Vừa qua, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại được sự ủy quyền của Quốc Vụ Viên (CP) Trung Quốc đã phối hợp phát hành văn bản “Tầm nhìn và hành động chung sức xây dựng vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” gọi tắt là “Một vành đai, một con đường” nêu rõ: “Một vành đai, một con đường” nối liền các đại lục Á, Âu, Phi, một đầu là vành đai kinh tế Đông Á năng động, một đầu là vành đai kinh tế châu Âu phát triển, vùng trung tâm rộng lớn là các quốc gia nằm sâu trong lục địa với tiềm năng phát triển kinh tế cực lớn.
Bản đồ “Con đường tơ lụa” và các tuyến đường biển của Trung Quốc. |
Trọng điểm của “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” trải dài từ Trung Quốc sang Trung Á, Nga cho tới Châu Âu (biển Baltic); từ Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á đến Vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải; từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương. Trọng điểm của “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” xuất phát từ các cảng biển thuộc khu vực Duyên hải Trung Quốc qua Biển Đông tới Ấn Độ Dương và kéo dài đến châu Âu, từ các cảng biển thuộc khu vực duyên hải Trung Quốc qua Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương.
Theo hướng đi của “Một vành đai, một con đường”, vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ sẽ dựa vào con đường quốc tế lớn, lấy các thành phố trung tâm trên tuyến đường làm trụ cột, lấy các khu kinh tế, thương mại và công nghiệp làm nền tảng, cùng tạo ra các hành lang, hợp tác kinh tế quốc tế mới giữa hai đầu của lục địa Á - Âu, Trung Quốc - Mông Cổ - Nga, Trung Quốc - Trung Á - Tây Á, Trung Quốc - Bán đảo Đông Dương; Con đường tơ lụa trên biển sẽ lấy cảng biển quan trọng làm đầu mối, cùng tạo lập nên những tuyến đường vận tải lớn thông suốt, an toàn và có hiệu quả cao. Hai hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar có quan hệ chặt chẽ với việc đẩy mạnh xây dựng “Một vành đai, một con đường”, nên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đạt được những tiến bộ lớn hơn...”.
Kinh tế không phải là động lực duy nhất của dự án “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc? |
Sau khi nêu rõ việc thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc sẽ phát huy ưu thế của các vùng trong nước, thực hiện chiến lược mở cửa tích cực và chủ động hơn, tăng cường hợp tác qua lại giữa Đông - Trung - Tây, văn bản này đi sâu vào việc phát triển các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, vùng Tây Nam, vùng Duyên hải và Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan, vùng Nội địa Trung Quốc và khẳng định: Hơn một năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy xây dựng “Một vành đai, một con đường”, tăng cường trao đổi, bàn thảo với các quốc gia trên tuyến đường, thúc đẩy hợp tác thực chất với các quốc gia, thực thi một loạt biện pháp chính sách, nỗ lực có được thành quả bước đầu.
Về cái gọi là “Một vành đai, một con đường” nói trên của Trung Quốc, Đài RFI ngày 20/5/2015 bình luận: “Kinh tế không phải là động lực duy nhất của dự án “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á để trở thành trung tâm của thị trường với khoảng 3 tỷ dân bao phủ lên các vùng từ Đông Nam Á đến Ấn Độ, sang cả Trung Á và châu Phi...”. Sau khi nêu ra những hoài nghi về các lá bài mà Trung Quốc đang sử dụng để chiêu dụ các quốc gia từ châu Á sang châu Âu tham gia vào kế hoạch này của Bắc Kinh, Đài RFI nói tiếp: “... Bắc Kinh không chỉ bỏ ra 40 tỷ USD để làm sống lại con đường giao thương huyền thoại xưa mà Trung Quốc còn có sáng kiến cùng với 4 nền kinh tế đang trỗi dậy khác là Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thành lập Ngân hàng phát triển BRICS với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD, trong đó Bắc Kinh bỏ ra 41 tỷ USD. Gần đây hơn là dự án thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) cũng với nguồn vốn là 100 tỷ USD. Từ năm 2013, dự án “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc từng bước được hình thành với mục tiêu không hề che giấu của Bắc Kinh là nâng tổng trao đổi thương mại của các bên liên quan đang từ 400 tỷ USD năm 2012 lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đã không để lãng phí thời gian mà đã bắt tay ngay vào việc xây dựng đường cao tốc 213 km, nối liền thành phố Kashgar ở Tân Cương với Erkeshtan của Kyrgyzstan với tổng chi phí lên tới 630 triệu USD. Con đường cao tốc này sẽ còn kéo dài tiếp sang Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Song song với dự án đường cao tốc đó, Trung Quốc còn phát triển hai đề án khác cũng nhằm để mở cửa cho Trung Quốc đến gần với châu Âu. Dự án thứ nhất xuyên ngang Kazakhstan và Nga, dự án thứ hai cũng hướng tới Kazakhstan nhưng xuyên qua lòng biển Caspi.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Mỹ thì lưu ý: “Chúng ta nên cần nhận rõ 3 vấn đề mà Trung Quốc tính toán: Một là khai thông khu vực lạc hậu bên trong. Hai là mở đường qua Tây Vực và Trung Á để tiến tới Trung Đông và châu Âu. Ba là phát triển mạng lưới hàng hải từ quần đảo Indonesia qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương xuống tới châu Phi”. Ông chỉ rõ các mục tiêu chính thức và mục tiêu ngầm của Trung Quốc trong kế hoạch này. Ông viết: “Có 4 mục tiêu chính thức được ông Tập Cận Bình nói ra, rồi khóa họp mới đây của Quốc hội Trung Quốc xác nhận. Đó là: tự do chuyển dịch hàng hóa và cải thiện việc sử dụng tài nguyên; phối hợp và hội nhập chính sách kinh tế với các nước; tăng cường mạng lưới kết nối châu Âu - châu Á - châu Phi và các biển phụ cận; khai thác tiềm năng của thị trường, khuyến khích đầu tư và tạo việc làm. Còn mục tiêu thật (ngấm ngầm) của họ là mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền Trung Quốc trong luồng giao dịch và đầu tư với các nước châu Á. Sâu xa hơn là mục tiêu tăng cường sức mạnh kinh tế với các nước đối tác. Ba là dùng quyền lợi kinh tế mua chuộc các nước để hợp thức hóa sự xuất hiện của Trung Quốc như là một cường quốc biển, trong đó có cả việc hợp thức hóa hành vi chiếm đóng của Trung Quốc ngoài Biển Đông. Và cuối cùng là mục tiêu đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ”.
Về tính khả thi của ý đồ Trung Quốc, các nhà bình luận nhận xét: “Xưa nay Bắc Kinh làm các dự án hạ tầng đều lỗ nặng. Lý do bên trong là do các chính quyền địa phương vay tiền làm ẩu. Với bên ngoài là do các doanh nghiệp Trung Quốc thường làm bậy, các tiêu chuẩn an toàn thấp và rủi ro tín dụng cao nên 90% là mất tiền. Người ta tính ra là từ 2005 đến 2014 có ít nhất 130 dự án thất bại, mất khoảng 200 tỷ USD, bằng 1/3 tổng số đầu tư ra bên ngoài. Chính vì thế, nhiều quốc gia khác cũng e ngại âm mưu bành trướng của Bắc Kinh nên chắc gì họ đã mua dải lụa của Trung Quốc để tự thắt cổ mình sau này”.
XEM PHẦN 1 TẠI ĐÂY