Trong những năm 1920 và 1930 của thế kỷ trước, ở nước Đức xuất hiện một nhà khoa học tên lửa trẻ mang tên Wernher von Braun, với ước mơ khám phá những vì sao. Nhưng không chỉ có ông, hàng trăm kỹ sư khác cũng bắt đầu biến những lý thuyết về thám hiểm không gian bằng phương tiện không người lái thành khái niệm mang tính thực tiễn. Trước khi Thế chiến thứ Hai nổ ra, Hitler đã được biết về các nghiên cứu tên lửa của họ và cho rằng sẽ tạo ra những tàn phá khủng khiếp nếu quân đội Đức dùng tên lửa đương đầu với quân địch. Không phải chờ quá lâu, nhiều nhà khoa học trong số này đã được đưa vào chương trình sản xuất loại vũ khí bí mật của Đức.
Trong suốt cuộc chiến, Hitler như quay cuồng về các loại “vũ khí kỳ diệu”, những công nghệ có thể khiến Đức điều khiển chiến tranh. Trong đó, Đức Quốc xã đã phát triển một số vũ khí tiên tiến đặc biệt đáng sợ như xe tăng Tiger hạng nặng, súng trường tấn công và đèn hồng ngoại dùng ban đêm. Tên lửa là một công nghệ chưa được biết đến nhiều. Nhưng một khi tiềm năng tàn phá của nó được phát hiện, Hitler nhanh chóng đổ tiền cho chương trình chế tạo.
Ngành tên lửa hiện đại bắt nguồn từ năm 1914 khi nhà vật lý người Mỹ Robert Goddard công bố hai bằng sáng chế, một mô tả loại tên lửa nhiều tầng, một giải thích các nguyên tắc của tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng. Đây được coi là hai nền tảng quan trọng bậc nhất trong ngành thám hiểm không gian vì chúng đặt nền móng cho phương pháp đưa các vật thể vào không gian.
Goddard tiếp tục nghiên cứu trong vài năm sau. Năm 1919, trong một cuốn sách của mình, ông cho rằng tên lửa dựa trên thiết kế của ông sau này có thể bay tới Mặt Trăng. Báo chí Mỹ ngay lập tức chê cười ý tưởng của ông. Tuy thế, Goddard đã khơi gợi trí tò mò của nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Đức. Năm 1922, nhà vật lý Đức Hermann Oberth đã đề nghị Goddard trao bản một sao công trình của ông để có thể tự phát triển nghiên cứu về tên lửa chạy nhiên liệu lỏng của mình. Goddard đã đồng ý, và một năm sau Oberth đã công bố công trình về tên lửa bay trong không gian. Tới năm 1929, Oberth đã cho thử nghiệm chiếc động cơ chạy nhiên liệu lỏng đầu tiên của ông, với sự giúp đỡ cùa người trợ lý 18 tuổi Wernher von Braun.
Công trình của Oberth đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người yêu tên lửa ở Đức. Nhiều hội về tên lửa nghiệp dư đã được thành lập, trong đó nổi tiếng nhất là Verein fur Raumschiffahrt (VfR), tức “Hiệp hội du hành không gian”. Hội này thành lập năm 1927 và Oberth cũng như von Braun đều là thành viên. Bắt đầu từ năm 1930, VfR xin tài trợ từ quân đội Đức để thử nghiệm tên lửa. Việc phát triển quân sự ở Đức bị hạn chế bởi Hiệp ước Versailles, nhưng ngành tên lửa lại không bị cấm. Do đó đề nghị của họ đã được chấp thuận, và vào năm 1930 họ đã thử thành công một phiên bản mạnh hơn của chiếc động cơ tên lửa cũ Oberth đã từng chế tạo. Tới năm 1932, họ đã phát triển và cho phóng một quả tên lửa có khả năng đạt độ cao hơn 1 km. Tuy nhiên, khi quân đội đề nghị họ ký kết hợp đồng để thực hiện cuộc phóng mẫu, VfR lại bị chia rẽ nội bộ, và cuối cùng tan rã vào năm 1933.
Cho tới lúc này, quân đội Đức ngày càng quan tâm đến việc phát triển và sử dụng tên lửa. Họ đã thành lập một cơ sở thí nghiệm ở phía nam Berlin, dưới sự chỉ đạo của sĩ quan pháo binh Walter Dornberger. Đến năm 1934, von Braun đã là một thành viên tích cực làm việc bên cạnh Dornberger để phát triển tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng. Von Braun nhanh chóng được giao cho một nhóm chế tạo, và cuối năm 1934, họ đã cho phóng 2 quả tên lửa, được biết đến với tên gọi A - 2. Quả A - 2 thứ hai đã lập kỷ lục mới về độ cao đạt được là 3,5 km.
Tới năm 1937, cơ sở này đã trở nên quá lạc hậu cho những cuộc thử nghiệm đầy tham vọng của các nhà khoa học tên lửa. Một trong những dự án của họ là phát triển một loại máy bay chỉ được đẩy duy nhất bằng năng lượng tên lửa, ngược lại với máy bay dùng cánh quạt hướng về phía trước. Vì thế, họ đã dời cơ sở thí nghiệm đến Neuhardenberg, một khu vực rộng 110 km2 ở đông Berlin. Ngày 3/6/1937, họ cho thử nghiệm chiếc máy bay Heinkel HE 112 đã điều chỉnh và chỉ được đẩy bằng tên lửa ở phần đuôi. Mặc dù ý tưởng này không được nghiên cứu tiếp, nó đã chứng minh cho Hitler và Đảng Quốc xã thấy tên lửa có những khả năng ứng dụng thực tế. Sau khi quân đội Đức mở rộng, Đức Quốc xã đã dành hẳn một trung tâm để ở Peenemunde để nghiên cứu và phát triển các công nghệ về tên lửa.
Peenemunde được coi là nơi khai sinh ra ngành khoa học tên lửa hiện đại. Tại đây, Hitler đã tập hợp nhiều nhà khoa học và kỹ sư tên lửa nhất có thể và còn cấm các cuộc thử tên lửa dân sự (chỉ có tên lửa quân sự mới được phép). Các nhà khoa học lo sợ phải sản xuất vũ khí chiến tranh. Nhưng nhiều người vẫn hy vọng những phát triển của họ một ngày nào đó sẽ được sử dụng cho mục đích hòa bình. Chính von Braun cũng từng nói: “Chúng tôi luôn coi sự phát triển tên lửa vì mục đích quân sự là con đường vòng để đạt được việc bay vào không gian”. Trong khi đó, nhà sử học vũ trụ Amy Teitel khẳng định Đức Quốc xã chẳng hề có tham vọng nào như vậy; tất cả điều họ muốn là dùng không gian để giúp ném bom vào kẻ thù.
Trần Anh (Còn tiếp)