Sau 6 năm chiến tranh, Đức quốc xã đã đại bại vào mùa hè năm 1945. Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc với hàng triệu người chết, nhiều triệu người mất nhà cửa, hàng ngàn thành phố, thị trấn bị phá hủy.
Các thành viên MFAA tìm lại nhiều kho báu nghệ thuật. |
Và đâu đó dưới đống đổ nát còn ẩn giấu vô số kho tàng nghệ thuật. Phát xít Đức đã bị tiêu diệt cùng với bí mật về những kho báu vô giá mà chúng đã nhiều năm vơ vét, cất giấu.
Ngay từ khi chiến tranh chưa chấm dứt, phe Đồng minh đã thành lập Tổ chức Văn thư, Nghệ thuật và Tượng đài (MFAA) nhằm tìm lại những tài sản văn hóa bị mất tích ở châu Âu. Lực lượng này chủ yếu do quân đội Mỹ và Anh cử ra, thường được biết đến với tên “Monuments Men” (Đội tượng đài).
MFAA đã mất rất nhiều công sức để khám phá những địa điểm quân Đức giấu các kho báu nghệ thuật. Sứ mạng của họ là khôi phục và giúp bảo tồn những hiện vật bị cướp bóc, thất lạc, và cung cấp bằng chứng để kết tội những kẻ chịu trách nhiệm. Đội tượng đài đã tìm kiếm khắp các vùng lãnh thổ từng bị phát xít Đức chiếm đóng, và họ phát hiện nhiều kho báu nghệ thuật giá trị nhất châu Âu bị giấu ở những nơi không ngờ nhất.
Nhiều tác phẩm bị đánh cắp đã được tìm thấy ở những nơi cất giấu không ngờ. |
Các tác phẩm nghệ thuật ở đủ loại hình, giá trị, kích cỡ được tìm thấy trong các nông trại, mỏ muối, các toa xe lửa bỏ không, boongker, bên dưới những tấm nệm, và nhiều nơi khác. Tại Berchtesgaden (Đức), kho tàng nghệ thuật của Bộ trưởng Nội vụ Đức quốc xã Goering, bao gồm hàng ngàn bức tranh, đã được phát hiện. Sau đó, tại Nuremberg, thành viên MFAA đã tổ chức một nhóm tìm kiếm các báu vật bị Đức quốc xã cất giấu. Trong boongker ngầm bên dưới lâu đài Kaiserburg, họ cũng tìm thấy một trong những kho báu lớn nhất.
Hàng trăm ngàn hiện vật tìm thấy đã được sơ tán đến những “Điểm tập kết” để bảo quản. Các “Điểm tập kết” này ngày càng đồ sộ và giống như các viện bảo tàng hơn là kho cất giữ. Vào cuối Thế Chiến thứ II, MFAA đã phát hiện trên 1.050 kho cất giấu ở Đức và Áo. Chuyến hàng đầu tiên chở các tác phẩm nghệ thuật lưu lạc đã đến điểm tập kết Wiesbaden, bao gồm vô số các hiện vật nghệ thuật Ai Cập, Hồi giáo, các bộ sưu tập của người Do Thái. Lúc cao điểm, Wiesbaden đã bảo quản xấp xỉ 700.000 hiện vật.
Từ tháng 11/1942, Liên Xô cũng cho thành lập Ủy ban đặc biệt về điều tra các tội ác của phát xít Đức, trong đó có hoạt động cướp bóc, vơ vét các tài sản văn hóa. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, cho đến tận năm 1991, Ủy ban này đã thu thập rất nhiều bằng chứng về tội ác của Đức quốc xã tại Liên Xô, trong đó có chi tiết các hoạt động cướp bóc tại 64 viện bảo tàng giá trị nhất của Liên Xô, trong tổng số 427 bảo tàng bị phá hủy bởi chiến tranh. Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Liên bang Nga đã tiếp tục thành lập Ủy ban nhà nước về phục hồi các giá trị văn hóa, nhằm thay thế Ủy ban điều tra đặc biệt.
Bên kia Đại Tây Dương, OSS, tiền thân của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), cũng cử một đội đặc biệt gọi là Đơn vị điều tra nghệ thuật bị cướp bóc, tới thẩm vấn các quan chức phụ trách mảng văn hóa của Đức quốc xã và phân tích các hồ sơ để có thể tìm ra chủ sở hữu. Đó là một quá trình kéo dài nhiều thập niên. Cuối cùng, khoảng 3 triệu tác phẩm nghệ thuật cũng đã trở về với các chủ nhân hợp pháp của nó.
Bất chấp nỗ lực của các sĩ quan MFAA và nhiều lực lượng Đồng minh khác, các hiện vật nghệ thuật vô giá, giống như Phòng Hổ phách, đã không bao giờ được tìm thấy. Nhiều kho tàng và tác phẩm đã bị phá hủy, mất tích hoặc phân tán khắp nơi. Trong nhiều năm sau đó, nhiều hiện vật đã được tìm thấy, tuy nhiên, cơ hội tìm lại những tác phẩm nghệ thuật mất tích đang khép dần lại theo thời gian và rất nhiều tác phẩm có thể sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn xuất hiện.
Trong vòng hai thập kỷ trở lại đây, thông tin về những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp hoặc thất lạc đã được tiếp cận đầy đủ hơn. Nhiều quốc gia đã thành lập các cơ quan chuyên xem xét giải quyết các vụ khiếu kiện liên quan đến quyền sở hữu các hiện vật bị đánh cắp từ Thế Chiến thứ II. Năm 1985, vài năm trước khi các bảo tàng Mỹ công nhận việc trao trả các tài sản bị đánh cắp và trước hội nghị quốc tế về tài sản bị Đức quốc xã vơ vét, các nước châu Âu đã công bố danh sách những tác phẩm văn hóa nghệ thuật của người Do Thái bị sung công, và thông báo chi tiết quá trình hoàn trả cho chủ nhân hợp pháp.
Năm 1998, một ủy ban cố vấn của Áo đã đề xuất trao trả 6.292 tác phẩm nghệ thuật cho chủ nhân hợp pháp, hầu hết là người Do Thái. Tháng 3/2012, một tòa án ở Đức đã ra phán quyết buộc Bảo tàng Lịch sử nước này phải hoàn trả bộ sưu tập gồm hơn 4.000 bức tranh ảnh nghệ thuật trị giá khoảng 4 triệu bảng Anh về cho gia đình một người Do Thái đã dày công sưu tập nó, sau hơn 74 năm kể từ ngày chúng bị Đức quốc xã cướp đi.
Bạch Đàn