Cách đây 70 năm, một quan tòa Luân Đôn (Anh) đã kết án tử hình đối với Irene Coffee, một phụ nữ Do Thái chạy trốn từ Đức sang Anh. Tại nước Anh, Coffee bị coi là một người phạm trọng tội chỉ vì bà đã sống sót sau khi kế hoạch cùng tự sát với mẹ bất thành.
Kỳ I: Cuộc đời chìm nổi của một phụ nữ Do Thái
Bồi thẩm đoàn chỉ cần 11 phút để quyết định. Vào lúc 15 giờ 44 phút, họ trở lại phòng số 4 của Tòa án Hình sự trung ương Old Bailey để đưa ra phán quyết. Thẩm phán Travers Humphreys lấy ra một mảnh vải đen và từ từ đặt lên bộ tóc giả làm bằng lông ngựa.
Sau đó, ông quay sang người phụ nữ tóc nâu ngồi trên ghế bị cáo và nói: "Irene Louis Valeska Coffee, nghĩa vụ của tôi là phải tuyên hình phạt duy nhất mà luật pháp dành cho tội mà bà phạm phải và bị kết án". Vị quan tòa lẽ ra cũng chẳng cần phải dài dòng, mảnh vải đen đã nói lên tất cả. Được sử dụng từ nhiều thế kỷ qua trong phán quyết của tòa án, nó là biểu tượng của hình phạt cao nhất. Ngày 9/12/1941, Tòa án hình sự Luân Đôn đã kết án tử hình bằng treo cổ đối với Irene Coffee, tên khai sinh là Irene Brann.
Hai tháng trước đó, người phụ nữ 29 tuổi này đã tìm cách quyên sinh. Cô cùng với mẹ uống thuốc ngủ quá liều. Người mẹ chết, trong khi cô con gái sống sót và như vậy, theo một điều luật lâu đời ở Anh, cô bị coi là phạm tội giết mẹ. Người tự sát bất thành đã trở thành kẻ sát nhân, một người Do Thái bị truy bức đã trở thành hung thủ giết người.
Tại sao một người vô tội trở thành có tội? Vì sao một người phụ nữ hoàn toàn bình thường, hài lòng với một cuộc sống bình dị lại trở thành nạn nhân của một bi kịch? Những câu hỏi như vậy đã không để nữ nhà văn, nhà báo Heidrun Hannusch được yên. Trong cuốn sách "Án tử hình cho người tự sát", bằng sự tỉ mỉ và nhạy cảm, Hannusch đã dựng lại số phận cho tới nay chưa được biết tới của Coffee. Trong một năm rưỡi, Hannusch đã điều tra, xem xét lại vụ án hình sự kỳ cục này. Nhiều lần bà đã sang Luân Đôn, nghiên cứu hồ sơ của cảnh sát và tòa án, hỏi chuyện người nhà và bạn bè của Coffee.
Hannusch hầu như không tìm thấy một câu trả lời hợp lý và tiếp tục hành trình làm sáng tỏ bi kịch này. Mới đây, Hannusch đã gặp cháu trai của Irene Coffee ở New York (Mỹ) và nói chuyện với cháu gái của Irene Coffee ở Ixraen. Hannusch tình cờ biết đến bi kịch của Coffee khi bà điều tra, nghiên cứu về những người di cư ở Dresden (Đức), thành phố quê hương của Coffee.
Gia đình Irene Coffee thuở còn sum họp năm 1926 ở Dresden. |
Sinh ra tại Dresden năm 1911, Irene Coffee, con gái một chủ nhà máy sản xuất ngũ cốc và thức ăn gia súc đã được hưởng một cuộc sống vô lo của tầng lớp tư sản trí thức. Cô được đi nhà hát, đi du lịch và thoải mái vui chơi với bạn bè cho tới khi Adolf Hitler nắm quyền lực.
Với tư tưởng thù ghét người Do Thái, cứ mỗi lần Hitler thăng tiến là những người Do Thái như gia đình Irene Coffee lại hốt hoảng. Sau khi Hitler lên nắm quyền được một tháng, cha Coffee, ông Alfred Brann, qua đời. Chị gái Coffee di cư sang Palextin. Irene không tìm được một lối thoát nào khác là chạy trốn khỏi nước Đức. Tháng 9/1937, cô di cư sang Anh. Người phụ nữ Do Thái này nhận được tấm hộ chiếu Anh thông qua kết hôn giả. Giờ đây, người ta không thể trục xuất cô khỏi nước Anh được nữa và cô còn có thể đưa mẹ, bà Margerete Brann, sang Anh. Irene được nhận vào làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu.
Cuộc sống của hai mẹ con cô chỉ yên ổn không đầy một tháng. Tại nơi ở mới, hai mẹ con sống lặng lẽ vì bị hàng xóm láng giềng nghi ngờ, dè bỉu vì là người Đức. Họ hầu như không có bạn, hiếm khi đi chơi.
Nỗi kinh hoàng đối với những tên Đức Quốc xã lại trở về với mẹ con Coffee. Trong trận oanh kích dữ dội của không quân Đức xuống Luân Đôn ngày 7/9/1940, một quả bom đã phá hủy móng ngôi nhà nơi hai mẹ con Coffee đang ở. Họ đành chuyển lên một căn hộ có vẻ chắc chắn hơn ở tầng trệt.
Nhưng các vụ oanh kích ngày càng đến gần hơn. Tháng 1/1941, một quả bom Đức đã phá tan nhà ga tàu điện ngầm Bank, ngay gần nơi làm việc của Coffee, giết chết 111 người dân Luân Đôn. Bốn tháng sau, vào đêm ngày 10 rạng sáng ngày 11/5, 550 máy bay Đức tấn công Luân Đôn và ném xuống đây 700 tấn bom. Hitler đã nhanh chóng xâm chiếm lần lượt các nước Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Pháp. Đầu tháng 10/1941, xe tăng Đức chỉ còn cách cửa ngõ Mátxcơva (Nga) 130 km. Hàng ngày, Coffee đều theo dõi dấu chân của quân Đức qua báo chí và nỗi sợ hãi cứ dâng đầy trong cô.
Vũ Long (tổng hợp từ báo chí Đức)
Đón đọc kỳ cuối: "Tôi không giết mẹ"