Những nữ điệp viên tuyệt sắc tài ba của thế kỷ XX - Kỳ 4:

Christine Granville - nữ điệp viên được Churchill yêu thích nhất

Từng giành vương miện trong một cuộc thi sắc đẹp tại Ba Lan, Christine Granville (ảnh) hoàn toàn không giống với hầu hết các nàng hoa hậu liễu yếu đào tơ khác. Sau khi Ba Lan rơi vào tay quân Đức, Christine di cư sang Anh, bắt đầu tham gia vào các hoạt động bí mật dưới nhiều thân phận khác nhau. Bằng vẻ đẹp mê hồn, đặc biệt là dũng khí và trí tuệ hơn người, Christine đã thu thập được vô số tin tình báo giá trị, trong đó có cả dự báo về việc quân Đức sẽ xâm lược Liên Xô. Nhờ đó, Christine trở thành một trong những nữ điệp viên nổi tiếng nhất của Chiến tranh Thế giới lần thứ II, được Thủ tướng Anh khi đó là W. Churchill yêu thích nhất. Trong khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ của một điệp viên, Christine đã có khá nhiều mối tình lãng mạn, ngay cả cha đẻ của loạt tiểu thuyết trinh thám James Bond, Ian Flemming, cũng không cưỡng lại được sức cuốn hút của Christine. Chính cuộc đời của Christine là nguồn cảm hứng để tác gia nổi tiếng này cho ra đời nhân vật nữ điệp viên hai mang Vesper Lynd trong tác phẩm đầu tay về James Bond mang tiêu đề "Sòng bạc Hoàng gia" (Casino Royal).



Tuy nhiên, hồng nhan thì bạc mệnh. Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc, Christine rời Pháp (địa bàn hoạt động chính) sang Luân Đôn. Không một ai hỏi han, đón tiếp. Mặc dù trước đó ngày 1/1/1945, Christine được chính phủ Anh trao tặng huân chương George vì đã can đảm, mưu trí thâm nhập vào tận sào huyệt của Gestapo giải thoát thành công hai sĩ quan Anh, trong đó có chỉ huy mới của Cục Hành động đặc biệt (SOE) của Anh tại Pháp, Xan Fielding. Chính phủ Pháp cũng trao tặng Christine Huân chương Thập tự bạc vì bà đã cứu sống chỉ huy lực lượng kháng chiến miền bắc Pháp, Francis Cammaert. Nhưng đó chỉ là sự an ủi về mặt tinh thần. Bởi ngay cả khi Christine nhận quyết định phục viên (ngày 11/5/1945), người ta cũng chỉ cấp cho bà 100 bảng Anh tiền trợ cấp hưu trí.

 

Khó khăn chồng chất, vì cuộc mưu sinh, Christine đã phải làm đủ nghề. Tháng 5/1951, Christine kiếm được chân phục vụ trên một con tàu chở khách. Christine cảm thấy rất vui, vì công việc này có thể giúp bà thỏa nguyện ước mong được đặt chân tới Ôxtrâylia và Niu Dilân. Bi kịch cũng bắt đầu từ đây. Vừa đẹp người vừa đẹp nết, Christine nhận được rất nhiều lời ngợi khen của khách đi tàu. Nhưng điều đó khiến bà trở thành tâm điểm của sự đố kị. Trong lúc Christine đau khổ, Georges Muldowney, một nam nhân viên phục vụ cùng làm trên tàu xuất hiện, động viên và ra tay giúp đỡ. Christine rất cảm động. Mặc dù biết Georges yêu mình khôn xiết, nhưng bà vẫn coi Georges như một người bạn. Christine không ngờ Georges là một kẻ biến thái. Hắn yêu Christine một cách bệnh hoạn. Christine đi đâu Georges theo đó và luôn ghen bóng ghen gió.

 

Một lần, sau khi kết thúc hành trình trên biển, Christine trở về Luân Đôn. Tối nọ, Christine bê đống quần áo, định mang xuống tầng trệt giặt. Khi chuẩn bị bước xuống cầu thang, Christine đã vô cùng kinh ngạc vì Georges đã ở đó. Hắn hỏi Christine có thực sự muốn rời Luân Đôn. Christine trả lời là có. Georges yêu cầu Christine trả lại bức thư hắn đã gửi cho bà. Christine nói rằng mình đã đốt nó. Georges lao vào, dùng dao nhằm thẳng ngực Christine đâm tới. Một người hàng xóm nhìn thấy liền gọi cấp cứu và cảnh sát. Nhưng khi họ đến nơi, Christine đã không còn thở nữa. Georges không trốn chạy, cứ đứng đó nhìn cơ thể loang máu, bất động của Christine lảm nhảm mãi một câu: "Tôi giết cô ta vì tôi yêu cô ta". Sự kiện bi thảm đó xảy ra vào sáng 16/6/1952. Hơn ba tháng sau, ngày 30/9/1952, Georges bị đưa đi xử tử. Trước khi lên giá treo cổ, câu duy nhất Georges nói là: "Giết cô ta, tôi mới chiếm hữu được cô ta mãi mãi".

 

Ngày 21/6/1952, tang lễ Christine được tổ chức, giản dị nhưng thấm tình người. Những người bạn của Christine đã cất công sang tận Ba Lan mang về một bao đất để rải xuống quan tài như muốn giúp làm vơi đi nỗi nhớ quê hương nơi chín suối. Những du kích quân Pháp là bạn chiến đấu của Christine cũng mang tới một lá quốc kỳ Pháp để phủ lên nấm mồ để cảm ơn những gì bà đã làm cho nước Pháp.

 

Minh Thành (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ sau:Manci Gertler - phiên bản Mata Hari của nước Anh

Olga Chekhova - sắc đẹp lay động con tim trùm phát xít
Olga Chekhova - sắc đẹp lay động con tim trùm phát xít

Hitler luôn coi Olga là một nghệ sĩ vĩ đại.... Nhiều lần, Hitler mời Olga tới dự những buổi lễ long trọng của chính phủ và người ta không khó để có thể nhận ra sự săn đón đặc biệt mà đức Quốc trưởng dành cho vị khách xinh đẹp này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN