Chính sách không nhất quán của Trung Quốc ở Biển Đông

Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây cho thấy nước này áp dụng những chính sách không theo nguyên tắc nào, tiền hậu bất nhất và đầy mâu thuẫn.

 

Tàu hải cảnh của Trung Quốc tìm cách cản tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần khu vực giàn khoan Hải Dương - 981.


Khi nói về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, có ý kiến cho rằng lập trường nhất quán của Bắc Kinh là không quyết đoán đối với các cường quốc phương Tây, thể hiện qua quan điểm của nước này trong suốt cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, theo Ryan Santicola, một chuyên gia luật của Hải quân Mỹ, nhận xét trên không còn đúng nếu nhìn về những hành động của Trung Quốc gần đây tại Biển Đông.


Mặc dù ở trong nước, Bắc Kinh khẳng định vấn đề Biển Đông không nằm trong “chính sách ngoại giao" của nước này, nhưng thực chất nó chắc chắn phải nằm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, bởi vì đây không chỉ là vùng biển mang tính quốc tế, mà còn là vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và phải được điều hướng thông qua ngoại giao. Việc Trung Quốc tham gia ký kết các hiệp ước song phương và đa phương với các nước trong khu vực đã chứng minh thực tế này.


Trung Quốc thường rêu rao rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông là đàm phán song phương, một công cụ của chính sách đối ngoại. Chính vì lý do này mà Trung Quốc một mực từ chối ra trọng tài quốc tế để phân xử trong vụ bị Philippines kiện vào năm ngoái. Đây cũng là lý lẽ mà Bắc Kinh đưa ra để trì hoãn tiến trình đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với ASEAN.

 

Bản đồ “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc.


Như vậy, liệu có thể nói Trung Quốc có một chính sách đối ngoại song phương nhất quán trên Biển Đông? Hoàn toàn không. Khi nói đến Biển Đông, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã khác xa rất nhiều so với những gì đề ra. Nó theo kiểu mỗi thứ một tí, đa phương, song phương, và gần đây nhất là đơn phương đến một mức độ khó hiểu và không thể dự đoán.


Xét về khía cạnh đa phương, Trung Quốc nói sẵn sàng tham gia các cam kết kể cả ràng buộc và không ràng buộc. Nhưng thực ra nước này không có ý định tuân thủ các cam kết này. Năm 1996, Trung Quốc ký Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng vẫn tiếp tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền đi ngược lại cơ chế giải quyết của Công ước này. Với cam kết không ràng buộc, Trung Quốc ký Tuyên bố về Ứng xử Biển Đông (DOC) năm 2002, nhưng bằng những hành động quấy nhiễu ngư dân các nước láng giềng, đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarbourough với Philippines, cải tạo đất đai ở bãi đá Gạc Ma tại Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang phớt lờ cam kết chính trị về việc tránh làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực.


Về những cam kết song phương, điều mà Bắc Kinh luôn khẳng định coi là nguyên tắc trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng không thực hiện nghiêm. Đầu tháng 5 này, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động này diễn ra bất chấp thỏa thuận song phương mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2011 về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà cả hai bên đã đồng ý nhằm giải quyết tranh chấp thông qua "đàm phán và thương lượng hữu nghị".


Tương tự, năm 2012, Trung Quốc đã không thực hiện kết quả đàm phán song phương với Philippines mà theo đó hai bên đều phải rút các tàu của mình khỏi bãi cạn Scarborough. Nói cách khác, các tuyên bố về song phương hay đa phương của Trung Quốc đều phải khuất phục trước hành động đơn phương của họ.


Tóm lại, sau khi xem xét việc Trung Quốc thực hiện các cam kết liên quan đến chính sách đối ngoại, ông Santicola nhận thấy điều không đổi của Bắc Kinh là theo đuổi chính sách không kiên định, chiến lược không rõ ràng. Điều này khiến người ta nghi ngờ liệu Trung Quốc có thực lòng trong thương lượng và diễn giải các thỏa thuận (ràng buộc cũng như không ràng buộc) với quốc tế hay không. Điều quan trọng hơn nữa là với một cường quốc khu vực có chính sách bất nhất như thế, liệu khu vực có được hưởng sự ổn định và hợp tác hay không?


Vũ Thanh (Theo Diplomat)

Chuyên gia Ấn đề xuất lập lực lượng bảo vệ bờ biển chung đối phó Trung Quốc
Chuyên gia Ấn đề xuất lập lực lượng bảo vệ bờ biển chung đối phó Trung Quốc

Ông Jayadeva Ranade, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chiến lược về Trung Quốc (CCAS) của Ấn Độ, cho rằng, tất cả các nước trong khu vực Biển Đông cần cùng nhau thảo luận vấn đề với Bắc Kinh và thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN