Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại - Kỳ 2

Hiệp định đình chiến được ký giữa Đại tướng Nam Il - đại diện cho Phái đoàn cấp cao Quân đội CHDCND Triều Tiên và “Quân chí nguyện” Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - với Trung tướng William Harrison, đại diện cho Phái đoàn cấp cao Bộ Chỉ huy quân đội Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 27/7/1953, mà không có sự tham gia ký kết của Hàn Quốc. Đúng một tháng sau, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết ủng hộ Hiệp định đình chiến này, mong muốn hai phía tiến hành hội nghị chính trị theo tinh thần tại Khổ 60 của Hiệp định.
 

Đường ranh giới và khu phi quân sự theo Hiệp định đình chiến Triều Tiên.


Ngoài Lời mở đầu và Phụ lục, Hiệp định gồm 5 điều, với 63 khổ, đề cập đến những điểm chính yếu về phân định giới tuyến, thiết lập Khu phi quân sự đóng vai trò là một vùng đệm có bề rộng 4 km chạy dọc theo giới tuyến; những thỏa thuận nguyên tắc đối với Hiệp định đình chiến và Lệnh ngừng bắn; quy định về tổ chức, quyền hạn, hoạt động của Hội đồng đình chiến quân sự (MAC) - gồm 10 thành viên, theo tỉ lệ 5 - 5 đối với hai phía, Hội đồng Giám sát các nước Trung lập (NNSC) - gồm 4 thành viên thuộc các nước Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ba Lan và Séc & Xlôvakia (Tiệp Khắc); yêu cầu thực hội nghị chính trị; trao trả tù binh...


Theo giới nghiên cứu, tuy được soạn thảo theo thể thức của một hiệp định đình chiến thông thường có sự soi chiếu theo luật pháp quốc tế, Hiệp định đình chiến Triều Tiên bị xem là còn có nhiều điểm hạn chế, yếu về tính pháp lý, không ràng buộc được trách nhiệm thực thi của các bên liên quan và vì thế ít có giá trị thực tiễn.


Lễ ký kết Hiệp định đình chiến Triều Tiên. Trung tướng William Harrison bàn bên trái, Đại tướng Nam Il bàn bên phải.


Tính pháp lý trước hết được quyết định bởi mục đích chính trị. Trong trường hợp này, mục đích đó không được thể hiện một cách rõ ràng. Các bên ngay từ đầu đã không đề cập đến mục đích chính trị của Hiệp định. Tại Lời mở đầu, vai trò của Hiệp định dừng lại ở việc “hướng đến việc ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch giữa hai phía”. Tính chất của Hiệp định là tạm thời: “chờ cho đến khi đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng”. Đặc biệt, những người soạn thảo nhấn mạnh các nội dung của Hiệp định chỉ mang “đặc trưng quân sự”, trong khi xét dưới góc độ luật pháp quốc tế, hiệp định đình chiến là một văn bản pháp lý mang ý nghĩa chính trị nặng hơn quân sự. Điểm mấu chốt nhất trong Hiệp định là tổ chức hội nghị chính trị. Thế nhưng, Điều 4 của Hiệp định chỉ đề cập một cách sơ lược là, sau 3 tháng Hiệp định chính thức có hiệu lực, Tư lệnh quốc phòng hai phía sẽ đề xuất với các Chính phủ của mình tiến hành hội nghị chính trị cấp cao, đàm phán rút quân đội nước ngoài khỏi bán đảo Triều Tiên, giải quyết các bất đồng còn tồn đọng thông qua biện pháp hòa bình.


Đặc điểm trên kéo theo đối tượng liên quan đến cuộc chiến, hoặc là bên thực thi Hiệp định đã không được đề cập một cách rõ ràng. Trong Hiệp định, có rất nhiều điều, khổ đề cập đến các khái niệm như “bên liên quan”, “Chính phủ các bên liên quan”, “Hội nghị chính trị giữa hai phía”... Thế nhưng, không có một điều khoản nào mang tính giải thích thuật ngữ chỉ rõ đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Hiệp định tuyệt nhiên không nêu tên một nước, một tổ chức, hay một thực thể nào để có thể khu trú trách nhiệm thực thi của các bên.


“Lỗ hổng” về tính pháp lý được thể hiện tập trung và đậm nét nhất khi xét đến chủ thể tham gia ký kết. Thông thường, Hiệp định đình chiến được ký kết bởi Tư lệnh hay người đứng đầu quân đội của hai phía tham chiến. Trong Hiệp định này, vấn đề trở nên phức tạp khi khái niệm “hai phía” lại bao gồm quá “nhiều bên”. “Phía Bắc” với Triều Tiên, Trung Quốc, “Phía Nam” ít nhất bao gồm Mỹ và Hàn Quốc.


Dường như chỉ Triều Tiên là có địa vị pháp lý rõ ràng, khi Đại tướng Nam Il với danh nghĩa Tư lệnh tối cao quân đội Triều Tiên, có đủ thẩm quyền đại diện cho chính quyền miền Bắc. Nhưng việc đại tướng Nam Il lấy tư cách Tư lệnh “lực lượng quân chí nguyện Trung Quốc” để ký vào bản Hiệp định lại gây ra nhiều tranh cãi. Trung Quốc là một bên liên quan đến cuộc chiến và Hiệp định. Theo luật pháp quốc tế thông thường, bên liên quan này được hiểu là các nhà nước, chứ không phải là đại diện các nhóm, hay tổ chức quân sự, vì còn phải gắn với trách nhiệm thực thi sau này.


Ở bên “Phía Nam”, việc Hàn Quốc không tham gia kí kết Hiệp định rõ ràng là điểm thiếu sót lớn, vì ngay từ khi nổ ra chiến tranh, Hàn Quốc đương nhiên là một bên tham chiến. Địa vị pháp lý của Mỹ thậm chí còn mập mờ hơn cả trường hợp của Trung Quốc. Tướng William Harrison thay mặt cho Bộ Chỉ huy quân đội LHQ ký vào Hiệp định, điều đó có nghĩa là ông lấy tư cách người đại diện cho các bên tham chiến đứng về phía Hàn Quốc, cụ thể là các quốc gia có gửi quân tham chiến. Ông William Harrison là tướng người Mỹ, là tư lệnh của đội quân LHQ, nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ là một bên ký kết Hiệp định.


Tính pháp lý yếu đưa đến hệ quả không ràng buộc được trách nhiệm của các bên. Điều đáng tiếc nhất của Hiệp định này là hai phía ký kết đã không thể tiếp tục trở thành hai bên thực thi. Hiệp định đình chiến Triều Tiên vì thế ngay từ đầu đã không có giá trị thực tiễn. Không có gì ngạc nhiên khi sau đó, các bên liên quan đã không tuân thủ, thậm chí có các hành động vi phạm nghiêm trọng Hiệp định này.


Về mặt quân sự, ngày 8/8/1953, Mỹ ký kết Hiệp định Phòng thủ chung với Hàn Quốc nhằm “hợp thức hóa” việc đưa quân Mỹ đồn trú tại đây, vi phạm nghiêm trọng Khổ 63 trong Hiệp định, quy định việc rút toàn bộ lực lượng quân sự nước ngoài tại bán đảo Triều Tiên. Tiếp sau đó, năm 1957, Mỹ cung cấp một lượng lớn vũ khí hiện đại cho Hàn Quốc, vi phạm Điểm d, Khổ 13 trong Hiệp định.


Về mặt giám sát thực thi, vai trò của Hội đồng đình chiến quân sự (MAC) và Hội đồng Giám sát các nước Trung lập (NNSC) cũng dần bị vô hiệu hóa. Các thành viên NNSC, gồm đại diện các nước Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc và Ba Lan rời khỏi bán đảo Triều Tiên tháng 6/1956. Đến năm 1994, Triều Tiên rút phái đoàn khỏi MAC. Hai chủ thể MAC, NNSC với cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ được quy định chi tiết trong 36 trên tổng số 63 Khổ chính của Hiệp định đã không còn tồn tại trên thực tế.


Về mặt chính trị, nỗ lực đầu tiên nhằm tổ chức hội nghị chính trị tại Bàn Môn Điếm đã thất bại. Phải đến tháng 2/1954, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô mới đạt được thỏa thuận tiến hành Hội nghị chính trị tại Giơnevơ - Thụy Sĩ vào tháng 4/1954 để bàn về một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên. Thành phần tham dự có thêm đại diện chính phủ Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và những nước có gửi quân tham chiến. Hội nghị diễn ra từ 24/4 đến 15/6/1954, nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào, và từ đó đến nay vẫn chưa hề được nối lại.


Như vậy, khi một bên nào đó kêu gọi tuân thủ hay tuyên bố từ bỏ Hiệp định đình chiến, đó đơn giản chỉ là một phản ứng ngoại giao nhằm thể hiện ý chí chính trị. Với ý nghĩa đó, nhiều học giả nhìn nhận, Hiệp định đình chiến Triều Tiên chỉ là một “mớ giấy”, ít có giá trị thực tiễn.

 

Hoài Thanh (tổng hợp)


Kỳ cuối: Hiệp định hòa bình - con đường còn lắm chông gai

Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại
Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại

Cách đây đúng 60 năm, cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, hay còn gọi là Chiến tranh Triều Tiên, chứng kiến một sự kiện quan trọng: Ngày 27/7/1953, các bên liên quan chính thức ký kết Hiệp định đình chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN