Sự phát triển của đường sắt đã thay đổi mạnh mẽ khả năng của các quốc gia trong chiến tranh. Từ Thế chiến thứ I, khi mà việc chuẩn bị của quân Đức hoàn toàn dựa vào đường sắt trong việc huy động quân đội và chuyển quân ra tiền tuyến, đến Thế chiến thứ II, nơi cuộc chiến Triều Tiên đã không thể kết thúc do sự vững mạnh của hệ thống đường sắt huyết mạch. Cùng năm tháng, bản chất của chiến tranh đã thay đổi. Cùng với tiến bộ trong công nghệ vũ khí và vận tải đường bộ và đường không, đường sắt dần mất đi vai trò quyết định của mình.
Thế chiến thứ I
Trong Thế chiến thứ I, những bài học đã được tiếp thu. Một chương trình có tên gọi là Schlieffen Plan được quân Đức phát triển để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ nhanh chóng vào Bỉ và Pháp. Đường sắt là cốt lõi của kế hoạch. Quân Đức tới biên giới Pháp vào ngày thứ 22 và vào đến Pari vào ngày thứ 39, nhưng rõ ràng là đã có những trở ngại bất ngờ như người Bỉ đã phá hủy đường sắt của họ và người Anh đã nhập cuộc chiến sớm hơn dự kiến. Và vì thế mục tiêu vào đến Pari trên thực tế đã không bao giờ đạt được.
Những chuyến tàu Holocaust. |
Thế chiến thứ I thực chất là cuộc chiến của đường sắt, khi tất cả các bên hoàn toàn phụ thuộc vào vận tải đường sắt. Vận tải động cơ vẫn còn trong giai đoạn trứng nước và ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, hầu như không có bất kỳ xe ô tô hoặc xe tải nào tham gia. Chỉ có rất ít đoạn đường được trải nhựa, có nghĩa là đường sá nhanh chóng trở thành những bẫy bùn sau cơn mưa. Và đường sắt trở nên vô cùng cần thiết trong việc duy trì tiếp tế quân đội và nhu yếu phẩm, đạn dược. Tổ chức quân đội đã trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi số lượng vật tư lớn hơn và súng ngày càng có sức mạnh hơn, nghĩa là cần có nhiều đạn dược hơn so với các cuộc xung đột trước đây. Chỉ có đường sắt có thể đáp ứng nhu cầu tải trọng ngày một tăng này.
Bế tắc khủng khiếp trên mặt trận miền tây là kết quả của sự phát triển vượt trội của cả công nghệ vũ khí và vận tải. Cả hai bên đều có thể cung cấp nguồn lực khổng lồ ra tiền tuyến và duy trì chúng, nhưng vũ khí chưa đủ mạnh để cho phép tạo ra đột phá đáng kể. Khi chiến tranh tiếp tục, vô số đường sắt nhỏ với hàng ray 60 cm được xây dựng, liên kết tuyến đường sắt chính với các chiến hào. Có nhiều trường hợp cho thấy lợi thế đã bị mất khi thiếu sự hỗ trợ của đường sắt. Ví dụ như Hitler có thể đã giành được chiến thắng quyết định tại Dunkirk nếu không bị thiếu nguồn tiếp tế do thiếu năng lực vận tải đường sắt. Và cũng do thiếu hệ thống đường sắt đầy đủ, các cuộc tấn công của Đức vào Nga năm 1941 đã không thể thành công, từ đó bước ngoặt chiến tranh đã được tạo ra. Ngược lại, chỉ đến khi quân Đồng minh phá hủy được hệ thống đường sắt của Đức bằng không kích vào năm 1944, kết quả của cuộc chiến đã được quyết định.
Holocaust
Việc đưa hàng triệu người Do Thái và các nạn nhân khác đến các trại tập trung và trại hủy diệt trong Thế chiến thứ II, tội ác tồi tệ nhất của thế kỷ này, đã không thể thực hiện được nếu thiếu vận tải đường sắt. Các chuyến tàu đầu tiên, khởi hành trong tháng 10/1941 giữa Đức và Ba Lan đã đưa những người Đức Do Thái và người Gypsies du mục đến các khu nhà ổ chuột. Sau đó đã có tổng cộng 1.600 chuyến xe lửa chở khoảng 8 triệu nạn nhân đến các trại tập trung và hủy diệt. Phần lớn các chuyến đi sử dụng xe lửa hàng hóa, với khoảng từ 100 - 150 nạn nhân nhồi nhét chật cứng trong mỗi toa xe, không có thức ăn hoặc nước uống và chỉ có một cái xô được sử dụng như nhà vệ sinh.
Sự chuẩn bị của quân Đức hoàn toàn dựa trên vai trò của đường sắt trong việc huy động quân đội. |
Tuy nhiên, ở những nơi mà người Đức cố gắng để duy trì vỏ bọc rằng người Do Thái chỉ đơn giản đang được 'tái định cư ở phía đông', các nạn nhân được chuyển đi trong toa hành khách hạng ba và buộc phải mua vé tàu một chiều. Trẻ em được giảm nửa giá vé. Thời gian hành trình trung bình là hơn bốn ngày vì các đoàn tàu này luôn được xếp xuống cuối danh sách ưu tiên và do đó thường phải đợi các chuyến tàu hàng hóa và quân sự. Cuộc hành trình dài nhất là một chuyến tàu chở người Do Thái từ đảo Corfu của Hy Lạp đến trại Auschwitz. Nhiều người đã chết trên đường đi.
Toàn bộ công tác hậu cần trong hoạt động ghê tởm đó sẽ không thể khả thi bằng đường bộ vì nó đòi hỏi hàng trăm nghìn nhân lực tham gia vận chuyển và canh gác hàng trăm ngàn xe tải, xe buýt chở tù nhân, và đòi hỏi một lượng nhiên liệu lớn trong khi hồi đó xăng dầu không sẵn. Kết quả là, một trong những hình ảnh ám ảnh nhất của Vụ hủy diệt Holocaust của phát xít Đức là hình ảnh của tuyến đường sắt dẫn vào trại Auschwitz. Hồ sơ chính thức về tình hình hậu cần cuộc Chiến tranh thế giới thứ I đã dành gần như toàn bộ 600 trang đề cập đến sự tham gia và vận hành đường sắt.
Thế chiến thứ II và Chiến tranh lạnh
Trong Thế chiến II cũng vậy, đường sắt đã chứng minh vai trò quan trọng của mình cho dù các phương tiện vận tải chạy bằng động cơ đã được huy động nhiều hơn. Đường sắt cho đến thời điểm đó vẫn là phương thức vận chuyển binh sĩ và vật phẩm tiếp tế, cung ứng cho chiến tranh hiệu quả nhất, đặc biệt trên những khoảng cách lớn. Đáng chú ý là đường sắt vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong một số xung đột sau Thế chiến thứ II. Chẳng hạn trong chiến tranh Triều Tiên, người Mỹ đã gặp vô số khó khăn trong việc phá hủy đường cung cấp hậu từ Trung Quốc cho phía CHDCND Triều Tiên. Hệ thống đường sắt tỏ ra là một mục tiêu khá khó để tiêu diệt bằng không quân cho đến khi tên lửa dẫn đường chính xác ra đời.
Ngay cả trong Chiến tranh lạnh, đường sắt cũng tỏ ra rất hữu ích. Người Nga xây dựng các tàu hỏa lớn vận chuyển tên lửa hạt nhân có khả năng vươn tới các thành phố của Mỹ. Họ sử dụng đường sắt bởi để đối thủ khó xác định vị trí của các loại vũ khí này.
Sự kết thúc của kỷ nguyên đường sắt chiến tranh
Mặc dù vậy, bản chất của chiến tranh ngày nay đã thay đổi. Không còn những cuộc đối đấu dài hơi giữa hai quân đội khổng lồ cần phải được tiếp tế và hỗ trợ bằng đường sắt. Chiến tranh trở nên linh hoạt, lưu động hơn và đòi hỏi số lượng binh sĩ ít hơn. Vũ khí mới, mạng lưới đường bộ đồng nhất, và sự hỗ trợ sẵn có của không quân đồng nghĩa với việc đường sắt mất đi vai trò của mình trong chiến tranh.
Và cùng với sự sụp đổ của chiến tranh trên quy mô công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực, thời của chiến tranh đường sắt đã kết thúc. Vô số máu binh sĩ đã rơi trên đường ray nhưng đường sắt sẽ không bao giờ một lần nữa là động cơ chính cho cỗ máy chiến tranh. Dẫu vậy, vai trò đường sắt trong chiến tranh không bao giờ bị lãng quên.
Minh Châu