Thomas Edison là người phát minh ra bóng đèn điện và tên tuổi của ông được người ta gắn với điện. Nhưng một số nhà khoa học trước ông cũng đã phát hiện ra điện, chỉ có điều họ chưa biết cách ứng dụng nó vào cuộc sống.
Năm 1873, Zenobe Theophile Gramme đã chứng minh rằng điện có thể được truyền đi từ nơi này đến nơi kia thông qua dây dẫn trên cao. Tuy nhiên, việc truyền dẫn điện vẫn chỉ là lý thuyết cho đến khi Edison tìm ra cách sản xuất và kiểm soát điện để phục vụ xã hội.
Edison đã xây nhà máy điện đầu tiên năm 1879 và gần như ngay lập tức, các thành phố ở Mỹ đều muốn ký hợp đồng để thành phố mình được sử dụng thứ được coi là kỳ quan mới của khoa học này. Ngày càng có nhiều thành phố lung linh ánh đèn điện nhờ hệ thống điện một chiều (DC) của Edison.
Tuy nhiên, trong hệ thống điện một chiều, điện chỉ truyền theo một hướng nên cần thêm nhiều thiết bị để đảm bảo điện “chảy” đúng đường. Hơn nữa, điện áp trong hệ thống điện một chiều thường bị sụt mạnh sau khi truyền qua được một quãng đường ngắn. Do đó, cần phải xây nhiều nhà máy điện mới có thể cung cấp điện ổn định cho một thành phố cỡ trung bình.
Lúc đó, một thiên tài người Crôatia là Nikola Tesla đã nhận ra nhược điểm của hệ thống một chiều và phát minh ra hệ thống chạy xoay chiều (AC). Theo đó, điện sẽ đổi hướng nhiều lần trong một giây, tạo ra từ trường cho phép tải một lượng điện lớn mà không thất thoát dọc đường.
Nikola Tesla trong phòng thí nghiệm. |
Trước Tesla, cũng có một số hệ thống điện xoay chiều được dùng ở vài thành phố nhưng những hệ thống này thua kém hệ thống của Tesla. Trong thời gian đó, nhà phát minh Edison đã tuyển dụng Tesla vào làm việc cho mình. Khi trình bày với Edison ý tưởng về hệ thống điện xoay chiều, Tesla đã bị ông chủ bác bỏ và Tesla bỏ việc ở chỗ Edison trong tức giận.
Năm 1887, Tesla được cấp bằng sáng chế cho hệ thống điện xoay chiều và được nhà phát minh George Westinghouse chú ý. Ông đã mua 40 bằng sáng chế của Tesla và chỉ trong vòng vài năm, hơn 100 thành phố, thị trấn đã dùng hệ thống điện xoay chiều của Westinghouse. Mất thị phần và nhân viên vào tay Westinghouse khiến Edison rất tức giận.
Ai cũng nhận thấy rằng chỉ trong vài năm nữa, điện xoay chiều sẽ nhanh chóng thay thế điện một chiều, trừ Edison. Để chứng minh điều ngược lại, ông đã bám lấy niềm tin rằng điện một chiều tốt hơn, an toàn hơn.
Nói là làm, năm 1887, ông bắt đầu tìm cách làm mất uy tín của Westinghouse và hệ thống xoay chiều. Ông sai nhân viên thu thập tin tức về những cái chết do điện xoay chiều. Ông thuê người vận động hành lang để hạn chế lượng điện được phép truyền qua đường dây điện. Và điều quan trọng nhất, Edison muốn dư luận biết rằng ông muốn ghế điện ở New York dùng dòng điện xoay chiều.
Ngày 5/6/1888, tờ New York Evening Post đăng một bức thư của một người tên là Harold Brown, trong đó cảnh báo về sự nguy hiểm của điện xoay chiều. Ông Brown cho rằng Ban kiểm soát điện New York nên cấm hệ thống điện xoay chiều trước khi xảy ra thảm kịch liên quan đến mạng sống của con người. Có một điều cần lưu ý rằng ông Brown từng là nhân viên cũ của nhà phát minh Edison trong những năm 1870. Dù không có bằng chứng nhưng người ta có cảm giác ông Brown chính là đại diện mà Edison chọn để chống lại Westinghouse.
Nếu quả như vậy thì ông Brown hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì ông rất nhiệt tình và thu hút được nhiều sự chú ý. Brown thực hiện hàng loạt thí nghiệm với dòng điện xoay chiều và một chiều dưới sự chứng kiến của Ban kiểm soát điện cùng với báo chí. Sau đó, các thí nghiệm được làm ở phòng thí nghiệm của Edison tại New Jersey. Trong thời gian này, người nào “thí” mạng sống một con vật làm thí nghiệm sẽ được Edison trả 25 xu.
Hội pháp lý y học New York theo dõi chặt chẽ các thí nghiệm này do hội được Bộ Nhà tù giao nhiệm vụ tìm hiểu về hệ thống hành quyết mới. Vì không ai trong hội có kinh nghiệm về điện nên những lý lẽ của ông Brown có nhiều sức nặng với họ. Khi hội nộp báo cáo tháng 12/1888, hội đã đề xuất chiếc ghế hành quyết nên dùng điện xoay chiều.
Trong khi đó, nhà phát minh George Westinghouse cũng ra sức bảo vệ dòng điện của mình. Ông và các đại diện phản bác dữ dội các lý lẽ của ông Brown. Họ tuyên bố ông này chính là “tay sai” của Edison trong khi ông Brown một mực phủ nhận. Ông Brown còn thách Westinghouse tham gia một thí nghiệm mà trong đó ông sẽ để cho điện một chiều chạy qua người mình còn Westinghouse để cho dòng điện xoay chiều chạy qua. Westinghouse không bình luận gì về thách đố này và Brown cho rằng Westinghouse sợ.
Trong lúc Edison và Westinghouse mải mê với cuộc chiến của mình thì dự luật hành quyết trở thành luật. Ông Brown được chính quyền chỉ định làm kỹ thuật viên ghế điện chính thức của bang New York. Và chiếc ghế tử thần dùng dòng điện xoay chiều ra đời.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ cuối: “Quay chín” tù nhân