Nỗi đau từ những cái chết không sáng tỏ
Thời gian cứ vùn vụt trôi, còn kẻ giáng họa vào gia đình Charlie thì vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Thậm chí, hắn còn tiếp tục ra tay sát hại thêm nhiều người khác. Danh sách nạn nhân cứ mỗi ngày một dài thêm. Ba tháng sau ngày bố, mẹ và hai em Charlie bị giết, số phận nghiệt ngã lại nhằm vào Kathryn Bright và tiếp đó là Shirley Vian (3/1977), Nancy Fox (12/1977), Marine Hedge (1985), Vicki Wegerle (1986), Dolores Davis (1991). Tất cả họ đều đi bị hãm hại theo cùng một cách thức: bị kẻ thủ ác trói, tra tấn và sau đó là giết chết nạn nhân. Cái tên "Kẻ giết người BTK" (BTK Killer) tràn ngập trên các mặt báo ở bang Kansas.
Ở thành phố Wichita, trong khi "Kẻ giết người BTK" chưa sa lưới, cảnh sát đành phải khuyến cáo người dân không nên mở cửa cho người lạ mặt vào nhà, phối hợp với một số nhà xuất bản ấn hành sách hướng dẫn các biện pháp phòng thân để phát cho dân chúng. Bóng ma "Kẻ giết người BTK" bao trùm, không chỉ khiến cư dân thành phố Wichita không dám ra ngoài ban đêm và hễ về nhà là kiểm tra ngay đường dây điện thoại nhà mình có bị cắt không, mà còn làm tăng đáng kể doanh số bán ra của các cửa hàng bán thiết bị an ninh. Như thể thách thức cảnh sát, "Kẻ giết người BTK" còn viết thư gửi sở cảnh sát Wichita miêu tả tỉ mỉ hiện trường vụ án và quá trình sát hại nạn nhân của mình. Cái tên "Kẻ giết người BTK" càng trở nên nổi tiếng.
Đối với Charlie, sau cái ngày rùng rợn trong tháng 1/1974 đó, chàng trai trẻ không còn là mình nữa, thái độ nhẹ nhàng, hòa đồng trong đối xử với mọi người biến mất, thay vào đó là tính nóng nảy và sự bẳn gắt. Đến khi cảnh sát thông báo rằng hung thủ gây ra cái chết cho 4 thành viên trong gia đình anh là một kẻ biến thái về tâm lý, Charlie như phát điên và không thể chấp nhận sự thật đó. Charlie vẫn nghĩ rằng đằng sau cái chết của cha, mẹ và hai em của mình ẩn giấu một bí mật lớn. "Tôi không tin một người bình thường lại có thể sát hại một lúc tới 4 mạng người. Cần biết rằng, cha tôi đã phục vụ trong quân đội hơn 20 năm…", Charlie đã thổ lộ như vậy với tờ Reader's Digest.
Các nạn nhân của "Kẻ giết người BTK". |
Từ chỗ làm thay đổi tính cách, một lần nữa, "Kẻ giết người BTK" lại làm thay đổi cuộc sống của Charlie. Tháng 10/2001, trong một lần cãi nhau với vợ, Charlie đã với lấy chiếc giá treo quần áo, chẹn chặt cổ vợ. Đến khi thấy bọt mép sùi ra từ miệng vợ, Charlie mới bừng tỉnh, bỏ tay ra, nhưng thế đã là quá đủ để khép Charlie vào tội cố ý gây thương tích cho người khác. Tòa tuyên án Charlie 44 tháng tù giam. Trong trại giam, Charlie đã cố gắng rất nhiều, được cho đi học lớp lập trình vi tính.
Tháng 3/2004, nghĩa là tròn 30 năm sau lần xuống tay đầu tiên, "Kẻ giết người BTK" lại xuất hiện. Trưa hôm đó, Charlie đang ngồi ăn, đột nhiên bị một người bạn tù vỗ vào vai: "Charlie, nhìn nhanh lên. Mẹ cậu đang ở trên ti vi". Thì ra "Kẻ giết người BTK" thấy cảnh sát không còn kiên nhẫn phá án liền viết thư gửi sở cảnh sát Wichita và báo Wichita Eagle, ghi rõ hắn sinh năm 1939, từng phục vụ trong quân đội vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Đồng thời, "Kẻ giết người BTK" còn cho biết, hắn có quen một người phụ nữ tên là Pietra. Em gái của Pietra là Tina. "Kẻ giết người BTK" còn công bố một phần thông tin về quá trình hạ sát Vicki Wegerle năm 1986 kèm theo ảnh chụp thi thể, bản sao bằng lái xe của người bị nạn. Dường như, "Kẻ giết người BTK" muốn lôi các nhà chức trách vào cuộc chơi "giải câu đố" mà phần thưởng chính là hắn. Nhân dịp này, đài truyền hình liền điểm qua những vụ án mạng mà "Kẻ giết người BTK" đã gây ra. Chính vì thế, Charlie đã nhìn thấy mẹ mình trên ti vi. Nỗi đau một lần nữa bị xới lên. Nhưng lần này, Charlie đã tin rằng kẻ gây thảm họa cho gia đình mình là "Kẻ giết người BTK". Ngay chiều hôm đó, Charlie tới phòng tập quyền anh, trút sự tức giận của mình vào bao cát. Charlie không nhớ mình đã đấm bao nhiêu phát vào bao cát, nhưng chắc chắn rằng rất mạnh mà không hề cảm thấy đau.
Sáng hôm sau, Charlie viết thư cho chuyên mục pháp luật "Truy nã tội phạm nguy hiểm nhất nước Mỹ" của đài truyền hình Fox cho biết mình là người thân của bốn trong số 10 nạn nhân của "Kẻ giết người BTK". Chuyên mục "Truy nã tội phạm nguy hiểm nhất nước Mỹ" nhanh chóng cử người đến trại giam ghi hình Charlie cùng câu chuyện quá khứ cũng như những nỗi đau về tâm lí mà Charlie đã phải trải qua kể từ sau khi gia đình mình gặp thảm cảnh. Sau khi câu chuyện của Charlie được phát đi, "Kẻ giết người BTK" đã gửi thêm 9 bức thư cùng một số đồ trang sức mà hắn lấy của nạn nhân tới cảnh sát và cơ quan truyền thông đại chúng địa phương. Sau hơn 30 năm im lặng, "Kẻ giết người BTK" một lần nữa gieo rắc sự sợ hãi khắp thành phố Wichita. Người dân lại đổ đi mua các thiết bị an ninh.
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Sai lầm chết người của tên sát nhân