Còn một vấn đề cuối cùng. Do quá vội trong khâu lên kế hoạch, người Đức đã không thể tính toán chính xác sức mạnh của lực lượng Thịnh vượng chung trên đảo Crete. Họ đã đưa ra ước tính quá thấp so với con số thực tế. Phía Đức, với lực lượng khoảng 22.000 quân, dự đoán sẽ đương đầu với khoảng 15.000 quân địch trên đảo Crete. Nhưng con số trên thực địa là 42.000, trong đó có hai sư đoàn thiện chiến với quân số đầy đủ là Sư đoàn New Zealand số 2 ở khu vực phía tây và Sư đoàn Australia số 6 ở phía đông. Cho dù trong thành phần quân Thịnh vượng chung có tới 10.000 binh sĩ Hy Lạp được trang bị sơ sài thì đây vẫn được xem là một lực lượng hùng hậu bảo vệ một hòn đảo chỉ dài hơn 220 km và rộng vẻn vẹn 11 km ở nơi hẹp nhất. Như vậy Chiến dịch Mercury sẽ trở thành một cột mốc nữa trong lịch sử quân sự của Wehrmacht: Đây là chiến dịch đầu tiên được thai nghén, lên kế hoạch và triển khai hoàn toàn bằng lính dù. Nó có quy mô lớn hơn nhiều so với bất cứ chiến dịch nhảy dù nào của Đức trong quá khứ, bởi chiến dịch này sẽ được tiến hành bởi cả một Sư đoàn dù số 7 dưới sự chỉ huy của Trung tướng Wilhelm Süssmann, chứ không phải một tiểu đoàn hay chỉ vài đại đội.


Lực lượng này sẽ nhận được sự hỗ trợ của một biệt đội tác chiến đặc biệt gồm bốn tiểu đoàn. Hai trung đoàn của Sư đoàn sơn cước số 5, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Julius Ringel, đang đóng tại Hy Lạp và sẵn sàng đáp xuống Crete sau khi lính dù chiếm được một sân bay. Ngoài ra còn có sự yểm trợ của một lực lượng không quân hùng hậu gồm gần 300 máy bay oanh tạc cỡ vừa, 150 oanh tạc cơ bổ nhào Junkers Ju-87 Stuka, 100 chiến đấu cơ Me-109 và một số lượng tương tự máy bay tiêm kích Messerschmitt Me-110 hai động cơ.


Huy Lê

Đón đọc kỳ tới: Cuộc “tắm máu” trên bầu trời Crete

Chiến dịch nhảy dù cuối cùng của Hitler - Kỳ 2
Chiến dịch nhảy dù cuối cùng của Hitler - Kỳ 2

Tướng Student đã nhận thấy một cơ hội lý tưởng để hành động. Một cơ hội sẽ giúp khẳng định vị trí và vai trò của lực lượng lính dù một lần và mãi mãi. Mục tiêu là đảo Crete.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN