Khi tin tức về những thương vụ vũ khí béo bở ở Muscat lan truyền về châu Âu, thì các lái buôn vũ khí của Bỉ, Pháp và Đức cũng đổ xô đến nơi mà người Anh đã có sự hiện diện đông đảo. Những tay buôn súng châu Âu này thừa nhận họ không biết vũ khí sẽ rơi vào tay ai mà chỉ biết rằng người Arab có một nhu cầu bất tận về súng đạn.
Súng trường Martini Henry |
Thay vì phụ thuộc vào những chiếc thuyền buồm Arab, các thương lái đã tiết kiệm được khá nhiều công sức kể từ khi Công ty Packet Đức - Mỹ bắt đầu vận hành đội tàu thủy chạy bằng hơi nước ở Vùng Vịnh từ năm 1906. Các đoàn buôn vũ khí Afghanistan thì túc trực đợi thành hàng ở phía bên này của Vùng Vịnh, bên bờ biển Makran thuộc Ba Tư, tức Iran ngày nay.
Vào năm 1907, khoảng 94.000 khẩu Martini-Henry đã được chuyển từ Vịnh Persian vào Afghanistan để bán cho các chiến binh Pathan. Những năm sau đó, ước tính có thêm 30.000 khẩu nữa và 3 triệu viên đạn được nhập vào mỗi năm. Một bằng chứng về mạng lưới buôn bán vũ khí rộng lớn được phát giác khi một số lượng lớn những khẩu súng nạp ở khóa nòng, do chính quyền New South Wales của Australia thải hồi sau Chiến tranh Boer (1899 -1902), xuất hiện tại North-West Frontier mà vẫn còn nguyên tem xuất xứ từ New South Wales. Dòng vũ khí hiện đại này không những đe dọa đến an ninh của khu vực North-West Frontier mà nếu chúng rơi vào tay những phần tử bất đồng chính kiến bên trong Ấn Độ thì rất có thể sẽ thổi bùng làn sóng nổi dậy chống lại sự cai trị của Đế quốc Anh đối với toàn bộ Tiểu lục địa Ấn Độ.
Một đoàn buôn Afghanistan. |
Nhờ khả năng thu thập tình báo tài tình mà Roos-Kepple đã chỉ điểm chính xác cho Chính phủ Ấn Độ con đường vận chuyển vũ khí của một số lái buôn ở North-West Frontier. Đặc vụ của Roos-Kepple ở Khyber đã cho thấy việc tìm hiểu thông tin khó khăn đến dường nào, bởi bộ lạc này đã đề ra hình phạt bắt nộp 2.000 rupee và đốt nhà những kẻ để lộ thông tin liên quan đến phương thức buôn bán đến tai chính phủ. Do đó, việc lấy thông tin trực tiếp là điều không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, đặc vụ này đã tìm hiểu về một chuyến đi buôn của một bộ lạc Pathan có tên Adam Khel Afridi. Bộ lạc này trước đây không màng đến việc buôn lậu vũ khí bởi họ thích tự chế tạo vũ khí của mình hơn. Nhưng công việc làm ăn đó đã bị xói mòn bởi dòng vũ khí ưu việt hơn và rẻ hơn của châu Âu chảy vào địa bàn của họ từ phía bên kia Trung Đông.
Trước chuyến đi, những thương lái giàu có nhất đã gom được tổng cộng 48.000 rupee và 56 thành viên bộ lạc khởi hành vào tháng 9/1908 trong một chuyến hành trình dài. Họ đi theo những nhóm nhỏ tách biệt nhau và giấu tiền trong quần áo. Ở Karachi (Pakistan), một nhóm bị bắt quả tang đang đổi bạc lấy vàng và bị bắt giữ vì tình nghi buôn bán vũ khí. Những nhóm còn lại đến cảng Sohar ở Vịnh Oman rồi tiếp tục chuyến hành trình dài 14 ngày đến Muscat. Và khi đến nơi thì họ nhận thấy mình đang ở giữa lòng một thị trường súng đạn tự do và giá rẻ.
Họ chọn súng, trả tiền, bó thành từng bó, nhưng không được mang hàng về. Các con buôn ở Muscat bảo các thành viên bộ lạc Adam Khel hãy để súng lại và đến một địa điểm ở bờ bên kia Vịnh Oman nơi nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Ba Tư. Tại đó, họ có thể phải đợi đến 3 tháng trước khi nhận được lô hàng quý giá của mình. Các thành viên bộ lạc Pathan chắc hẳn đã rất bất an với phương án như vậy ở một khu vực vốn nổi tiếng là vô luật pháp này. Nhưng họ không có nhiều lựa chọn. Các lái buôn Muscat nói rằng sự chậm trễ là cần thiết để đề phòng những kẻ tìm cách phá hoại công việc làm ăn.
Nhóm bộ lạc Adam Khel đã làm đúng như những gì họ được dặn dò, tìm một địa điểm bên bờ biển Ba Tư nơi người dân sinh sống trong các hang động và có thể bán lạc đà cho họ. Sau khi đợi khoảng 2 tuần, những chiếc thuyền sử dụng mái chèo xuất hiện chở theo lô vũ khí được ngóng trông từng giờ. Các thành viên Afridi đã thở phào nhẹ nhõm và hết sức ấn tượng với cách làm ăn trung thực của người Muscat. Với các bó súng buộc trên lưng lạc đà, đầu tháng 1, đoàn buôn lại bắt đầu một hành trình tiếp theo trên bộ đến Cabul.
Ròng rã suốt 4 tháng liền, đoàn buôn vấp phải muôn vàn khó khăn về đi lại và ăn uống, nhưng may mắn nhất là họ không bị bất cứ kẻ xấu nào tấn công. Có những lúc họ không có nước uống trong 3 ngày liền nhưng rốt cuộc vẫn về đến được Cabul. Tổng cộng nhóm bộ lạc Adam Khel mang về khoảng 1.100 khẩu súng trường và 120 khẩu súng lục. Ở Muscat, họ mua một khẩu Mauser do Đức sản xuất với giá chỉ 80 rupee nhưng bán lại được tới 320 rupee tại North-West Frontier. Giá bán 55 rupee một khẩu Martini-Henry của Anh ở Muscat được đội lên 200 rupee.
Chi phí cho việc nhập khẩu mỗi vũ khí được ấn định ở mức chênh lệch khoảng 20 rupee so với giá bán ở Muscat. Sự thành công của thương vụ mạo hiểm này đã khiến các thành viên Adam Khel hết sức hào hứng và họ lại lên kế hoạch về một phi vụ tương tự với quy mô lớn hơn vào mùa thu tới.
Như vậy hoạt động buôn lậu súng đạn đã biến tướng thành một “cơn sốt vàng”. Nhà chức trách phải làm một điều gì đó để ngăn chặn xu hướng này. Và vào năm 1909, Chính phủ Ấn Độ đã có hành động quân sự, sau khi nắm bắt được những thông tin như của Roos-Keppel.
Huy Lê (Mời xem thêm trên trang web: baotintuc.vn)
Đón đọc kỳ tới: Bộ mặt giả tạo