Từ vị trí nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, Toyota liên tục trượt dốc với các đợt thu hồi xe triền miên do các lỗi kỹ thuật liên quan đến hệ thống chân ga, thảm lót chân và chân phanh. “Cơn ác mộng” của tập đoàn này lên đến đỉnh điểm khi tổng số xe bị thu hồi từ tháng 10/2009 đến nay đã lên tới 8,6 triệu chiếc trên toàn thế giới. Đây là cuộc khủng hoảng chất lượng và uy tín lớn nhất của Toyota kể từ khi ra đời cách đây 7 thập kỷ.
Kỳ 1: Giọt nước mắt của ông Chủ tịch
Cuộc khủng hoảng thu hồi xe của Toyota và hàng loạt đơn khiếu nại liên quan đến 30 ca tử nạn giao thông ở Mỹ đã khiến Quốc hội nước này vào cuộc. Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện Mỹ ngày 24/2 đã mở phiên điều trần, triệu tập đại diện của Toyota và các cơ quan chức năng về an toàn giao thông Mỹ để tìm hiểu thực chất vấn đề. Mục đích của phiên điều trần là làm rõ vì sao Toyota chậm phản ứng trước các khiếu nại của người tiêu dùng và vì sao Cơ quan An toàn Giao thông Đường Cao tốc Quốc gia của Mỹ (NHTSA) đã không theo sát các vụ thu hồi xe.
Dây chuyền lắp ráp xe Prius, một trong những mác xe của Toyota bị thu hồi vì các lỗi kỹ thuật, tại nhà máy sản xuất ô tô của Toyota ở Nhật Bản. |
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn không chỉ đối với các cơ quan chức năng mà với cả người tiêu dùng là liệu các xe ô tô của Toyota – tập đoàn công nghiệp được coi là niềm tự hào của người dân Nhật Bản - có thực sự an toàn với người tiêu dùng hay không. Vì vậy, phiên điều trần đã được nhiều kênh truyền hình Nhật Bản phát trực tiếp tại quê nhà, đồng thời nó thu hút sự dõi theo của dư luận khắp nơi trên thế giới. Bản thân sự có mặt của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Toyota, ông Aikio Toyoda, đã nói lên tầm quan trọng của sự kiện.
Tại phiên điều trần, Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ cho rằng liên quan đến các sự cố chết người vừa qua có phần trách nhiệm của Toyota lẫn NHTSA. Trong khi tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới “lờ đi hoặc giảm nhẹ” mức độ nghiêm trọng của các báo cáo về lỗi tăng tốc đột ngột của xe Toyota, thì NHTSA “hầu như không làm gì, hoặc nếu có làm thì ở mức độ rất hạn chế”.
Trước những lời cáo buộc trên, ông Aikio Toyoda thừa nhận trong thời gian qua Toyota có thể đã phát triển quá nhanh và do đó trở nên lúng túng trong định hướng. “Tôi muốn chỉ rõ rằng ưu tiên của Toyota từ trước đến nay vẫn là: Thứ nhất An toàn, thứ nhì Chất lượng, và thứ ba Số lượng. Các ưu tiên này đã bị xáo trộn”, ông Toyoda nói.
Ông cũng đã công khai xin lỗi về việc tập đoàn này phải thu hồi xe và về các tai nạn liên quan đến lỗi tăng ga đột ngột ngoài ý muốn của một loạt xe do Toyota sản xuất trong ba năm qua. Người cháu nội của nhà sáng lập tập đoàn Toyota thừa nhận " chịu hoàn toàn trách nhiệm" và đảm bảo rằng Toyota đang cố gắng khắc phục các lỗi kỹ thuật để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. "Tên của tôi có trên mỗi chiếc xe. Tôi hứa danh dự rằng Toyota sẽ làm việc hết sức và không ngừng nghỉ để khôi phục niềm tin nơi khách hàng", ông nói.
Chủ tịch hãng Toyota, ông Aikio Toyoda (trái), và Giám đốc điều hành Toyota tại Bắc Mỹ, ông Yoshiumi Inaba (phải) trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 24/2/2010. |
Phát biểu với các nhân viên của Toyota tại Mỹ cùng ngày, ông Aikio Toyoda thậm chí đã bật khóc. Ông tâm sự trong nước mắt: “Tại phiên điều trần, tôi đã không cô đơn. Đồng nghiệp của tôi ở Bắc Mỹ và khắp nơi trên thế giới, đều ở bên tôi...Chúng ta, những thành viên Toyota trên toàn thế giới, cần suy nghĩ lại mọi chuyện trong hoạt động để giành lại niềm tin của khách hàng".
Trước đó, tại buổi họp báo ngày 9/2 để công bố thu hồi mẫu xe thân thiện môi trường Prius, ông Toyoda cũng đã lên tiếng xin lỗi khách hàng về những sự cố vừa qua. “Tôi xin lỗi vì đã gây phiền phức và lo lắng cho nhiều khách hàng về vấn đề chất lượng và an toàn của xe Toyota”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Ray Le Hood đổ lỗi hoàn toàn cho đối tác khi cho rằng văn hóa kinh doanh của Toyota đã trói buộc khả năng phản ứng của tập đoàn này mỗi khi có sự cố kỹ thuật nảy sinh trong quá trình khách hàng sử dụng xe. “Tôi tin rằng họ (Toyota) điếc về vấn đề an toàn”.
Ông Le Hood cũng bác bỏ những lời cáo buộc nói rằng HNTSA đã bị Toyota gây sức ép thu hẹp diện điều tra nhằm tiết kiệm chi phí đối với một vụ tai nạn chết người ở Mỹ năm 2007 do sử dụng xe của Toyota.
Giới quan sát cho rằng những nỗ lực không mệt mỏi nhằm xây dựng uy tín về độ an toàn, độ bền cũng như giá cả đã giúp Toyota vượt qua GM để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2008. Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang” thì đã xảy ra hàng loạt sự cố khiến uy tín của tập đoàn này bị sứt mẻ nghiêm trọng. Những giọt nước mắt của ông Chủ tịch là điều khá lạ lẫm khi mà các doanh nhân Nhật Bản hiếm khi khóc trước mặt công chúng. Về cơ bản các hãng xe ô tô đều phải một lần thu hồi sản phẩm để sửa chữa hoặc gia cố, nhưng thu hồi với quy mô và số lượng lớn như Toyota thì đây là lần đầu tiên. Đứng từ góc độ chi phí, công sức và thời gian bỏ ra cho việc thu hồi, cuộc khủng hoảng hiện nay là một “cơn ác mộng” thực sự đối với Toyota.
Vũ Hội (Tổng hợp)