Cô gái đằng sau The Beatles-Kỳ cuối: Thư ký trung thành

Năm tháng dần trôi qua, Freda tích trữ cho mình được khá nhiều kỷ vật về The Beatles. Nhưng sau khi nhóm tan rã, cô đã hào phóng tặng phần lớn cho người hâm mộ mà nếu giữ lại để bán, cô có thể sẽ trở thành triệu phú.


Bà Freda đứng trên con phố nơi Ringo Starr lớn lên.


Ngày nay, trong căn gác mái của bà Freda đã tuổi, chỉ còn lại bốn hộp chứa kỷ vật của The Beatles. Mỗi hộp đều đựng đầy những bài báo về Beatles mà bà viết cho bản tin của nhóm. Bà cũng giữ những bức điện mà từng thành viên ban nhạc gửi cho mình vào ngày bà kết hôn. Trong đó, còn cả một phong bì quăn mép chứa một lọn tóc của George Harrison.


Bà đã quyết định tham gia vào một bộ phim tài liệu kể về những gì mà người hâm mộ còn chưa biết về The Beatles. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua, bà Freda quyết định tâm sự về quãng thời gian đáng nhớ của mình với The Beatles. Trước đó, bà luôn tâm niệm trung thành với The Beatles và không bao giờ “bán” ký ức, cho dù nhận được nhiều lời mời viết sách. Bà cho rằng những lời mời này chỉ muốn bà kể về những mặt tối của ban nhạc. 


Freda Kelly hiện tại.

Lòng trung thành của bà với The Beatles quả là hiếm trong một thời đại “kể tuốt” về những người nổi tiếng và dư luận không bao giờ chán những chuyện dù nhỏ nhất về họ. Mối quan hệ mật thiết của bà với ban nhạc The Bealtes vĩ đại sẽ khiến bà vô cùng nổi tiếng và giàu có nếu bà muốn.


Mãi cho đến khi được con gái khích lệ, khuyên nhủ rằng bà không nên để đến khi bệnh mất trí nhớ lấy mất những ký ức đẹp đẽ đó, bà Freda mới sực tỉnh. Hơn nữa, bà thực sự muốn làm một bộ phim nhỏ để kể cho đứa cháu trai ba tuổi biết bà nó đã làm gì thời trẻ và muốn nó tự hào về điều đó. Đó là lý do quan trọng khiến bà phá vỡ sự im lặng bấy lâu nay.


Bà đã liên lạc với đạo diễn người Mỹ Ryan White. White cho biết ông mừng quýnh lên khi biết về vai trò của Freda và tầm quan trọng của bà đối với The Beatles. Khi nhận ra ký ức của bà Freda là một báu vật, ông đã thuyết phục bà ký một hợp đồng làm một bộ phim tài liệu trọn vẹn mang tên Good Ol’ Freda. Bộ phim đã ra mắt 6/9/2013 tại liên hoan phim South by South West ở Austin, bang Texas nước Mỹ.


Poster bộ phim tài liệu Good Ol’ Freda.


Tên bộ phim chính là một bản ghi âm của The Beatles vào Giáng sinh năm 1963 mà họ tặng câu lạc bộ người hâm mộ. Trong bản ghi âm này, Harrison đã nói lời cám ơn “Freda Kelly ở Liverpool” trong khi ba thành viên còn lại hét to “Good Ol’ Freda”. Phần ghi âm này được phát ở đoạn mở đầu giới thiệu bộ phim.


Ông White cũng làm được một điều gần như không thể là xin quyền sử dụng bốn ca khúc gốc của The Beatles để làm nhạc phim. Gần như không thể là vì muốn vậy, ông phải được Paul McCartney và Ringo Starr đồng ý và người nhà của hai thành viên đã mất là John Lennon và George Harrison chấp nhận cho đoàn làm phim sử dụng nhà riêng của họ để quay. Nếu phải xin giấy phép theo cách thông thường, đạo diễn White sẽ tốn rất nhiều tiền. Khi ông White thông báo với bà về việc được dùng bốn ca khúc đó, Freda đã vô cùng nghẹn ngào. Bà thầm nghĩ: “Họ vẫn còn nhớ mình”.


Với nhiều hình ảnh và tư liệu về The Beatles hiếm khi được công bố, Good Ol’ Freda là một trong số ít bộ phim tài liệu được sự ủng hộ của những thành viên The Beatles còn sống. Những thăng trầm, đột phá và thách thức của ban nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử đã được tái hiện thông qua con mắt của Freda - cô thư ký và người bạn thân thiết của cả nhóm. Nếu ai đó định tìm tì vết của The Beatles hay những tiết lộ động trời trong bộ phim, họ sẽ không làm được điều đó với Good Ol’ Freda. Good Ol’s Freda được mẹ kế của Paul McCartney nhận xét là “một trong những câu chuyện chân thật cuối cùng về The Beatles”, đem lại cho người xem một cảm giác trọn vẹn, say mê, thú vị.


Nhìn lại chừng ấy thời gian, bà Freda có cảm giác thật lạ khi nghĩ mình là một trong số ít người của thời đại đó còn sống. Lennon đã bị bắn chết khi 40 tuổi, Harrison đã qua đời vì ung thư năm 2001. Bà cũng không nói chuyện với McCartney và Starr nhiều năm qua dù có lần đi xem Starr biểu diễn nhưng quá ngại để ra cánh gà gặp ông.


Khi được hỏi sẽ nói gì nếu gặp lại họ, bà Freda mỉm cười, ánh mắt sáng lên như cô gái ngọt ngào, sôi nổi thuở 17 trước kia. Bà nhìn ra cửa sổ, gạt tóc sang một bên như thể để nhìn cho rõ một anh Beatles nào đó đang đi bộ vào nhà mình từ chỗ đỗ xe. Bà nói: “Chắc chắn tôi không thể ngất xỉu hoặc phát cuồng lên rồi. Có thể tôi sẽ nói: “Anh uống tách cà phê nhé?”.


Thùy Dương

Cô gái đằng sau The Beatles -Kỳ 2: Nhân chứng của những thăng trầm
Cô gái đằng sau The Beatles -Kỳ 2: Nhân chứng của những thăng trầm

Đối với Freda, gặp gỡ bốn anh chàng The Beatles hàng ngày và trở thành bạn của họ cũng có nghĩa là sự nổi tiếng của họ đã “lây” sang cô mà cô không hề chú ý. Lần đầu tiên Freda ý thức được điều đó là khi cô được mời tham dự một buổi tiếp tân ở Liverpool năm 1964.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN