Sau vài tháng ở Luân Đôn bồi dưỡng nghiệp vụ, năm 1942, Roald Dahl được phái sang Oasinhtơn (Mỹ) trong vai trò trợ lý tùy viên không quân. Tại đây, nhiệm vụ chính của Dahl là tiếp cận, giành được sự ủng hộ của càng nhiều nhân vật quyền lực trong đời sống chính trị Mỹ càng tốt. Dahl nhanh chóng làm quen với Charles Marsh, một nhân vật tay trắng phấn đấu trở thành ông trùm của một tập đoàn báo chí ở bang Texas.
Roald Dahl cùng vợ Patricia Neal |
Sở sĩ hai người sớm dành cho nhau tình cảm thân thiết là vì họ đều khâm phục tài năng của Thủ tướng Anh, Winston Churchill và ủng hộ việc Oasinhtơn bắt tay với Luân Đôn chống lại phát xít Đức. Nhờ sự giúp đỡ của Marsh, Dahl dần trở nên quen thuộc đối với các nhà báo lớn, quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ và cả Phó Tổng thống Mỹ, Henry Wallace. Thậm chí, Dahl còn kết thân với Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng thống Franklin Roosevelt, nhờ đó thường xuyên được lui tới Nhà Trắng như một vị khách quý.
Roald Dahl trong vai trò một nhà văn của thiếu nhi |
Những kĩ năng ngoại giao tuyệt vời của Dahl đã lọt vào mắt ông trùm Cơ quan điều phối an ninh Anh (BSC), William Stephenson, người được biết đến với mật danh “Intrepid” (Dũng cảm), mưu đồ lôi kéo Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Dahl trở thành một phần của lưới tình báo, gồm David Ogilvy, Ivar Bryce và đặc biệt là Ian Flemming, người sau này cũng trở thành nhà văn như Dahl và sáng tạo ra nhân vật James Bond nổi tiếng. Phần lớn công việc của lưới tình báo này là ở bàn tiệc, phòng khách và thậm chí là buồng ngủ. Trong nhiệm vụ mới, sợi dây trói buộc cơ thể cường tráng bấy lâu của Dahl đã bung ra. Chàng trai trẻ cũng có đất để chứng tỏ sự hào hoa và thể hiện các ngón nghề ăn chơi của mình.
Bìa một tác phẩm văn học thiếu nhi của Roald Dahl. |
Theo Antoinette Marsh Haskell, con gái Charles Marsh, Dahl là người đàn ông cực kỳ quyến rũ. Tất cả những phụ nữ gần ông đều phải bật cười vui vẻ vì những chuyện ông kể và trò chọc ghẹo ông bày. Haskell còn cho biết: “Rất nhiều quý bà, quý cô đã ngả rạp dưới chân Dahl. Tôi nghĩ, Dahl đã ngủ với bằng hết phụ nữ mà mình đã gặp ở bờ biển phía đông và bờ biển phía tây. Chỉ riêng chuyện này thôi, mỗi năm cũng làm Dahl mất khoảng 50.000 USD trong ví”. Một lần, Dahl còn dẫn đến nhà Marsh một phụ nữ xinh đẹp và thì thầm rằng đó là tình nhân của tướng Dwight Eisenhower (sau này trở thành Tổng thống thứ 34 của Mỹ, kế nhiệm Hary Truman). Danh sách các “nạn nhân” từng bị Dahl chinh phục cứ dài ra, gồm cả Millicent Rogers, người kế thừa của tập đoàn Standard Oil (Mỹ). Tuy nhiên, chiến công được biết đến nhiều nhất của Dahl lại là việc ông hạ gục vợ của ông chủ tuần san Time danh tiếng - Henry Luce - nữ Nghị sĩ Mỹ chống Roosevelt và Churchill, Clare Booth Luce.
Bìa tác phẩm “Bất quy tắc” viết về Roald Dahl |
Một buổi tối nọ, Đại sứ quán Anh tại Mỹ tổ chức dạ tiệc. Nghị sĩ Clare tới dự và đọc một bài diễn văn phê phán Thủ tướng Churchill. Không một quan chức nào trong Đại sứ quán Anh muốn nói chuyện với Clare. Nhưng đối với Dahl, việc tiếp cận Clare là một nhiệm vụ. Và thế là trong suốt bữa tiệc, Dahl đã ngồi bên cạnh Clare. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Thực tế sau này đã chứng minh Clare không chỉ tỏ ra lợi hại trên chính trường, mà khi trên giường còn là một con “cọp cái”. Không thể chịu được, Dahl đã thỉnh cầu cấp trên giúp mình thuyên chuyển công tác để thoát khỏi những cuộc mây mưa nghiệt ngã. Nhưng mong muốn ấy của Dahl đã không được đáp ứng. Cấp trên ra lệnh cho Dahl phải ở lại bên cạnh Clare, hy vọng Dahl vì tổ quốc biết chịu đựng và vượt qua gian khổ.
Những cuộc tình vì nhiệm vụ của Dahl chỉ được biết đến gần đây khi nữ nhà báo Mỹ, Jennet Conant, sau khi thu thập tài liệu, viết và cho ra đời tác phẩm “Những sự bất quy tắc: Roald Dahl và mạng lưới tình báo Anh ở Oasinhtơn trong thời kỳ chiến tranh” (The Irregulars: Roald Dahl and the British spy ring in wartime Washington). Với Jennet, dù Dahl phải làm những trò bịp bợm như thế nào thì ông cũng đã được bỏ qua và tha thứ vì chúng phục vụ cho một sự nghiệp tốt đẹp.
Sau khi thôi nghề điệp viên, tháng 4/1943, Dahl chuyển hẳn sang một lĩnh vực mới là viết văn. Con người tài hoa ấy lại một lần nữa trở nên nổi tiếng. Những tác phẩm của Dahl như The Gremlins, “Mẩu bánh” (A Piece of Cake), “Bị bắn rơi trên bầu trời Libi” (Shot down over Libya)… đã được độc giả, đặc biệt là thiếu nhi, nhiệt liệt đón nhận. Ba trong số đó, gồm: “Charlie và nhà máy sôcôla” (Charlie and the Chocolate Factory), “Matilda”, “James và quả đào khổng lồ” (James and the Giant Peach) được liệt vào danh sách những câu chuyện được thiếu nhi ưa thích nhất. Hiện nay, ngày 13/9 (ngày sinh của Roald Dahl) hàng năm được chọn làm Ngày Roald Dahl nhằm tổ chức sự kiện, kể lại những câu chuyện của Roald Dahl trên toàn thế giới. Roald Dahl mất ngày 23/11/1990 ở tuổi 74.
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc số tới: Nga trong cú vu hồi vào "sân sau" của Mỹ