Chỉ vài giờ sau khi Iraq tấn công Kuwait, các phái đoàn ngoại giao của Kuwait và Mỹ đã yêu cầu HĐBA LHQ nhóm họp, thông qua NQ 660, lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Iraq rút quân. Ngày 3/8, Liên đoàn Arập cũng thông qua NQ của riêng mình lên án cuộc xâm lược và đòi Iraq rút quân, đồng thời kêu gọi nội khối tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột và cảnh báo chống lại sự can thiệp từ bên ngoài.
Chiến hạm USS Wisconsin, một trong nhiều chiến hạm được triển khai trong chiến dịch Lá chắn sa mạc. Wikipedia |
Việc Iraq chiếm đóng Kuwait đặt ra vấn đề khẩn cấp đối với các nhà hoạch định quân sự của Mỹ. Lầu Năm Góc đánh giá: Iraq đã kiểm soát 20% lượng dầu của thế giới tại Kuwait và đang uy hiếp Saudi Arabia - nước cũng có trữ lượng dầu hỏa chiếm 20% lượng dầu của thế giới. Nếu Iraq xâm lược Saudi Arabia và chiếm đóng các bến cảng của nước này thì việc Mỹ can thiệp sẽ hết sức khó khăn và tốn kém. Do đó, Tổng thống George H. W. Bush nhanh chóng thông báo rằng Mỹ sẽ tung ra một chiến dịch "bảo vệ toàn diện" nhằm ngăn chặn Iraq tấn công Saudi Arabia hay còn gọi là chiến dịch
“Lá chắn sa mạc".
Mục tiêu quân sự của Mỹ trong chiến dịch này là: Phát triển 1 khả năng phòng thủ ở Vùng Vịnh để ngăn chặn không cho lực lượng của Tổng thống Saddam Hussein tấn công thêm nữa; bảo vệ Saudi Arabia nếu răn đe thất bại; xây dựng một liên quân có hiệu quả và hợp nhất các lực lượng của liên quân vào kế hoạch tác chiến; và cuối cùng thực hiện trừng phạt kinh tế theo các NQ 661 và 665 của HĐBA LHQ. Để thực hiện chiến dịch “Lá chắn sa mạc”, Bộ Tư lệnh Vận tải Hàng không quân sự Mỹ lập một cầu không vận lớn nhất từ trước tới nay, giữa Mỹ - châu Âu - Saudi Arabia, cơ động lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị tới Vùng Vịnh.
Quân đội Mỹ triển khai trong chiến dịch Lá chắn sa mạc. |
Theo đó, Mỹ ra lệnh cho các tàu sân bay di chuyển đến vịnh Oman và biển Hồng Hải. Ngày 5/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm sẵn sàng đưa quân sang Saudi Arabia và bảo đảm sẽ rút quân khỏi nước này sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cùng ngày, Vua Fahd của Saudi Arabia đề nghị Mỹ can thiệp.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm (CINCCENT) báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng, các cố vấn chủ chốt và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (CJCS) về hai phương án sử dụng lực lượng quân sự để đánh Iraq. Một phương án gồm tấn công trả đũa bằng không quân nhằm vào các mục tiêu ở Iraq, một phương án bao gồm triển khai không quân và lục quân bảo vệ bán đảo Arập. Thời gian để triển khai lực lượng ước tính cần 17 ngày.
Hải quân Mỹ tiếp tục huy động hai nhóm tàu chiến: USS Dwight D. Eisenhower và USS Independence tới khu vực, và họ đã ở tình trạng sẵn sàng vào ngày 8/8/1990. Cũng trong ngày hôm đó, 48 chiếc F - 15 ở căn cứ không quân Langley, Virginia, đã hạ cánh xuống Saudi Arabia và ngay lập tức bắt đầu tiến hành tuần tra trên những vùng không phận biên giới nước này với Iraq nhằm ngăn chặn đà tiến của quân đội Iraq. Mỹ cũng điều chiến hạm USS Missouri và USS Wisconsin tới Vùng Vịnh. Việc huy động quân sự liên tục diễn ra, cuối cùng đã lên tới 500.000 quân hiện diện tại khu vực này.
Cùng lúc ấy hàng loạt NQ của Hội đồng bảo an và Liên đoàn Ả Rập được đưa ra về cuộc xung đột. Một trong những NQ quan trọng nhất là NQ 678 của Liên hợp quốc thông qua ngày 29/11 cho phép sử dụng "mọi biện pháp cần thiết” - một công thức ngoại giao cho phép sử dụng biện pháp mạnh nếu Iraq không rút quân khỏi Kuwait trước ngày 15/1/1991.
Mỹ biện minh cho hành động can thiệp quân sự
Mỹ đưa ra nhiều lí do biện minh cho việc dính líu vào cuộc xung đột. Lý lẽ đầu tiên là tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh lâu dài với Saudi Arabia. Tuy nhiên, một số người Mỹ không bằng lòng với cách giải thích đó và khẩu hiệu "Không đổi máu lấy dầu" đã trở thành tiếng kêu thường thấy nhất trong các cuộc biểu tình phản đối từ bên trong nước Mỹ, dù chúng không bao giờ đạt tới tầm cao như phong trào phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam. Lý do tiếp theo đó là lịch sử vi phạm nhân quyền của Iraq dưới chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, nguy cơ Iraq có thể phát triển vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt và rằng "sự gây hấn lộ liễu sẽ không có chỗ đứng".
Mỹ lúc đó đã tập hợp lượng đồng minh chống Iraq gồm 34 nước. Quân đội Mỹ chiếm 74% trong số 660.000 lính trước chiến tranh. Nhiều lực lượng đồng minh bất đắc dĩ phải tham gia vì họ cho rằng cuộc chiến là công việc nội bộ của khối Arập, số khác thì lo ngại sự tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Kuwait. Cuối cùng, nhiều nước đã bị thuyết phục khi chứng khiến sự hiếu chiến của Iraq đối với các nước Arập khác cùng với những hứa hẹn viện trợ kinh tế cũng như giảm nợ.
Trong khi đó, nhiều sáng kiến hòa bình đã được đưa ra nhưng không được chấp nhận. Washington nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được để có hòa bình toàn diện với Iraq là nước này phải rút quân không điều kiện ra khỏi Kuwait. Iraq thì yêu cầu việc rút quân khỏi Kuwait phải "gắn liền với" sự rút quân đồng thời của quân đội Syria ra khỏi Libăng và quân đội Israel ra khỏi Bờ Tây, Dải Gaza, Cao nguyên Golan, và nam Liban.
Maroc và Jordan đã bị thuyết phục bởi đề xuất này của Baghdad, nhưng Syria, Israel và liên minh chống Iraq phản đối rằng không hề có một mối liên hệ nào giữa những việc trên với vấn đề Kuwait. Syria đã tham gia vào liên quân chống lại Saddam nhưng Telaviv vẫn giữ thái độ trung lập dù đã có những cuộc tấn công tên lửa vào thường dân Israel vì chính quyền Bush đã thuyết phục Israel đứng ngoài cuộc chiến với những hứa hẹn về việc tăng cường viện trợ.
Ngày 12/1/1991, Quốc hội Mỹ thông qua NQ cho phép Tổng thống Bush sử dụng lực lượng quân sự tấn công Iraq nếu nước này không rút quân ra khỏi Kuwait. Ngay sau đó, các nước đồng minh khác cũng làm điều tương tự.
Công Thuận
Đón đọc kỳ tới: Tấn công - Chiến dịch Bão táp sa mạc