5 con tàu này vốn được Pháp xây dựng theo đơn đặt hàng của Hải quân Israel, nhưng chúng đã bị mắc kẹt lại tại Cherbourg do lệnh cấm vận vào đầu năm 1969 của Tổng thống Pháp khi đó là Charles de Gaulle.
Bến tàu trống không vào ngày Giáng sinh năm 1969 cộng với việc không có bất cứ thông báo nào về việc chấm dứt cấm vận đã khiến giới truyền thông Pháp nghi hoặc. "Chúng ở đâu?", một tờ báo địa phương giật dòng tít lớn. Ngay trong mùa nghỉ lễ Noel, truyền thông quốc tế đã "đánh hơi" thấy một câu chuyện kỳ lạ: Israel đánh cắp những chiếc tàu của chính họ? Một nhóm truyền hình đã bay qua Biển Bắc để xem nhóm tàu có được bán sang Na Uy không; nhóm khác bay ra ngoài Địa Trung Hải tìm kiếm dấu vết. Mãi cho đến khi các con tàu di chuyển tới Bắc Phi thì truyền thông quốc tế lúc này mới phát hiện ra.
Đúng là 5 con tàu đang chạy trốn. Vượt qua những ngọn sóng dữ trên vịnh Biscay, đội tàu cuối cùng thả neo trong một vịnh của Bồ Đào Nha cùng với một tàu chở hàng của Israel, được trang bị như tàu tiếp nhiên liệu. Đây chỉ là một trong nhiều tàu hỗ trợ được triển khai dọc theo 5.150 km đường chạy thoát từ cảng Cherbourg của Pháp về Israel.
Về phần mình, quá bất ngờ trước sự táo bạo của Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michel Debre đã kêu gọi không quân đánh chìm những con tàu bị đánh cắp, vừa được phát hiện ngoài khơi bờ biển Bắc Phi đang chạy về phía đông. Nhưng Thủ tướng Pháp Jacques Chaban-Delmas đã từ chối vì sợ leo thang xung đột giữa Israel và Pháp. Cuối cùng 5 con tàu trở về trót lọt tới cảng Haifa vào đêm giao thừa bước sang năm 1970, kết thúc một chiến dịch thành công do tình báo Mossad đạo diễn.
Vì sao Israel nóng lòng sở hữu tàu tên lửa?
Hải quân Israel vào đầu những năm 1960 nhận ra rằng những khu trục hạm, tuần dương hạm của họ đã quá cũ kỹ, đa phần đều được đóng từ Thế chiến II. Vì thế một cuộc khảo sát với nhà máy đóng tàu Đức tại Lurssen được thực hiện, theo đó nhà máy này sẽ thiết kế và đóng 3 tàu tên lửa mới dựa trên lớp Jaguar. Nhưng do áp lực từ phía Liên đoàn Ả-rập, chính phủ Đức buộc phải dừng hợp đồng này.
Trước tình hình đó, Hải quân Israel tìm được nhà máy đóng tàu Felix Amiot tại Cherbourg, Pháp để thực hiện hợp đồng. Nhà máy Cherbourg sẽ đóng các con tàu này dựa trên các thiết kế của Đức.
Tuy nhiên vào năm 1967 khi cuộc Chiến tranh Sáu ngày nổ ra, mối quan hệ giữa Israel với Pháp bắt đầu xấu đi. Tổng thống Pháp Charles De Gaulle quyết định áp dụng lệnh cấm vận quân sự lên Israel, có hiệu lực với cả những hợp đồng đã trả tiền. Mặc dù vậy các tàu tên lửa tại nhà máy Cherbourg vẫn tiếp tục được đóng do các công nhân không muốn bị mất việc.
Lúc này Hải quân Ai Cập với sự giúp đỡ của Liên Xô đã phát triển vượt lên cả Israel, đặc biệt với việc hạ thủy các tàu tên lửa mới thuộc lớp Osa và Komar, cán cân sức mạnh hải quân tại Địa Trung Hải hoàn toàn nghiêng về phía khối Ả-rập. Điều này càng làm Hải quân Israel nôn nóng muốn nhận các tàu tên lửa mới
Sự việc lên đến đỉnh điểm vào tháng 10/1967 khi khu trục hạm INS Eliat của Israel bị tàu tên lửa lớp Komar của Ai Cập tấn công. Sau khi trúng 2 tên lửa chống hạm Termit, tàu Eliat bắt đầu cứu hộ các thủy thủ bị thương và chờ các tàu Israel khác đến tiếp cứu. Tuy nhiên, 1 tiếng sau, tàu Ai Cập tiếp tục bắn tiếp 2 tên lửa Termit về phía Eliat, một tên lửa trúng đích đánh chìm tàu Eliat 2 phút sau đó làm 47 thủy thủ chết và 41 bị thương, tên lửa thứ 4 thì trượt mục tiêu và rơi xuống nước.
Video tàu tên lửa Ai Cập phóng tên lửa đánh chìm chiến hạm INS Eliat của Israel:
Vụ đánh chìm tàu INS Eliat chỉ diễn ra đúng 2 tháng sau chiến thắng của quân Israel tại Chiến tranh 6 ngày đã làm phía thế giới Ả Rập vui mừng, trong khi tại Israel, Hải quân nước này cực kỳ tức giận vì hạm đội già nua của mình. Vì vậy kế hoạch cướp 5 tàu tên lửa tại cảng Cherbourg, Pháp được chính phủ Israel và Mossad quyết định tiến hành.
67 tiếng sau khi tàu Eliat bị đánh chìm, quân Israel nã pháo về phía Ai Cập để trả đũa tại cảng Suez. 2 nhà máy lọc dầu lớn nhất tại đây bị phá hủy, làm 80% lượng khí đốt, dầu ăn và dầu mỏ của Ai Cập bị ngưng trệ. Các thành phố khác của Ai Cập cũng bị pháo kích dồn dập, mặc cho Liên Hợp Quốc ra lệnh ngừng bắn. Cuộc pháo kích của Israel vào Ai Cập chỉ dừng khi Liên Xô gửi 7 tàu chiến tới Ai Cập với lời đe dọa khai hỏa vào Israel.
Vụ đánh chìm tàu Eliat bằng tên lửa chống hạm đã làm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các tên lửa dạng này. Hải quân Israel cũng bắt đầu kế hoạch tự phát triển các tàu tên lửa mới nhằm giành lại ưu thế. Điều giúp họ giành chiến thắng áp đảo trên biển khi chiến tranh Yom Kippur diễn ra 6 năm sau.
Khi 5 tàu tên lửa lớp Saar 3 (chính là các tàu cướp từ Cherbourg) của Israel đánh chìm hoàn toàn 5 tàu tên lửa Komar/Osa của Syria mà không có tổn thất tại trận Latakia, và 6 tàu tên lửa lớp Saar của Israel đánh chìm 4 tàu lớp Osa của Ai Cập, cũng không có tổn thất. Ngoài ra, không một tàu nào của Israel bị thiệt hại trong toàn cuộc chiến Yom Kippur, do các tên lửa chống hạm Liên Xô hoàn toàn bị phía Israel gây nhiễu.