Trong một thời gian ngắn sau khi xuất hiện, IS đã khiến các kẻ thù của nhóm này hoảng loạn, làm đảo lộn chiến lược của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Tháng 6/2014, IS bắt đầu xây dựng thành trì của chúng tại Syria rồi xâm nhập và đẩy lui quân đội Iraq trước khi chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn ở hai nước này.
Hướng dẫn về chương trình do thám của phương Tây bằng đồ họa trong video nhóm Al Qaeda đăng tải. |
Sự nổi lên của IS đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama phải tìm kiếm một vai trò lớn hơn về quân sự tại Iraq và Syria. Ngay cả với nhiều quốc gia Arab, nơi IS chưa thực sự hiện diện, sự nổi lên của thế lực này đã khiến một bộ phận dân chúng trở nên cực đoan, gây ra tình trạng chia rẽ giáo phái và làm bức tranh an ninh khu vực đậm màu xám.
Nhưng có một nhân vật mà sự nổi lên của IS là một sự đe dọa mang tính sống còn: Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh toàn cầu của Al Qaeda. Mặc dù viên thủ lĩnh của mạng lưới Al Qaeda có thể bày tỏ vui mừng trước sự nổi lên của một nhóm thánh chiến Hồi giáo mạnh, lấy việc chặt đầu các con tin phương Tây làm niềm vui, nhưng sự xuất hiện của IS là một nguy cơ với “ngôi vương” trong lực lượng thánh chiến toàn cầu của Al Qaeda.
Sự kiện đánh dấu chính thức sự chia rẽ trong phong trào thánh chiến Hồi giáo là khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi phủ nhận quyền lực của Al Qaeda và sau đó thành lập Caliphate (Vương quốc Hồi giáo). Nay, hai nhóm khủng bố đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo phong trào này, hơn thế cuộc đối đầu còn là để đấu tranh cho “triết lý” của mỗi bên.
Bên nào sẽ giành được chiến thắng còn chưa rõ. Tuy nhiên, hệ lụy của cuộc nội chiến này, cũng như sự đối đầu kéo dài giữa hai phe sẽ là rất sâu sắc đối với khu vực Trung Đông và phương Tây. Cuộc chiến cũng góp phần định hình các mục tiêu tấn công của phong trào thánh chiến, khả năng thực hiện và trên hết là sự ổn định tại Trung Đông. Phương Tây có thể lợi dụng sự chia rẽ này để giảm mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và làm suy yếu phong trào thánh chiến.
Al Qaeda nổi lên từ cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980. Khi Liên Xô chuẩn bị rút quân, Osama bin Laden và một số ít những trợ lý thân cận đã quyết định lợi dụng mạng lưới mà chúng đã xây dựng để tiến hành cuộc thánh chiến toàn cầu.
Tầm nhìn mà Bin Laden vạch ra cho Al Qaeda lúc đó là tạo ra một lực lượng tiên phong các chiến binh tinh nhuệ có thể dẫn dắt cuộc thánh chiến toàn cầu. Mục tiêu của trùm khủng bố này là tập hợp hàng trăm nhóm thánh chiến nhỏ lại dưới một lá cờ duy nhất. Đến giữa những năm 1990, Bin Laden muốn tái định hướng cho toàn bộ phong trào thánh chiến, tập trung vào cái mà tên này xem là một kẻ thù lớn hơn: Mỹ.
Việc Al Qaeda tập trung vào việc chiến đấu với “kẻ thù xa” (Mỹ) hơn là “kẻ địch ở gần” (các chính quyền trong thế giới Hồi giáo) đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược của lực lượng thánh chiến toàn cầu. Nhưng với các chiến binh thánh chiến địa phương, việc tuyên bố trung thành với Bin Laden và chấp thuận đứng dưới lá cờ Al Qaeda đồng nghĩa với việc được tiếp cận với rất nhiều nguồn lực: tiền bạc, vũ khí, hỗ trợ hậu cần, huấn luyện chuyên gia.
Các trại huấn luyện của Al Qaeda đã trở thành cái nôi của hoạt động đào tạo thánh chiến nổi tiếng toàn cầu. Với các phần tử thánh chiến đang phải đối mặt với án tử của các chính quyền, chúng đơn giản chỉ cần gia nhập Al Qaeda, đồng ý chiến lược chống phương Tây của tổ chức và xoay sở để sống sót sau các cuộc chiến.
Các vụ đánh bom hai đại sứ quán Mỹ ở châu Phi và vụ tấn công 11/9 bên trong lãnh thổ Mỹ đã biến Al Qaeda thành một thế lực thánh chiến có sức hút mạnh mẽ. Vụ khủng bố 11/9 đã tiếp nhuệ khí cho phong trào thánh chiến toàn cầu và nâng tầm của Al Qaeda trên thế giới, mặc dù đòn đáp trả của Mỹ sau đó đã tiêu diệt đáng kể sinh lực Al Qaeda và phong trào thánh chiến Hồi giáo mà lực lượng này lãnh đạo.
Các nguồn tài chính bị cắt đứt, các trại huấn luyện bị phá hủy, mạng lưới liên lạc của Al Qaeda bị tình báo Mỹ cài người và phá hủy đáng kể khả năng hoạt động từ bên trong. Cùng với cái chết của trùm khủng bố Bin Laden và việc một nhân vật ít có sức thu hút hơn là Ayman al-Zawahiri ngồi vào vị trí thủ lĩnh toàn cầu của mạng lưới đã làm suy yếu sức mạnh của “thương hiệu” Al Qaeda.
Ngày 4/3, các nguồn tin thân cận với Mặt trận Al Nusra (chi nhánh chính thức của Al Qaeda tại Syria) cho biết các thủ lĩnh của nhóm này đang cân nhắc việc cắt đứt liên hệ với Al Qaeda để thành lập một tổ chức mới được một số quốc gia vùng Vịnh hậu thuẫn nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Động thái có thể đưa Mặt trận Al Nusra từ một nhóm du kích không có tiềm lực thành một lực lượng có khả năng cạnh tranh với IS. Giới chức tình báo cho hay các nước vùng Vịnh, trong đó có Qatar, đã gặp gỡ thủ lĩnh của Nusra, Abu Mohamad al-Golani, vài lần trong những tháng gần đây để khuyến khích tên này từ bỏ Al Qaeda và thảo luận về việc tài trợ cho nhóm này.
Một nguồn tin gần gũi với Bộ Ngoại giao Qatar xác nhận nước này muốn Nusra trở thành một tổ chức hoàn toàn của Syria, không liên hệ với Al Qaeda. Muzamjer al-Sham, một nhân vật thánh chiến thân cận với Al Nusra và các nhóm Hồi giáo tại Syria, cho hay: “Cái tên Nusra sẽ bị bỏ và sẽ tách khỏi Al Qaeda nhưng không phải tất cả các thủ lĩnh của Nusra đều đồng ý, do vậy thông báo (chính thức) chưa được đưa ra. Một tổ chức mới sẽ sớm được thành lập, trong đó có Nusra và Jaysh al Muhajereen wel Ansar (một nhóm nhỏ gồm các chiến binh địa phương và ngoại quốc do một thủ lĩnh người Chechnya đứng đầu) cùng một số lữ đoàn nhỏ khác”.
Một trong những mục tiêu của tổ chức mới sẽ là chống lại IS. Nusra từng là một nhóm chiến binh mạnh nhất tại Syria, song sau đó đã suy yếu khi đa số thủ lĩnh và chiến binh của nó bỏ theo Baghdadi để thành lập IS. Sau đó, IS đã giết hại rất nhiều thủ lĩnh còn lại của Nusra, tịch thu vũ khí, chiếm lãnh thổ và buộc các thủ lĩnh của Nusra đi vào hoạt động bí mật. |
Đón đọc kỳ tới: IS và cuộc chia tay cay đắng với Al Qaeda
Thái Nguyễn (
Theo Reuters, CFR)