Từ vị trí nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, Toyota liên tục trượt dốc với các đợt thu hồi xe triền miên do các lỗi kỹ thuật liên quan đến hệ thống chân ga, thảm lót chân và chân phanh. “Cơn ác mộng” của tập đoàn này lên đến đỉnh điểm khi tổng số xe bị thu hồi từ tháng 10/2009 đến nay đã lên tới 8,6 triệu chiếc trên toàn thế giới. Đây là cuộc khủng hoảng chất lượng và uy tín lớn nhất của Toyota kể từ khi ra đời cách đây 7 thập kỷ.
Kỳ 3: Mất cả “Át chủ bài”
Ra đời năm 1997, Prius là mẫu xe được Toyota coi là quân "át chủ bài" trong tham vọng làm chủ công nghệ sạch và thống lĩnh thị trường xe hơi thân thiện môi trường toàn cầu. Trong biến cố thu hồi xe của Toyota, mẫu xe này cũng không tránh khỏi số phận hẩm hiu.
Tại buổi họp báo ngày 9/2, Toyota chính thức thông báo sẽ thu hồi khoảng 437.000 chiếc Prius và một số xe dùng động cơ lai xăng-điện (hybrid) khác trên toàn thế giới để khắc phục sự cố chân phanh. Việc thu hồi được tiến hành ngay lập tức tại Nhật Bản đối với khoảng 200.000 chiếc Prius và 23.000 chiếc Lexus HS250h. Số còn lại khoảng 213.000 chiếc, chủ yếu là xe Prius, sẽ được thu hồi dần dần ở các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.
Mẫu xe lai Prius, quân "át chủ bài" của Toyota trong tham vọng làm chủ công nghệ sạch. |
Việc thu hồi xe Prius được thực hiện sau khi có tới hơn 200 đơn khiếu nại được ghi nhận ở Nhật Bản và Mỹ về tình trạng hoạt động thiếu ổn định của hệ thống điều khiển điện tử, khiến thỉnh thoảng xe bị mất phanh khi chạy ở tốc độ thấp trên đường xóc hoặc đường có nhiều băng tuyết. Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Toyota kiểm tra lại toàn bộ các xe Prius đã xuất xưởng cũng như đang trong quá trình sản xuất ở nước này.
Toyota cho biết họ nhận được các đơn thư khiếu nại thông qua đại lý từ những tháng cuối năm 2009. Sau khi xem xét các vấn đề liên quan, Toyota thừa nhận khi xe chạy chậm trên đường trơn hoặc xóc đôi khi bàn đạp phanh không hoạt động trong khoảng vài giây là do hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) hoạt động... quá nhạy cảm. Vì vậy, tập đoàn này đã tiến hành thay đổi thiết kế phần mềm điều khiển phanh từ cuối tháng 1/2010.
Riêng ở Mỹ, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia (NHTSA) đã nhận được 124 đơn khiếu nại từ khách hàng về xe Prius, cũng với lý do nêu trên, trong đó có 4 trường hợp nói rằng nó đã gây ra hậu quả tai nạn, trong đó có 2 trường hợp bị thương tích nhẹ. NHTSA đã cũng tiến hành điều tra đối với những khiếu nại này.
Một kỹ thuật viên đang kiểm tra lỗi hệ thống phanh của xe Prius tại Nhật Bản. |
Vụ thu hồi xe Prius được cho là sẽ gây ra tổn thất nặng nề đối với uy tín và hình ảnh của Toyota nhiều hơn các dòng xe trước đó, bởi nó đe dọa nỗ lực chiếm lĩnh vị trí số một thế giới về dòng xe thân thiện môi trường của Toyota. Với thị trường tiêu thụ ở 60 quốc gia, Prius là mẫu xe bán chạy nhất Nhật Bản trong năm 2009 và là xe hybrid phổ biến nhất thế giới hiện nay. Ngay cả siêu sao điện ảnh Hollywood Leonardo Decarprio cũng sở hữu một chiếc Prius. Với người Nhật Bản, nếu Toyota là niềm tự hào của ngành công nghiệp tiên tiến, thì mẫu xe Prius đời mới là biểu tượng của cam kết bảo vệ môi trường – vấn đề “nóng” đang được thế giới quan tâm.
Trên thực tế, hồi năm 2006, Toyota đã từng phải thu hồi khoảng 320.000 chiếc xe Prius để khắc phục sự cố ở hệ thống lái. Mặc dù số lượng xe bị thu hồi lần đó khá lớn, song tác động của nó được đánh giá còn thua xa đợt thu hồi hiện nay, nhất là trong bối cảnh uy tín của Toyota đang bị giảm sút nghiêm trọng.
Thứ nhất, việc thu hồi xe Prius sẽ khiến thị trường nghĩ rằng “lỗi chất lượng” đã trở thành một căn bệnh mãn tính của Toyota. Trên thực tế, phanh xe Prius bị phàn nàn là kém “ăn” có thể chỉ là do thao tác, và hiện nó vẫn chưa bị coi là vi phạm tiêu chuẩn về an toàn. Tuy nhiên khách hàng sẽ không hiểu, hoặc không cần quan tâm đến điều này. Thứ hai, xe hybrid được coi là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Toyota. Tập đoàn này dự kiến sẽ bán ra 1 triệu chiếc vào năm 2012, gấp ba số lượng năm ngoái. Nhưng với vụ lình xình này, chắc chắn mục tiêu này khó đạt được bởi Toyota sẽ phải san sẻ nguồn lực để giải quyết. Công ty Mizuho Securities ước tính chi phí khắc phục các sự cố sẽ lên tới 6,6 tỷ USD trong 2 năm tới, vượt xa ước tính của Toyota, bởi tập đoàn này rồi đây sẽ phải chấn chỉnh hoạt động, cải tổ cơ cấu, ngừng chương trình cắt giảm chi phí và tăng mạnh quảng cáo.
David Haigh, Giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính Brand Finance của Anh cho rằng trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, Toyota là công ty hoạt động hiệu quả nhất và là thương hiệu giá trị nhất trong ngành sản xuất ô tô thế giới. Dòng xe Prius đã đưa tập đoàn này lên thẳng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất xe thân thiện với môi trường. “Đáng buồn thay, cách xử lý không thích đáng của ông Akio Toyoda và ban điều hành đã làm tổn hại ghê gớm tới thương hiệu của Toyota”.
Chuyên gia Suh Sung-moon của Hàn Quốc nhận xét: “Không cần phải nghi ngờ, Toyota là đối thủ số một trong phân khúc xe hybrid. Vì vậy, việc thu hồi xe Prius và một số mẫu xe hybrid khác trong đợt thu hồi hàng loạt hiện nay đã làm hoen ố đáng kể hình ảnh của tập đoàn này”. Còn Koji Endo – Giám đốc điều hành một công ty nghiên cứu thị trường ở Tôkyô – nói, ngay cả nếu Toyota không bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, thì tổn thất về danh tiếng cho hãng sau sự cố Prius và hàng loạt các sự cố trước đó sẽ là rất lớn. “Chiếc xe biểu tượng Prius, một trong những mẫu bán chạy nhất, lại đang có khiếm khuyết. Điều này hiển nhiên là sẽ khiến công chúng hoài nghi”.
Vũ Hội (Tổng hợp)