Cách đây 150 năm, lịch sử Mỹ đã chứng kiến một trong những trò lừa đảo “vĩ đại” nhất nhưng lại ít được báo chí nhắc đến. Trò lừa đảo này nhằm mục đích lật đổ Tổng thống Abraham Lincoln và xảy ra vào thời điểm ông đang thực hiện chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai.
Lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Lincoln. |
Ngày 17/2/1864, một “vụ bê bối gây sốc” bị phanh phui. Người ta cho rằng có bằng chứng cho thấy Tổng thống Lincoln có kế hoạch bí mật để giải quyết vấn đề chủng tộc ở Mỹ bằng một chiến dịch vận động quan hệ tình dục chéo giữa các chủng tộc để tạo ra một “chủng tộc Mỹ” mới.
“Quả bom” thông tin này do nghị sĩ Samuel Cox (bang Ohio), người ủng hộ chế độ chiếm hữu nô lệ, tung ra. Bằng chứng mà nghị sĩ này đưa ra là một cuốn sách có tiêu đề “Hôn nhân dị chủng: Lý thuyết pha trộn người Mỹ da trắng và da đen”. Trong cuốn sách, tác giả nặc danh kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa của ông Lincoln, lúc đó là đảng theo chủ nghĩa bãi nô, công khai thừa nhận rằng họ muốn hòa trộn các chủng tộc và đưa việc này vào chương trình nghị sự chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Phát biểu trước quốc hội, nghị sĩ Cox cho biết ông có trong tay nhiều bức thư ủng hộ mà rất nhiều chủ bút các báo theo chủ nghĩa bãi nô gửi cho tác giả viết sách. Theo Cox, cuốn sách có những lý thuyết ghê tởm, xa vời với thế giới và là một cẩm nang bãi nô trong nhiều năm. Ông Cox đã mỉa mai khi vẽ ra viễn cảnh nước Mỹ sẽ có một bộ phụ trách vấn đề lai chủng tộc.
Những tranh cãi không dứt về cuốn sách đã đeo bám suốt chiến dịch tranh cử của Lincoln. Nhắc đến vấn đề pha trộn chủng tộc là người ta nhắc đến Lincoln. Hi vọng tái đắc cử của Tổng thống Lincoln đã trở nên mờ nhạt với vụ bê bối “từ trên trời rơi xuống” này. Đối thủ chính trị của ông Lincoln ở miền bắc không thể hài lòng hơn với vụ bê bối mà trong thực tế, một trong số họ là đạo diễn.
Cuốn sách về hòa trộn chủng tộc là một cuốn sách giả mạo và toàn bộ vụ bê bối là một trò lừa đảo tài tình. Đó là tác phẩm của một người ủng hộ đảng Dân chủ: David Goodman Croly, chủ bút tờ The World - tờ báo ở miền bắc bảo vệ chế độ nô lệ. Ông này được một trong số các phóng viên của mình là George Wakeman hỗ trợ.
Tổng thống Abraham Lincoln. |
Bước đi đầu tiên của Croly là tạo ra một vụ bê bối về pha trộn chủng tộc mà không nhắc đến từ này trực tiếp vì nó dễ khiến những người theo chủ nghĩa bãi nô cảnh giác. Thay vào đó, ông ta dùng một từ không quen thuộc tưởng như vô thưởng vô phạt là “miscegenation” (nghĩa là “hôn nhân dị chủng”). Croly hi vọng nó sẽ kích nổ thùng thuốc súng phân biệt chủng tộc ở miền bắc.
Croly cũng rất khôn ngoan khi đưa “viên thuốc độc” của mình ra dưới dạng sách, một hình thức ưa thích của các cây bút chống chủ nghĩa nô lệ. Sách mỏng kiểu như vậy được coi như một dạng nhật ký thời bấy giờ. Chi phí rẻ và dễ in ấn, sách mỏng đã trở thành công cụ truyền thông đại chúng, truyền bá quan điểm của những kẻ cực đoan, lập dị, vụ lợi.
Trò bịp bợm này đã có tác dụng. Ngay sau khi Croly gửi cho những người theo chủ nghĩa bãi nô cả tin bản sao cuốn sách, tài liệu này ngay lập tức đã đến tay nghị sĩ Cox. Sau đó, kẻ chơi khăm Tổng thống Lincoln chỉ còn việc ngồi và theo dõi.
Nhờ công nghệ phát triển nhanh mà tin tức nóng hổi về cuốn sách lan truyền nhanh chóng trước khi chính quyền của Tổng thống Lincoln biết chuyện gì đang xảy ra. Đối thủ của ông Lincoln ngay lập tức hùa theo. Người ta gọi Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ mà ông Lincoln ký năm 1863 là “Tuyên ngôn hòa trộn chủng tộc”. Rồi sau đó là những bức tranh biếm họa vẽ cảnh ông Lincoln, các nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu và những người theo chủ nghĩa bãi nô đang tán tỉnh phụ nữ da đen.
Vụ bê bối này dường như không thể bị dập tắt mặc dù không phải ai cũng tin vào câu chuyện. Với tâm trạng vô cùng phấn khích, Croly hạn chế nhắc đến nó trong tòa soạn của mình nhiều tuần lễ vì ông ta biết rằng bất kỳ mối liên hệ nào giữa vụ bê bối với tờ The World cũng sẽ khiến dư luận thêm hoài nghi. Ông ta cũng góp phần lan truyền tin đồn về tác giả cuốn sách.
Lúc đó, Theodore Tilton, một trong những người theo chủ nghĩa bãi nô, tỏ ý nghi ngờ tính chân thật của tác giả cuốn sách. Croly đã viết thư trấn an ông này như thể mình là tác giả cuốn sách. Sau đó, Tilton đã thông báo lại với bạn đọc của mình rằng “tác giả cuốn sách đã viết thư đảm bảo sự trung thực tuyệt đối khi trình bày quan điểm với người dân”.
Tranh biếm họa về hôn nhân dị chủng. |
Croly và phóng viên Wakeman đã suýt bị phát hiện gây ra trò lừa đảo khi văn phòng của họ bị binh sĩ liên bang ập vào tìm kiếm một đối tượng lừa đảo khác.
Cuối mùa hè năm 1864, chiến thắng trên chiến trường đột nhiên trở thành cứu tinh cho chiến dịch tái tranh của của Tổng thống Lincoln. Lúc đó, Croly đã gửi cho ông một bản sao cuốn sách với dòng chữ: “Tôi biết rằng vấn đề hòa trộn chủng tộc đã tạo ra định kiến trong số những tâm hồn suy đồi, thấp hèn. Nhưng tôi chắc rằng ngài không còn giải pháp nào khác cho vấn đề người da đen… Tôi mạn phép đề tặng cuốn sách này cho ngài được không?”.
Tổng thống Lincoln đã không bao giờ trả lời bức thư. Mặc dù Nhà Trắng giữ im lặng về vấn đề pha trộn chủng tộc nhưng các nghị sĩ Cộng hòa và những người ủng hộ chủ nghĩa bãi nô đã bác bỏ cáo buộc.
Về phần mình, Tổng thống Lincoln chọn cách nói “nước đôi” về vấn đề hôn nhân dị chủng. Ông còn nói: “Nếu một người đàn ông da trắng muốn kết hôn với một phụ nữ da đen, hãy để anh ta làm điều đó”.
Thông tin cuốn sách về hôn nhân dị chủng là một trò lừa được hé lộ sau khi Linconl trở thành tổng thống nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, kẻ lừa đảo vẫn ẩn danh. Danh tính của họ chỉ xuất hiện sau khi họ đã chết và do đó, tin tức về trò lừa đảo dần chìm vào quên lãng.
Thùy Dương