Không chỉ tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược và diệt chủng tàn bạo, phát xít Đức còn tìm cách hủy diệt các nền văn hóa châu Âu thông qua những chiến dịch vơ vét và phá hủy các công trình văn hóa, nghệ thuật ở bất cứ nơi nào lính phát xít đặt chân tới. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, nhưng bom đạn và lửa khói đã vĩnh viễn cướp đi của nhân loại hàng trăm ngàn tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Ảnh chụp Phòng Hổ phách vào năm 1940. |
Căn phòng xa hoa rộng 55 m2 là tác phẩm của kiến trúc sư người Đức Andreas Schluter. Ông cũng được cho là người đầu tiên trong lịch sử dùng Hổ phách trong trang trí nội thất. Công trình được mệnh danh “Kỳ quan thế giới thứ tám” này được Hoàng đế Phổ Friedrich Wilhem I cho chế tác từ năm 1701 tại Cung điện Charlottenburg, nơi ở của người vợ yêu, Hoàng hậu Sophie Charlotte.
Phòng Hổ phách thực sự là kiệt tác độc nhất vô nhị, một trong những kho báu nghệ thuật vĩ đại nhất từng tồn tại. Cả căn phòng được làm từ 16 tấn hổ phách chất lượng cao, dát đủ loại đá quý như kim cương, ngọc lục bảo, ngọc bích, mã não và hồng ngọc.
Lâu đài Königsberg, nơi phát xít Đức cất giữ Phòng Hổ phách |
Trong một lần viếng thăm nước Phổ vào năm 1716, Nga hoàng Peter Đại đế đã hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp vô tiền khoáng hậu của căn phòng đế vương này. Hoàng đế Friedrich Wilhelm I đã quyết định tặng lại Phòng Hổ phách cho Nga hoàng nhằm thắt chặt quan hệ liên minh Nga - Phổ chống Thụy Điển. Căn phòng được tháo dỡ, đóng gói thành 18 kiện và chuyển tới St. Petersburg, nhưng những tấm hổ phách vẫn ngủ im lìm trong thùng suốt gần 24 năm cho đến khi Nữ hoàng Catherine Đại đế cho lắp đặt tại Cung điện Mùa Đông của bà.
Kiến trúc sư người Italia, Bartolomeo Francesco Rastrelli được giao nhiệm vụ thiết kế lại căn phòng, biến nó thành một không gian mới, rộng rãi hơn, sử dụng thêm Hổ phách được mua từ Berlin. Năm 1755, Phòng Hổ phách “bản Nga” được hoàn tất, nhưng báu vật này cũng chỉ “dừng chân” tại Cung điện Mùa Đông trong 15 năm, rồi lại được chuyển tới Cung điện Mùa hè ở Pushkin, ngoại ô St. Petersburg vào năm 1770. Căn phòng có một không hai trên thế giới tọa lạc yên bình tại đây trong 171 năm tiếp theo.
Năm 1941, Đức quốc xã chiếm đóng Nga, cướp bóc nhiều bảo tàng, thánh đường, nhà thờ và các tư gia, vơ vét các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật tôn giáo và tài sản cá nhân. Các cung điện ở St. Petersburg tất nhiên không phải là ngoại lệ, nhất là khi chính Hitler cũng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của Phòng Hổ phách tại Cung điện Mùa hè của Catherine Đại đế.
Ngày 14/10/1941, dưới sự chỉ huy của Rittmeister Graf Solms-Laubach, Phòng Hổ phách đã được tháo dỡ và xếp vào 27 kiện để đưa về Königsberg, Đức. Nhiều phần của căn phòng được trưng bày tại lâu đài Königsberg và lưu giữ tại đây trong gần 4 năm.
Tháng 1/1945, các vụ không kích của quân Anh đã buộc người Đức phải tháo dỡ Phòng Hổ phách một lần nữa, và cất giữ nó ở một nơi an toàn hơn. Khi quân đội Xô viết chiếm thành phố Königsberg vào tháng 4/1945 thì Phòng Hổ phách đã biến mất. Nhiều người tin rằng, các kiện hổ phách được cất giữ trong một tòa lâu đài nào đó và bị phá hủy khi tòa nhà bị cháy, số khác lại cho rằng chúng được chôn trong một mỏ bạc.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhân viên an ninh của Đông Đức cũng đã nỗ lực tìm kiếm Phòng Hổ phách thông qua một chiến dịch bí mật quốc gia, được ghi lại trong một tập hồ sơ dày 1.800 trang có mật danh là "Hồ sơ Pushkin". Có ít nhất 100 nơi đã được khám xét hay khai quật, trong đó có một phần của khu vực hầm "Chim én V" Thüringen, nơi bị nghi ngờ cất giữ Phòng Hổ phách. Sau khi nước Đức thống nhất, những người săn tìm kho tàng cũng như những công ty chuyên tìm báu vật cũng đã đến vùng này tìm kiếm, nhưng tung tích của Phòng Hổ phách đến nay vẫn là một bí ẩn.
Phòng Hổ phách là một trong những kho báu mất tích vĩ đại nhất, nhưng nó không phải là duy nhất. Trong Thế chiến thứ hai, vô vàn các kho báu nghệ thuật, trong đó có những kho báu và tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất châu Âu đã biến mất. Phần lớn số đó bị phát xít Đức đánh cắp, trong đó một số lớn bị tiêu hủy thẳng tay chỉ vì không đủ “phẩm chất Đức”.
Đức quốc xã đã mở một chiến dịch gây bất ổn định và phá hủy các nền văn hóa “không tương ứng”, đặc biệt là văn hóa Do thái, bằng cách đặt ra một loạt đạo luật cho phép sung công hợp pháp các tài sản văn hóa của nhà nước và tư nhân. Chiến dịch sung công các tài sản văn hóa nhanh chóng lan ra khắp các nước châu Âu thời kỳ bị phát xít Đức chiếm đóng.
Bạch Đàn
Đón xem kỳ 2: Sung công nghệ thuật "suy đồi"