Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr - Kỳ 3:

CHIÊU LỪA ĐẢO DƯỚI BỘ ĐỒNG PHỤC PHI CÔNG


frank giờ đã có trong tay một giấy phép FAA giả, một thẻ ra vào của Pan American, một khối lượng kiến thức về ngành hàng không, một bộ đồng phục phi công và sự táo bạo, liều lĩnh dấn thân vào một kế hoạch lừa đảo lớn. Sử dụng cái tên Frank Williams, cậu đã đến nhiều ngân hàng trong khu vực để mở tài khoản khi đang khoác trên mình bộ đồng phục phi công. Khi tới các ngân hàng ở New York, Frank luôn được các nhân viên ngân hàng đặc biệt quan tâm và nể trọng nhờ nghề phi công vẻ vang. Họ đâu có ngờ viên phi công đó chỉ là một chú nhóc con láu cá đang tìm cách lừa tiền của họ.

Viên phi công “dởm” Frank Abagnale khi 18 tuổi.

Vào những năm 1960, ngành hàng không và những người làm trong ngành này rất được trọng vọng, đặc biệt là phi công – một vị trí có uy tín cao – và nhất là lại làm phi công của hãng Pan American danh giá. Thế nên, dù đến ngân hàng hay chỉ đi lại trên phố, ai cũng ngước nhìn Frank với ánh mắt ngưỡng mộ. Điều mà Frank thích nhất đó là sự chú ý của các cô gái xinh đẹp. Trong khi thường xuyên đến các sân bay để thu thập thông tin, Frank gặp rất nhiều nữ tiếp viên thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến cậu. Vẻ ngoài hấp dẫn cùng bộ đồng phục đã dẫn Frank vào vô số cuộc hẹn hò và những mối quan hệ chớp nhoáng. Khi hẹn hò cùng với các nữ tiếp viên, Frank không chỉ biết thêm về những phụ nữ lớn tuổi hơn mình mà còn nắm được vô số thông tin về ngành hàng không.

Rồi Frank cũng đủ tự tin để thử một chuyến bay miễn phí tới Miami. Cậu đã lên được chiếc máy bay của hãng Eastern Airline trong bộ đồng phục phi công sau khi khai một số thông tin về tên tuổi, số hiệu nhân viên và một số thông tin khác. Khi lên máy bay, cậu thậm chí còn vào được buồng lái. Tất nhiên, lúc nào Frank cũng phải trong tư thế sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của các phi công thật. Chỉ một sai lầm thôi cũng sẽ vạch trần bộ mặt thật và đủ để tống cậu vào tù.

Thế nhưng, các phi công không mấy chú ý đến cậu và chuyến bay hầu như suôn sẻ. Khi đặt chân đến Miami, việc đầu tiên Frank làm là thở phào nhẹ nhõm. Từ đó và trong suốt hai năm liền, hễ muốn đi đâu là cậu lại dùng phương pháp này. Trong khi đó, Pan American cứ trả chi phí cho cậu mà không hay biết. Về sau, hãng này tính toán rằng tổng cộng Frank đã bay 160.000 km trên 250 chuyến bay tới 26 quốc gia.

Kỹ năng lừa tiền bằng các tấm séc giả mạo đã trở nên tinh vi hơn là Frank nghĩ. Cậu không chỉ là một kẻ lừa đảo séc tài ba mà còn là một kẻ mạo danh xuất sắc. Tất cả là nhờ một cá tính mạnh mẽ, óc quan sát tinh nhanh và cả một quá trình nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng cho một âm mưu lừa đảo. Frank đã dày công nghiên cứu về séc một cách tỉ mỉ. Cậu luôn thay đổi số séc để nó có thể quay vòng và khiến nhân viên ngân hàng mất thời gian phát hiện. Nhờ đó cậu có thể rút tiền bằng vài tấm séc giả mạo liên tục ở cùng một ngân hàng. Cậu phát hiện ra rằng nếu thay đổi số séc, tấm séc sẽ được gửi đến một nơi nào đó. Càng gửi séc đi xa thì càng mất thời gian để lấy lại. Hơn nữa, lúc nào Frank cũng mở các tài khoản séc thật bằng tên giả, đặt cọc bằng tiền mặt và cung cấp địa chỉ thật nơi cậu đang sống hoặc số hộp thư bưu chính để nhận séc. Nhờ đó, quá trình giao dịch của Frank có vẻ đáng tin. Sau đó, Frank sẽ rút một lượng lớn tiền từ tài khoản bằng cách viết các tấm séc trị giá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn USD vào một thời điểm.

Chiêu lừa này được Frank thực hiện ở khắp nước Mỹ và trên thế giới nên cơ quan chức năng khó lòng mà phát hiện ra. Khi mà các điều tra viên phát hiện ra séc giả mạo thì Frank đã cao chạy xa bay ở một nơi khác. Frank lúc nào cũng sẵn sàng chạy trốn để thoát khỏi lưới pháp luật. Cậu giữ hàng ngàn USD lừa đảo được trong các két gửi tiền an toàn trên toàn nước Mỹ để dùng trong trường hợp cần thiết.

Dù có trong tay tiền bạc, lúc nào cũng được phụ nữ chú ý và được đi khắp thế giới nhưng Frank không hạnh phúc. Cậu chán cảnh trốn chạy cảnh sát và rất cô đơn. Cậu nhận ra rằng phụ nữ quan tâm đến con người giả mạo của cậu và cậu không thể có một mối quan hệ nghiêm túc với cái tên giả. Cậu nhận ra rằng kiểu sống này sẽ không kéo dài mãi được và việc vào tù chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Cái ngày cậu bị nghi ngờ cũng đã đến. Trên một chuyến bay miễn phí tới Miami, khi máy bay vừa hạ cánh xuống hạt Dade, ba nhân viên đã chặn cậu ngay trên máy bay. Dù khăng khăng mình là Frank Williams và là một phi công nhưng cậu vẫn bị áp giải đến sở cảnh sát để thẩm vấn. Ở sở cảnh sát, Frank đưa cho các điều tra viên chứng minh thư giả và cho họ vài cái tên để đối chứng. May cho Frank là cậu đã quen biết một vài người trong ngành hàng không trong các chuyến bay miễn phí và những người này đã xác nhận với cảnh sát. Frank được cảnh sát xin lỗi và thả tự do.

Sau cú thoát hiểm may mắn này, Frank tạm rút lui một thời gian để đảm bảo an toàn. Cậu đến ở Atlanta, bang Georgia. Tại đây, cuộc đời cậu lại rẽ sang một hướng khác.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ 4: Làm bác sĩ nhi, luật sư và giảng viên

1
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN