Năm 1973, việc đóng chiếc tàu Glomar Explorer (viết tắt của chữ Global Marine Explorer - Thám hiểm biển toàn cầu) đã được hoàn thành ở Pennsylvania, có chỗ cho 180 thủy thủ và một tháp khoan đặc biệt, có thể nối các đoạn mũi khoan với nhau thành một trục dài trên 5.000 mét, để có thể chuyển những hàng hóa bí mật lấy được trong chiếc tàu đắm lên tàu. Trước khi tàu Glomar di chuyển với khu vực hoạt động, để ngụy trang, nó tiến hành một số chuyến đi, trong đó huấn luyện việc xử lý các vật liệu phóng xạ.
Bên cạnh tháp khoan, tàu Glomar Explorer có hai thiết bị đặc biệt có thể hạ xuống theo chiều thẳng đứng. Chức năng bí mật của nó là có thể kéo những đồ vật lớn từ đáy biển lên mặt nước. Để cố định vị trí của chiếc tàu ngầm bị đắm, ở bờ biển phía tây, hãng sản xuất vũ khí Lockheed, không có quan hệ gì với xưởng đóng tàu ở Pennsylvania, đã chế tạo một chiếc móng vuốt khổng lồ, được đặt tên là "Clementine". Chiếc móng vuốt "Clementine" sẽ được thả xuống để cặp vào chiếc tàu ngầm đã bị vùi một phần xuống đáy biển và kéo nó lên khỏi chỗ bùn đất. Chiếc móng vuốt được hỗ trợ bằng thủy lực, có khả năng chịu được áp lực ở độ sâu 5.000 mét, có một camera và động cơ điều khiển để những người trên tàu có thể quan sát mục tiêu.
Để có thể lắp chiếc móng vuốt khổng lồ vào chiếc tàu mà người ngoài không nhìn thấy, người ta đã phải làm riêng một chiếc nhà nổi như nhà chứa máy bay để chở nó tới, nhằm che mắt các vệ tinh do thám. Không những thế, chiếc nhà nổi này được thiết kế để khi cần có thể lặn xuống cùng với lô hàng bí mật bên trong.
Đầu năm 1974, khi chiếc tàu Glomar Explorer được đưa tới Long Beach, chiếc nhà nổi cũng được người nhái hộ tống cho lặn xuống đáy biển. Trong đêm, chiếc tàu được định vị trên chiếc nhà nổi và bí mật tiếp nhận chiếc móng vuốt khổng lồ. Từ một chiếc tàu "nghiên cứu", Glomar Explorer đã trở thành một chiếc tàu trục vớt của CIA mà người ngoài không thể quan sát được.
Tháng 5/1974, mọi thử nghiệm trên tàu Glomar đã hoàn tất. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Richard Nixon muốn chờ cho qua cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Chủ tịch Liên Xô Leonid Brezhnev, vì không muốn việc bí mật trục vớt con tàu quân sự đối phương có thể làm ảnh hưởng tới cuộc gặp này. Việc trục vớt trộm một con tàu quân sự bị đắm với tên lửa hạt nhân như vậy chẳng khác gì một vụ cướp mộ thời hiện đại.
Tháng 6/1974, một vụ trộm bí ẩn đã xảy ra ở trụ sở công ty trước đây của Howard Hughes tại Los Angeles, nơi ông ta cất giữ tài liệu lưu trữ. Vì trước hết là tài liệu bị mất trộm, nên CIA sợ rằng những thông tin về con tàu Glomar cũng bị tiết lộ. Những người có trách nhiệm vô cùng lo lắng vì chiến dịch tốn kém nhất trong mọi thời đại của CIA có thể bị phanh phui với Liên Xô và dư luận trước khi nó được bắt đầu, như nhiều chiến dịch trước đây của CIA.
Nhưng vụ trộm có lẽ do nội bộ thực hiện, mà việc điều tra xem chừng đã bị ngăn cản từ bên trên. Ông tỉ phú mờ ám Hughes ngay trước đó đã bị tòa án ra phán quyết phải đưa ra những tài liệu, nhưng những tài liệu đó đã bị đánh cắp. Người gác cổng sau này thú nhận là đã lấy một tài liệu về tàu Glomar, nhưng sau đó đã thiêu hủy, một điều cũng khó tin.
Cho dù có nhiều điều cho thấy là một tài liệu như vậy không hề tồn tại, nhưng trên thực tế, Liên Xô cũng có nghe phong thanh về kế hoạch trục vớt tàu K-129 và thậm chí biết tới mật danh "Jennifer", mà một nhóm lên kế hoạch đã sử dụng cho chiến dịch bí mật này. Nhưng KGB xem chừng không tin lắm lời chỉ điểm này, vì cho rằng không thể trục vớt con tàu ngầm từ độ sâu 5.000 mét. Có lẽ họ cũng không biết hoặc không ngờ tới sự tồn tại của chiếc móng vuốt khổng lồ để trục vớt con tàu.
Ngày 4/7/1974, tàu Glomar đã đi tới vị trí bên trên chiếc tàu K-129 bị đắm để thả chiếc móng vuốt bí mật xuống nước. Các nhà sử học đã xác định được vị trí này nhờ một con tàu Anh, do một trường hợp cấp cứu y học đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của tàu Glomar, nhưng không biết tới sứ mạng bí mật của nó.
Nhưng các vị khách không mời khác cũng xuất hiện. Đó là con tàu Chazhma của Nga xuất hiện vào ngày 18/7, sử dụng máy móc quang học từ một máy bay lên thẳng để xem xét con tàu nghiên cứu bất thường này. Vì lý do an ninh, thuyền trưởng tàu Glomar đã cho phong tỏa bãi đỗ dành cho máy bay lên thẳng, nhằm ngăn cản phía Liên Xô cho máy bay đổ bộ xuống con tàu. Nhưng phía Liên Xô chỉ phát ra tín hiệu quang học để hỏi về trang thiết bị của con tàu và sứ mạng của nó và người ta đã trả lời theo đúng câu chuyện được bịa ra ban đầu. Chiếc tàu Chazhma xem chừng không thắc mắc gì nên đã quay đi.
Nhưng ngày 22/7, một con tàu khác của Nga lại xuất hiện với vẻ bề ngoài là con tàu dân sự SB-10. Trước mắt các thủy thủ Mỹ là hai phụ nữ không mặc quần áo xuất hiện trên chiếc tàu Nga, một mẹo thông thường của cơ quan mật vụ, khi muốn tạo điều kiện cho những nhà chụp ảnh giấu mặt có được những bức ảnh chính diện của điệp viên đối phương. Nhưng những người trên tàu Nga xem chừng không hình dung được việc người ta muốn trục vớt một tàu ngầm ở độ sâu 5.000 mét như thế nào. Con tàu lạ cứ tò mò tiến sát tới con tàu Glomar làm cho nó phải dùng đèn pha chiếu lại làm lóa mắt. Thậm chí con tàu SB-10 thả cả thợ lặn xuống nước, làm cho tàu Glomar phải làm động tác tránh. Cuối cùng, con tàu Nga cũng chia tay mà không mường tượng được là chỉ vài nghìn mét dưới "con tàu nghiên cứu", chiếc "lưỡi câu" lớn nhất của mọi thời đại đang chuẩn bị bắt con mồi của mình.
Vũ Long (tổng hợp từ truyền hình và báo chí Đức)
Đón đọc kỳ cuối: Hành động mờ ám bị phanh phui