Cây đại phong tử này được trồng năm 1935 để tưởng nhớ về nghiên cứu đột phá của Ball liên quan đến bệnh phong. Với vai trò một nhà hóa học tại Đại học Hawaii giữa thập niên 1910 của thế kỷ trước, cô đã giúp phát triển một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh phong, đó là chiết xuất dầu từ hạt quả cây đại phong để tiêm vào máu bệnh nhân.
Trước khi ra đời thuốc kháng sinh sulfone vào thập niên 1940, cái gọi là phương pháp Ball là một trong những phương pháp điều trị chính cho bệnh phong. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, người phụ nữ đứng sau khám phá này đã bị lãng quên cùng với những thành tựu trong cuộc đời ngắn ngủi của mình (bà mất năm 1916 ở tuổi 24).
Ngoài việc hé lộ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính lan tràn trong giới học thuật đầu thế kỷ 20, câu chuyện của Ball còn phản ánh một chương đen tối trong lịch sử Hawaii. Từ năm 1866 đến năm 1969, chính quyền Hawaii đã cưỡng chế đưa hơn 8.000 bệnh nhân phong, hầu hết đều là người Hawaii bản địa, đến bán đảo Kalaupapa hẻo lánh. Trong khi những người da trắng bị bệnh phong được phép rời Hawaii và tìm cách điều trị trên đất liền, thì những người bản địa Hawaii lại bị đày tới nơi được cho là sẽ ở đó suốt đời- ít nhất là cho đến khi luật cách ly được dỡ bỏ vào năm 1969.
Ball sinh tại Seattle vào ngày 24/7/1892, với cha cô là biên tập viên tờ báo Black kiêm nhiếp ảnh gia và luật sư James Presley Ball Jr.; còn mẹ cô là nhiếp ảnh gia da trắng Laura Louise Howard Ball. Cô lớn lên trong một gia đình trung lưu, danh giá. Ông nội của cô, James Presley Ball, là một nhiếp ảnh gia da màu nổi tiếng, người đã chụp chân dung của những cá nhân như người theo chủ nghĩa bãi nô Frederick Douglass, ca sĩ opera Jenny Lind và nhà văn Charles Dickens.
Khi cô 10 tuổi, gia đình Ball chuyển đến Honolulu với hy vọng thời tiết ấm áp sẽ giúp điều trị bệnh viêm khớp của ông cô. Ngay từ khi còn là một học sinh nhỏ, cô ấy đã thể hiện trí thông minh vượt trội. Một người bạn học cấp hai đã miêu tả Ball rất “tài năng”.
Khi ông nội của Ball qua đời năm 1904, gia đình cô quay trở lại Washington. Ball tham gia câu lạc bộ kịch ở trường trung học và nổi tiếng nhờ sự nhanh trí của mình. Câu nói tốt nghiệp của cô trong cuốn kỷ yếu năm 1910 đã thể hiện tính cách đầy tham vọng của cô: "Tôi làm việc và làm việc và dường như tôi vẫn chưa làm được gì."
Ball theo học tại Đại học Washington, gặt hái hai bằng cử nhân trong bốn năm: bằng cử nhân hóa dược vào năm 1912 và bằng thứ hai về khoa học dược năm 1914. Khi còn là một sinh viên đại học, cô là đồng tác giả của một bài báo trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp, Ball chuyển về ngôi nhà thời thơ ấu của cô ở Hawaii để lấy bằng thạc sĩ hóa học. Cô tốt nghiệp năm 1915 và tiếp tục làm nên lịch sử của mình bằng cách trở thành nữ giảng viên hóa học da màu đầu tiên của trường đại học, bên cạnh đó là cô gái da màu đầu tiên có bằng thạc sĩ.
Ball đã nghiên cứu thành phần hóa học của thực vật, đặc biệt là rễ cây awa ở Hawaii, còn được gọi là kava. Ở Hawaii, rễ awa được sử dụng như một loại thuốc chữa bách bệnh từ mất ngủ đến đau đầu đến rối loạn thận. Ball đã nghiên cứu các axit của loại cây này, khả năng hòa tan và nhựa của chúng để xác định cách nó có thể được tiêm như một phương pháp điều trị.
Nghiên cứu của Ball thu hút sự chú ý của Harry T. Hollmann, một bác sĩ và Nhân viên Y tế Công cộng Mỹ, người khi đó đang sử dụng dầu cây đại phong tử để điều trị các trường hợp bệnh phong nhẹ. Mặc dù người dân châu Á đã sử dụng dầu này như một loại thuốc chữa trị các bệnh về da trong nhiều thế kỷ nhưng phải đến năm 1854, loài cây này mới được đưa đến phương Tây nhờ bác sĩ người Anh Frederic John Moaut. Các bác sĩ phương Tây gặp khó khăn trong việc sử dụng cây đại phong tử một cách hiệu quả bởi tình trạng loại sử dụng qua đường uống gây ra cảm giác buồn nôn, trong khi tiêm dẫn đến áp xe da đau đớn.
Năm 1915, Hollmann tuyển Ball để hỗ trợ tìm ra cách làm cho dầu cây đại phong tử dễ tiêm hơn. Vào thời điểm đó, người Hawaii bản địa đang phải đối mặt với đại dịch bệnh phong. Căn bệnh này ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và các triệu chứng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào từ 1 đến 20 năm sau khi nhiễm bệnh. Bệnh phong lần đầu tiên được ghi nhận ở Hawaii vào năm 1835 và nhiều khả năng bắt nguồn từ lao động nhập cư châu Á và châu Âu đến Hawaii.
Bệnh phong từ lâu đã trở thành một căn bệnh bị kỳ thị bởi người bệnh thường bị xã hội tẩy chay hoặc buộc phải cách ly để ngăn chặn sự lây lan. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các quan chức đã thành lập một số khu dành riêng cho người bệnh phong trên khắp nước Mỹ, từ Louisiana cho đến bờ biển Massachusetts. Kalaupapa là bệnh xá lớn nhất trong số những bệnh viện phong này. Năm 1865, chính quyền Hawaii thông qua đạo luật xây dựng bệnh viện dành cho người bị bệnh phong trên bán đảo Kalaupapa. Ở giai đoạn cao điểm năm 1890 có khoảng 1.100 người - hầu hết đều là người Hawaii bản địa – sống tại nơi này.
Ban đầu, điều kiện rất tồi tệ, với bệnh nhân thiếu nhà ở. Các bệnh nhân bị ép buộc đưa đến Kalaupapa - đôi khi bởi những “thợ săn tiền thưởng” có nhiệm vụ theo dõi các bệnh nhân phong trên khắp các hòn đảo - và dự kiến sẽ ở đó cho đến hết đời.
Người thân có thể đến thăm các bệnh nhân phong nhưng phải ở khu nhà tách biệt và chỉ giao tiếp qua hàng rào. Nếu bệnh nhân phong trốn khỏi Kalaupapa, họ có thể bị truy lùng bởi thợ săn tiền thưởng và bị bắt giữ.
Khi không giảng dạy ở trường đại học hoặc làm giáo viên tiếng Anh tình nguyện, Ball thường dành thời gian trong trong phòng thí nghiệm để cố gắng tìm cách làm cho cây đại phong tử có thể hòa tan trong nước. Giáo sư hóa học Arthur L. Dean đã hỗ trợ Ball và cô đạt được mục tiêu trong vòng chưa đầy một năm. Năm 1915, Ball phát hiện điều then chốt là làm đông lạnh các axit béo của dầu cây đại phong tử để cô lập các hợp chất este. Hợp chất này có thể được sửa đổi để tạo thành phương pháp điều trị có thể tiêm, hòa tan trong nước và hiệu quả.
Ball duy trì công việc giảng dạy trong khi hoàn thiện nghiên cứu của mình. Năm 1916, cô hít phải khí clo khi mô phỏng cách sử dụng mặt nạ phòng hơi độc sau đó ốm nặng. Ngoài ra, Ball có thể đã mắc bệnh lao, đây là nguyên nhân tử vong được ghi trong giấy chứng tử của cô. Mẹ của Ball đưa cô trở về Seattle, đây là nơi Ball trút hơi thở cuối cùng và đêm giao thừa.
Sau khi Ball qua đời, Arthur L. Dean thực hiện chỉnh sửa nhỏ đối với khám phá của Ball sau đó đăng tải kết quả và khẳng định là công trình nghiên cứu của bản thân. Được mệnh danh là Phương pháp Dean, cách điều trị mang lại nhiều hứa hẹn. Theo một báo cáo năm 1922 của Bộ Nội vụ, nó dẫn đến "sự cải thiện nhanh chóng, đặc biệt là trong những trường hợp bệnh phong nặng".
Theo Dịch vụ Công viên Quốc gia Mỹ (NPS), ban đầu các nhà chức trách hy vọng rằng phương pháp điều trị bằng cây đại phong tử sẽ đủ hiệu quả để tạo điều kiện cho họ đóng cửa Kalaupapa. Trong giai đoạn từ năm 1919 đến năm 1923, không có bệnh nhân phong nào được gửi đến Kalaupapa. Thay vào đó, họ được điều trị tại Bệnh viện Kalihi. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1930 “niềm tin vào khả năng chữa bệnh của dầu cây đại phong tử giảm dần. Phương pháp điều trị bệnh phong có hiệu quả cao chỉ xuất hiện vào thập niên 1940, với sự phát triển của thuốc kháng sinh sulfone. Chính quyền Hawaii cũng gỡ bỏ luật buộc phải cách ly bệnh nhân phong từ năm 1969.
Ngày nay, phong là căn bệnh có thể chữa được nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục nghìn người mỗi năm. Tính riêng năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 127.558 ca mắc phong mới trên toàn cầu, hơn một nửa trong số này là tại Ấn Độ.
Những đóng góp của Ball trong việc điều trị bệnh phong đã không được biết đến trong nhiều thập kỷ. Đến năm 1922, Hollmann đã ghi công cho Ball trong một bài báo trên tạp chí năm 1922. Ông viết: “Sau một lượng lớn thử nghiệm. Cô Ball đã giải quyết vấn đề cho tôi bằng cách tạo ra các este etylic của axit béo có trong dầu cây đại phong tử”.
Ngày nay, đóng góp của Ball trong điều trị bệnh phong đã được ghi nhận, vào năm 2000, một tấm bản bằng đồng của Ball được đặt ngay trước cây đại phong tử ở trường Đại học Haiwaii.