Cuộc đời của “tiểu” Madoff

Cuộc đời của “tiểu” Madoff - Kỳ II: Những cái bẫy ngọt ngào

Kỳ II: Những cái bẫy ngọt ngào

Vẻ mặt tươi cười che giấu một âm mưu lừa đảo.

Trong suốt 22 năm điều hành "quỹ đặc biệt", McLeod không bị mảy may nghi ngờ. Anh ta nói với chính phủ rằng anh ta là một chuyên gia nổi tiếng về hệ thống hưu trí liên bang và kiếm được vài nghìn USD cho mỗi lần thuyết trình tại hội thảo về kế hoạch hưu trí cho các nhân viên chính phủ. Thậm chí, Bộ An ninh Nội địa và cơ quan thuế còn trả anh ta 15.000 USD cho một hội thảo. Theo tài liệu tiếp thị, McLeod đã thực hiện 250 bài thuyết trình cho các cơ quan chính phủ từ năm 2006. Trong những năm gần đây, McLeod cho biết, do ngân sách liên bang eo hẹp nên anh ta đã thuyết trình miễn phí. Lý do là vì tại hội thảo anh ta có thể gặp các nhà đầu tư tiềm năng của mình.

Trong những ngày đầu mới thành lập các doanh nghiệp riêng gồm Công ty quản lý tài sản F&S (FSAMG) và Công ty quản lý quỹ phúc lợi nhân viên liên bang (FEBG), nhờ tài khoác lác "một tấc đến giời" mà McLeod đã thuyết phục được nhiều người bỏ tiền đầu tư.

McLeod thường gặp các nạn nhân của mình khi đi thuyết trình tại các hội thảo hưu trí. Những người đến hội thảo lắng nghe McLeod rất chăm chú để học cách tiết kiệm tiền chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ hưu.

Với cách thuyết trình vui vẻ, lôi cuốn, sinh động cộng với một vẻ ngoài giống một cảnh sát, McLeod đã chiếm được lòng tin của những người ở hội thảo. Nếu khán giả nào có câu hỏi, McLeod sẽ ngay lập tức "nhử" họ bằng cách đưa ra thêm thông tin hữu ích rồi "câu" họ vào công ty của mình. Anh ta phát miễn phí cho họ tài liệu, sách giới thiệu về quỹ FEBG. Nếu họ vẫn muốn biết thêm thông tin, McLeod sẽ sẵn lòng phân tích toàn bộ danh mục đầu tư cho họ, tất nhiên là với mức phí 300 USD.

Khi nhà đầu tư lún sâu hơn vào cái bẫy của McLeod, họ sẽ được anh ta mời tham gia vào quỹ quản lý hưu trí này. Sau này, anh ta thú nhận với cơ quan chức năng rằng anh ta đã vẽ ra mọi thứ mà nhà đầu tư muốn nghe. Anh ta cam kết số tiền họ gửi sẽ có lãi suất hàng năm là 8% hoặc 10%/năm cho thời hạn ba năm và hoàn toàn miễn thuế. Còn nếu gửi tiền đầu tư dài hạn, họ có thể hưởng lãi suất lên tới 13%/năm.

Biểu tượng và tiêu chí hoạt động của quỹ lừa đảo FEBG.


Với những lời hoa mỹ, nhà đầu tư có cảm giác quỹ FEBG là một cái máy in tiền cho họ. McLeod còn dẫn các nhà đầu tư vào một mê cung rối rắm khi nói rằng số tiền của họ sẽ không được sử dụng trong 8 năm và hàng quý, tiền trả lãi suất sẽ được chuyển thẳng vào số tiền họ gửi để tăng mức đầu tư. Thực tế, tiền lãi của nhà đầu tư thay vì làm đầy tài khoản của họ lại chảy vào túi của McLeod.

Một trong những nạn nhân của McLeod là ông Kurt Coront, nhân viên DEA - người mà McLeod gặp tại hội thảo năm 1998 ở thành phố Lake Tahoe, bang Nevada. Sau khi bị McLeod dụ dỗ với khoản lãi suất 10%/năm miễn thuế, Coront gửi 11.000 USD vào FEBG. Về sau, do hoàn toàn tin tưởng McLeod, ông đã gửi gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm khoảng nửa triệu USD cho McLeod. Nghe theo lời tư vấn của McLeod, ông quyết định về hưu sớm và chuyển toàn bộ tài khoản vào FEBG. Sự việc bắt đầu hé lộ khi ông Coront cần rút tiền trước thời hạn vì muốn giúp con gái vốn liếng để mở công ty riêng. McLeod trả lời rằng đến năm 2013 ông mới có thể rút toàn bộ tiền. Thư từ qua lại đôi co với McLeod đã khiến Coront sinh nghi.

Douglas Garner, Giám đốc bộ phận phòng không thuộc Cơ quan hải quan và biên phòng, cũng là một nạn nhân của McLeod. Garner từng tham gia 5 hội thảo của McLeod. Sau khi bán nhà năm 2003, Garner nhờ McLeod tư vấn về khoản tiền lãi bán nhà và ngay lập tức ông “cắn” mồi FEBG. Chỉ sau một năm, Garner đã tin tưởng và giao toàn bộ tiền cho McLeod, khoảng 200.000 USD. Ông còn thuyết phục bố mình đầu tư 600.000 USD vào FEBG. Garner lúc nào cũng tin rằng số tiền của mình ngày đêm đang sinh lời trong FEBG. Mãi đến khi sự việc vỡ lở và McLeod tuyên bố đóng “quỹ đặc biệt”, Garner mới tỉnh ngộ.

Thùy Dương (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Cái kim trong bọc 22 năm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN