Chiến lược của IS tại Libya

Do thiếu quan hệ chặt chẽ với các nhóm xã hội tại Libya, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã lựa chọn chiến lược tập trung vào việc thúc đẩy sự sụp đổ của chính quyền trung ương thay vì đánh chiếm lãnh thổ.

IS tại Libya tung một đoạn video trên Internet quay cảnh hành quyết 21 người Cơ đốc giáo gốc Ai Cập mà lực lượng này tuyên bố bắt giữ ở Libya.


Khi đưa tin về hoạt động của IS tại Libya, truyền thông thường tập trung vào việc lực lượng thánh chiến này nhanh chóng chiếm được các vùng lãnh thổ và mở rộng sự cai trị của Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) tại đất nước ngày càng trở nên hỗn loạn này. Tuy nhiên, các nỗ lực của IS tại Libya đã không đi theo hướng gây ra những nỗi sợ hãi đó. Dù IS được cho là đang kiểm soát các thành phố như Derna và Sirte, nhưng chúng vẫn chỉ là một trong nhiều phe phái tranh giành quyền lực tại các khu vực này.

Điều đó không có nghĩa là IS đang thất bại tại Libya. Trên thực tế, đường hướng của IS tại Libya giống với chiến lược của tổ chức này tại Iraq, trong đó tìm cách tối đa hóa những lợi thế cạnh tranh của mình tại địa bàn. Việc IS thay đổi trọng tâm từ Derna sang Sirte là một quyết định chiến lược thận trọng dựa trên giả thiết Sirte có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn cho IS so với Derna.

Tuy nhiên khác với Iraq và Syria, Libya đang thiếu một số điều kiện then chốt vốn cho phép IS có những bước tiến như vũ bão tại vùng Levant vào mùa hè năm 2014. Cụ thể, IS thiếu các mối quan hệ lâu dài với các bộ tộc và các nhóm xã hội có ảnh hưởng tại Libya, trong khi quốc gia Bắc Phi này không có sự phân chia bè phái mạnh hay một kẻ thù chung để các phe phái tập hợp. Do đó, chiến lược của IS tại Libya dường như nhằm mục tiêu đẩy nhanh sự sụp đổ của nhà nước và phá vỡ ý thức của người dân về nhà nước chung. Đồng thời, IS cũng thúc đẩy các điều kiện nhằm gia tăng ảnh hưởng của chúng và tạo ra một bản sắc dân tộc - tôn giáo phù hợp với quan điểm riêng của Caliphate.

Đoàn xe của IS ở thành phố Sirte, miền đông thủ đô Tripoli.


Cuộc tấn công mới đây của IS nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí tại lưu vực Sirte có thể không xuất phát từ ý đồ đánh chiếm và bán dầu để thu tiền - ít nhất là trong ngắn hạn. Bằng chứng là sau khi phong tỏa một số hải cảng xuất khẩu dầu hồi năm 2014, thủ lĩnh phiến quân Ibrahim Jathran đã gặp rất nhiều khó khăn để đánh cắp và qua mặt nhà nước nhằm bán dầu ra bên ngoài do bị cộng đồng quốc tế ngăn chặn. Với việc ngăn cản sự tiếp cận các nguồn dầu mỏ của Chính phủ Libya, mục tiêu của IS là đẩy nhanh sự sụp đổ của đất nước thông qua việc gây thêm khó khăn tài chính, khiến chính phủ không còn khả năng cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu.

Sự mở rộng của IS tại Sirte kể từ giữa năm 2014 chắc chắn mang lại cho lực lượng này nhiều lợi thế chiến lược. Trước hết, thành phố này từ lâu đã được biết đến là nơi trú ẩn an toàn của nhiều nhóm Hồi giáo và thánh chiến. Dù chính thức ra đời vào tháng 6/2013, nhóm Ansar al-Sharia tại Sirte là hiện thân của phong trào thánh chiến Hồi giáo từng xuất hiện tại Sirte sau cuộc cách mạng năm 2011. Trong suốt năm 2012, các nhóm Hồi giáo vũ trang thường xuyên phô diễn lực lượng tại Sirte, trong đó có các cuộc diễu hành với các loại khí tài và lá cờ đen. Trong khi đó, một số nhóm khác nỗ lực áp đặt các quy định hà khắc của Luật Hồi giáo Sharia tại Sirte. 

Tháng 6/2013, các tổ chức trên đã sáp nhập và chính thức công bố thành lập nhóm Ansar al-Sharia tại Sirte. Chúng duy trì các mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng người Misrata và các lữ đoàn cách mạng hiện diện trong thành phố. Thủ lĩnh đầu tiên của Ansar al-Sharia tại Sirte là Ahmad Ali al-Tayyar, người Misrata và từng chỉ huy Lữ đoàn Faruq tại thành phố này trong cuộc cách mạng năm 2011. Các nguồn tin cho hay một số lực lượng, trong đó có cả nhà thờ Hồi giáo Rabat nằm tại trung tâm thành phố Sirte, từng tuyển dụng các tay súng để tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria. Thánh đường Hồi giáo này cũng từng mời Sheikh Turki al-Binali, kẻ hiện là một trong những nhà tư tưởng nổi bật nhất của IS, tham gia hàng loạt buổi giảng đạo vào tháng 6/2013.

Tương tự như vậy, IS đã tìm cách huy động những người dân có cảm tình với chúng tại Sirte. Cũng giống như ở Iraq và Syria, chi nhánh của IS tại Libya ưu tiên xây dựng mạng lưới và tuyển dụng, tập trung vào các cá nhân và cộng đồng bị gạt ra khỏi tiến trình chính trị hiện nay. Tại Sirte, quê nhà và là địa điểm kháng cự cuối cùng của cố Tổng thống Moamer Kadhafi cho tới tháng 10/2011, IS đã tiếp cận các bộ lạc từng trung thành với ông Kadhafi và có lịch sử xung đột lâu dài với các phe phái người Misrata. Trên thực tế, chính IS (chứ không phải là các lực lượng của thủ lĩnh phiến quân Ibrahim Jathran liên kết với Tướng hồi hưu Khalifa Haftar ở phía Đông) đã nhiều lần tấn công và kích động các lực lượng người Misrata ở Sirte và các khu vực lân cận. Đây có thể là âm mưu của IS nhằm khai thác sự bất mãn của các bộ lạc nói trên, vốn cũng đang tức giận trước sự gia tăng ảnh hưởng của người Misrata ở lưu vực Sirte kể từ cuộc cách mạng.



TK (Theo tờ "Tin Trung Đông")
Chiến lược của IS tại Libya (Tiếp theo và hết)
Chiến lược của IS tại Libya (Tiếp theo và hết)

Nhiều khả năng, IS sẽ tiếp tục đặt mình giữa các phe phái tham chiến tại Libya, theo đuổi việc tiếp cận các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề và bất mãn, đồng thời tìm cách làm giảm khả năng của chính quyền, đẩy nhà nước tiếp tục sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN