Vào ngày 29/6/2017, tờ Times of Israel đưa tin: “Công nghệ mới tiết lộ đường hầm thoát khỏi Holocaust bị lãng quên ở Litva”. Truyền thông trên khắp thế giới đưa tin về phát hiện này, bao gồm cả BBC và New York Times. Đường hầm được phát hiện cùng lời kể của các nhân chứng sống đã tái hiện được cuộc tẩu thoát kỳ tích trong quá khứ.
Không lâu sau bình minh một ngày tháng 1/1944, một chiếc xe tải quân sự của phát xít Đức rời trung tâm Vilnius (Litva) và chạy theo hướng Tây Nam về phía các thị trấn bao quanh thành phố. Tới gần làng Ponar, chiếc xe dừng lại và một thanh niên 18 tuổi nhợt nhạt bị xích ở mắt cá chân có tên Motke Zeidel được dẫn ra khỏi thùng xe.
Cả 2 năm trước đó, Zeidel sống trong biệt khu (ghetto) người Do Thái có tường bao quanh ở Vilnius do Đức quốc xã chiếm đóng. Anh đã chứng kiến Đức quốc xã đưa hàng trăm và sau đó là hàng nghìn người Do Thái bằng tàu hỏa, xe tải hoặc đi bộ đến một trại tập trung trong rừng. Một số ít người đã trốn thoát khỏi trại và kể lại những gì họ chứng kiến tận mắt: những hàng người cả đàn ông và phụ nữ bị bắn bằng súng máy ở cự ly gần, các bà mẹ cầu xin cho sinh mạng của những đứa con, những hố đất sâu chất đống thi thể và một cái tên: Ponar.
Bây giờ lính Đức Quốc xã dẫn Zeidel qua hai cánh cổng và ngang qua tấm biển: “Cấm vào. Nguy hiểm tính mạng. Có nhiều mìn”. Qua khoảng trống giữa những cây thông, anh nhìn thấy các hố chôn cất. Zeidel tự nhẩm: "Đây là nó. Đây là kết thúc".
Địa điểm hành quyết người Do Thái của Đức Quốc xã tại Ponar được các học giả coi là một trong những ví dụ đầu tiên về “Holocaust by bullet” – thuật ngữ miêu tả những vụ xả súng hàng loạt đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người Do Thái trên khắp Đông Âu. Các vụ xả súng này được thực hiện ở cự ly gần bằng súng trường và súng máy, là một hình thức sát hại người Do Thái khác với phòng hơi ngạt khét tiếng ở những nơi như trại tập trung Auschwitz.
Các vụ hành quyết tại Ponar đánh dấu sự chuyển đổi sang "Giải pháp cuối cùng" – chính sách của Đức Quốc xã tiêu diệt người Do Thái thay vì giam cầm họ trong các trại lao động hoặc trục xuất khỏi châu Âu. "Giải pháp cuối cùng" đã dẫn đến cái chết của 6 triệu người Do Thái trong giai đoạn từ năm 1941-1945.
Zeidel chuẩn bị tinh thần cho tiếng nổ của một khẩu súng trường nhưng điều này không xảy ra. Khi mở mắt, Zeidel thấy mình đang đứng đối mặt với một lính canh Đức Quốc xã, hắn nói anh phải lập tức làm việc cùng với các tù nhân Do Thái khác để chặt cây thông xung quanh trại và vận chuyển gỗ đến các hố.
Một tuần sau, chỉ huy trại đến và nói với họ: “Khoảng 90.000 người đã chết ở đây, nằm trong những ngôi mộ tập thể”. Hắn giải thích rằng “không được có bất kỳ dấu vết nào” về những gì đã xảy ra tại Ponar. Gỗ do Zeidel và các bạn tù thu thập được sẽ tạo thành giàn thiêu xác.
Đến cuối tháng 1/1944, khoảng 80 tù nhân, được các nhà sử học gọi là Lữ đoàn Thiêu đốt, sống trong các boongke bằng gỗ trong trại. Bốn người là phụ nữ giặt quần áo và chuẩn bị bữa ăn. Những người đàn ông được chia thành các nhóm. Nhười sức yếu duy trì các giàn thiêu cháy âm ỉ suốt đêm. Những người khỏe nhất kéo các thi thể lên khỏi mặt đất.
Trong một tuần, Lữ đoàn Thiêu đốt có thể xử lý 3.500 thi thể hoặc hơn. Các nhà sử học cho rằng có ít nhất 80.000 người đã bị bắn ở Ponar trong khoảng thời gian từ năm 1941 đến 1944. Khoảng 90% người bị sát hại là người Do Thái. Việc Đức Quốc xã giao cho một nhóm tù nhân đốt các thi thể chỉ làm tăng thêm nỗi kinh hoàng. Họ chuyển sang ý nghĩ phải trốn thoát.
Các tù nhân quyết định đào một đường hầm dưới nhà kho ở phía sau boongke gỗ nơi họ sống. Việc đào bới được tiến hành vào đêm đầu tiên của tháng 1/1944. Để che giấu việc này, các tù nhân đã dựng một bức tường giả trên lối vào đường hầm. Những người đàn ông làm việc theo ca suốt đêm, với cưa, giũa và thìa lấy trộm từ các hố chôn cất. Dưới bóng tối, họ tuồn những tấm gỗ vào đường hầm để làm thanh chống. Khi đào hầm, họ mang đất cát thừa lên rải trên sàn boongke gỗ. Các tù nhân thường hát để át tiếng ồn của việc đào hầm.
Oxy trong đường khá khan hiếm gây khó khăn đối với việc đốt nến, một tù nhân tên là Isaac Dogim, người từng làm thợ điện ở Vilnius, đã tìm cách nối dây điện thắp đèn. Điện khai thác từ máy phát điện mà Đức quốc xã đã đặt trong boongke. Đằng sau bức tường giả, đường hầm dần mở rộng dài 3 mét. Dần dần, toàn bộ Lữ đoàn Thiêu đốt được thông báo về kế hoạch trốn thoát. Dogim và một tù nhân người Nga Yuri Farber hứa rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. Các tù nhân biết rằng một nhóm nghĩa quân đang ẩn náu trong khu rừng gần đó. Nhóm nghĩa quân đã lập một trại bí mật và tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Đức Quốc xã.
Vào ngày 9/4/1944, Farber thông báo rằng họ đã đào đến rễ của một cái cây gần hàng rào dây thép gai bao quanh trại. Những người đàn ông đã chọn đêm 15/4 để trốn thoát. Dogim, thủ lĩnh không chính thức của nhóm, là người đầu tiên khi ra khỏi đường hầm khoét một lỗ trên hàng rào gần đó và đánh dấu bằng vải trắng để những người khác biết hướng chạy. Farber là người thứ hai. Motke Zeidel là người thứ sáu.
Các tù nhân bắt đầu trốn thoát vào 11 giờ tối theo các nhóm 10 người. Nhóm đầu tiên ra khỏi đường hầm thành công. Sau đó, lính canh phát hiện và nổ súng. Tất cả các tù nhân tháo chạy trong màn đêm. Sau một tuần, họ đã đi sâu vào rừng và gặp nghĩa quân.
Các tù nhân trốn trong rừng trong vài tháng. Đến đầu tháng 7/1944, Hồng Quân bao vây Vilnius. Zeidel cùng các nghĩa quân đồng hành cùng Hồng Quân giải phóng Vilnius và đến giữa tháng 7 phát xít Đức bị đánh bật khỏi đây.
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, vào mùa Thu năm 1945 Zeidel đến Israel. Ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 2007 khi ngủ.
Ông Zeidel đã kể lại câu chuyện trốn thoát trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà làm phim Claude Lanzmann trong bộ phim tài liệu Shoah năm 1985. Những thước phim về các cuộc phỏng vấn được lưu trữ tại Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust tại Mỹ.