Có một điều đáng chú ý: 7 nhân vật nổi tiếng bị theo dõi không hề phạm tội hay dính líu gì đến hành vi “kích động nổi loạn”. Họ chỉ thực hiện những quyền theo hiến pháp như quyền tụ tập, tự do ngôn luận - vốn luôn được nước Mỹ đề cao.
Tướng Keith Alexander (giữa), Giám đốc NSA trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm 29/10/2013 về chương trình nghe lén của cơ quan này. Ảnh:AFP/TTXVN |
Dư luận Mỹ cho rằng, việc theo dõi, chặn thu các cuộc hội thoại, điện tín nhằm vào những người này cho thấy NSA đã đi quá giới hạn, lạm dụng quyền lực để phục vụ các mục tiêu chính trị của Nhà Trắng - một thực tế vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Minaret vì thế bị tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ đánh giá là chương trình “hèn hạ, nếu không muốn nói là trái luật”. Chương trình Minaret, cùng với những vụ vỡ lở liên quan đến hoạt động nghe lén của NSA nhằm vào chính người dân Mỹ mới được tiết lộ gần đây cho thấy một điều: Nhà Trắng không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào để kiểm soát các đối tượng, thế lực mà họ coi là “đối thủ chính trị”, thông qua các công cụ tình báo của mình, nhất là NSA. Sự “hư hỏng” của NSA xuất phát từ sự nuông chiều quá mức của giới cầm quyền Mỹ.
NSA nổi lên từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, chính thức được thành lập vào năm 1952 theo các quyết định do Tổng thống Truman kí. Đầu tiên là giác thư mật, sau đó là Sắc lệnh số 9 về Hội đồng tình báo quốc gia. Theo đó, NSA sẽ là “cơ quan thi hành” các hoạt động tình báo tín hiệu (SIGNINT), cung cấp thông tin phục vụ cho cả bộ máy chính quyền. Thế nhưng, điều đáng tiếc là Sắc lệnh không đề ra khung giới hạn đối với cái gọi là “hoạt động tình báo tín hiệu nước ngoài”. Tình báo nước ngoài là lĩnh vực khó phân định, vì nó có thể liên quan đến cá nhân công dân Mỹ có gắn yếu tố nước ngoài, hoặc là trường hợp tình báo phải xử lý những vấn đề trong nước... Chính điều này đã dẫn đến thực trạng NSA là cơ quan ít chịu sự giám sát và giải trình nhất trong cộng đồng tình báo Mỹ. Thêm vào đó, việc giác thư, sắc lệnh quy định sự ra đời, tổ chức, cơ cấu hoạt động của NSA được xem là tối mật, nên có rất ít thông tin về NSA được tiết lộ.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối hoạt động nghe lén của NSA tại Washington hôm 26/10/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
NSA tồn tại trong một môi trường ít bị bó buộc, không được luật định hóa rõ ràng về giới hạn nhiệm vụ, nên việc lạm dụng quyền lực của tổ chức mật này là điều dễ hiểu. Đặc điểm này lại càng được củng cố vững chắc khi Nhà Trắng trong những năm 1960, 1970 dành sự quan tâm đặc biệt, luôn đánh giá cao năng lực của tình báo tín hiệu. Bất chấp những phản đối từ CIA và Bộ Ngoại giao, Tổng thống Johnson vẫn ra lệnh cho NSA truyền trực tiếp các sản phẩm tình báo này đến Phòng tác chiến ở Nhà Trắng. Johnson được xem là vị tổng thống Mỹ “thích thú nhất đối với thông tin tình báo”, ông liên tục sử dụng báo cáo của NSA trong các quyết định liên quan đến cuộc chiến tại Việt Nam.
Phải đến năm 1978, Ủy ban Church mà đứng đầu là Thượng nghị sĩ Church mới ghi được dấu ấn đầu tiên khi vận động được Quốc hội thông qua Luật do thám tình báo ngước ngoài (FISA). Luật quy định cho phép các cơ quan tình báo (chủ yếu là NSA, FBI) giám sát điện thoại không cần lệnh. Nhưng trong trường hợp có liên quan đến công dân Mỹ, thì bắt buộc phải được Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài - một tòa án đặc biệt được thành lập theo FISA, cấp giấy phép chậm nhất trong vòng 72 giờ sau khi bắt đầu việc giám sát. Những tưởng điều này sẽ hạn chế các hoạt động do thám của NSA, nhưng không phải vậy. Dường như đó chỉ là cách mà Nhà Trắng xoa dịu dư luận sau nhiều vụ bê bối tình báo. Về bản chất, Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài hoạt động không theo cơ chế đối tụng, chỉ có một bên là các cơ quan như NSA hay FBI xin lệnh giám sát và một bên là các thẩm phán. Trong thực tế, rất ít khi Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài - mà trực tiếp là các thẩm phán, bác đơn đề nghị. Nhiều ý kiến cho rằng, Tòa án này là một công cụ pháp lý rất ít thực quyền, chỉ răm rắp phê duyệt đơn xin giám sát, nó hoạt động không giống tòa án mà giống như một cơ quan hành chính hoặc thư ký giúp việc.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, hoạt động do thám của NSA nhằm vào công dân Mỹ lại có được hành lang pháp lý vững chắc hơn nữa khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Yêu nước (Patriot Act 2001), mở rộng quyền hạn cho các cơ quan tình báo Mỹ. Dựa trên luật này, Tổng thống George Bush ký ban hành “Chương trình giám sát khủng bố” cho phép NSA giám sát điện thoại và Internet mà không cần xin lệnh của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài, đồng nghĩa với việc vi phạm Luật FISA năm 1978.
Hoạt động của NSA có lẽ vẫn “ngủ yên trong bóng tối”, nếu như không có vụ “kẻ đào tẩu” Edward Snowden, một cựu nhân viên của NSA, công bố nhiều thông tin động trời về các chương trình do thám mờ ám của NSA nhằm vào công dân Mỹ và nhiều nước đồng minh thân thiết của Mỹ. Đứng trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, ngày 26/9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ - nữ nghị sĩ Feinstein thuộc đảng Dân chủ - cho biết: Ủy ban này đang soạn thảo một dự luật nhằm hạn chế việc truy cập các dữ liệu cuộc gọi, cấm hoàn toàn việc thu thập nội dung của các cuộc gọi của các công dân Mỹ. Thế nhưng, kể cả khi được Quốc hội thông qua, NSA cũng chẳng thể từ bỏ “ngón đòn” nghe lén truyền thống, chừng nào mà giới cầm quyền Mỹ vẫn trọng dụng cơ quan này để phục vụ cho các mục đích chính trị của mình.
Hoài Thanh