Ngay cả khi McDonnell Douglas F-4 Phantom II được phát triển như là một loại máy bay đánh chặn để đáp ứng với nhu cầu của Hải quân Mỹ trong việc bảo vệ tàu sân bay của họ, phiên bản cuối cùng của nó là chiếc F- 4E, một loại máy bay chiến đấu đa năng, đã được bán cho một số lực lượng không quân trên thế giới. Một trong những nước nhận được chiếc F- 4E là Israel. Nước này đã mua những chiếc đầu tiên vào năm 1969 và sau đó nó trở thành trụ cột của Không quân Israel trong tất cả các cuộc xung đột lớn giữa Arập-Israel.
Năm 1973, trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, Không quân Israel (IAF) phải đương đầu với một lực lượng không quân liên minh Arập, không chỉ với các phi đội máy bay chiến đấu Ai Cập và Syria , mà còn có các đơn vị đến từ Algeria, Iraq, Libya và ... CHDCND Triều Tiên với một phi đội MiG-21 được triển khai đến Bir Arida để bảo vệ miền nam Ai Cập.
Rõ ràng, vào thời điểm đó, các phi công của IAF đã không biết rằng họ sẽ phải đối mặt với một số máy bay MiG đến từ Triều Tiên. Tuy nhiên, cuộc đụng độ đầu tiên của họ với máy bay Triều Tiên đã diễn ra vào ngày 6/10/1973, khi 2 chiếc F- 4 Kurnass (Sledgehammer) từ hai phi đội 69 và 119 của Israel cất cánh từ căn cứ không quân Ramat David để thực hiện nhiệm vụ tuần tra kênh đào Suez. Những chiếc F -4 trên được điều khiển bởi các phi công Shadmi và Gur trên máy bay thứ nhất và Shpitzer và Ofer trên chiếc còn lại.
Sau cuộc tuần tra dài, những chiếc máy bay của Israel đã gần cạn nhiên liệu và các phi công điều khiển chiếc F-4 của mình hướng về phía tây-tây bắc Ai Cập. Ở độ cao khoảng 7-8km, đột nhiên Gur phát hiện trên màn hình radar xuất hiện 2 máy bay địch ở phía dưới nhưng rất khó để khóa mục tiêu. Nhờ vào Hệ thống Can thiệp Kiểm soát Mặt đất (GCI), các phi công Israel đã theo dấu hai chiếc máy bay địch và đưa chúng vào tầm ngắm của tên lửa AIM-7. Tuy nhiên, do thời tiết xấu và không quan sát được máy bay yểm trợ nên họ quyết định không phóng tên lửa Sparrow.
Chỉ vài giây sau đó, phi công của 2 chiếc F-4 đã xác định mục tiêu là 2 chiếc MIG-21 và ngay lập tức bám sát mục tiêu. Nhưng sau đó, một chiếc MIG-21 đã bay mất dạng, chỉ còn một chiếc và trong tình thế 1 chọi 2, trong khi 2 chiếc máy bay chiến đấu F-4 khác thuộc phi đội 119 của Israel cũng đang bay ở phía trên.
Máy bay chiến đấu MIG-21. |
Mặc dù vậy, viên phi công Triều Tiên bất chấp việc phải một mình chống lại 2 chiếc F4, vẫn tìm cách làm giảm tốc độ trận không chiến. Nhưng 2 máy bay của Israel vẫn duy trì tốc độ cao, máy bay của Shadmi và Gur phóng ra một quả tên lửa AIM-9D. Tiếp đó họ phóng 1 quả Sidewinder, và 2 phi công yểm trợ bồi thêm một quả AIM-9D nữa.
Tất cả những tên lửa này đều nổ ở cự ly rất gần với chiếc MiG-21, nhưng nó vẫn tiếp tục bay. Lúc này, những chiếc F-4 của Israel đã gần cạn nhiên liệu và họ buộc phải quay về căn cứ. Trong khi bay về phía tây, phi công Gur quan sát chiếc MIG và phát hiện ra một vệt khói trắng phụt ra từ đằng sau chiếc máy bay này. Sau khi vượt qua bờ biển, đột nhiên Gur trông thấy một quả tên lửa SAM xuất kích và sau đó là một vụ nổ xuất hiện ở độ cao hơn 6km: Quân đội Ai Cập đã bắn rơi chiếc MIG-21 này.
Sau khi hạ cánh, các phi công của Israel đã trao đổi với nhau và báo cáo sự việc lên cấp trên của họ. Lực lượng tình báo Israel cũng đã xác nhận rằng Ai Cập đã bắn hạ máy bay đồng minh của mình. Nhưng chỉ sau khi chiến tranh kết thúc, Israel mới biết chiếc máy bay bị bắn hạ này là của Triều Tiên.
CT(Aviationist)