Theo trang todayifoundout, cuốn kinh này gây dư luận trái chiều vì nó được viết bằng máu – thứ mà người Hồi giáo cho là bẩn thỉu và phải bị hủy bỏ, nhưng vì là kinh Quran thiêng liêng nên không thể mang tiêu hủy.
Cuốn kinh Quran này được ông Saddam đặt viết ngày 28/4/1998 vào sinh nhật lần 61. Nhà lãnh đạo Iraq đã trở lại sùng bái đạo Hồi sau khi người con trai Uday Hussein suýt chết trong một âm mưu ám sát ngày 12/12/1996.
Trong một bức thư đăng năm 2000, ông Saddam giải thích cuốn kinh là để cảm ơn Thượng đế vì đã giúp ông an toàn vượt qua nhiều nguy hiểm và âm mưu trong suốt sự nghiệp chính trị lâu dài. Ông nói: “Đời tôi đối mặt bao hiểm nguy mà lẽ ra đã đổ rất nhiều máu… nhưng vì tôi mới đổ máu rất ít, tôi đã đề nghị một người viết những lời của Thượng đế bằng máu mình để tỏ lòng biết ơn”.
Để viết cuốn sách, ông Saddam đã thuê người viết chữ đẹp tên là Abbas Shakir Joody al-Baghdadi. Trong vòng 2 năm, y tá đã rút tổng cộng 27 lít máu của ông Saddam và chuyển cho al-Baghdadi. Người viết xử lý máu bằng hóa chất để máu ổn định, dùng chất lỏng này chép 114 chương và 6.000 đoạn của cuốn kinh Hồi giáo ling thiêng.
Hoàn thành năm 2000, cuốn kinh có 605 trang và được viết bằng khổ chữ cao 2cm, viền chữ được trang trí bằng thiết kế đen, đỏ và xanh phức tạp. Các trang sách được đóng trong khung có gờ mạ vàng, trưng bày trong một khu vực riêng tại trung tâm của đền thờ Umm al-Ma’arik ở Baghdad. Nhà thờ này được xây cùng thời điểm viết cuốn kinh bằng máu và được hoàn thành năm 2001.
Nhà lãnh đạo Saddam cho xây nhà thờ để kỷ niệm chiến thắng trước lực lượng liên minh trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991. Đền thờ có các tháp được thiết kế giống tên lửa đạn đạo Scud và nòng súng trường Kalashnikov. Khu vực để cuốn kinh Quran phần lớn bị khóa và chỉ khách đặc biệt của ông Saddam mới được mời vào xem.
Ngay từ đầu, cuốn kinh bằng máu của ông Saddam đã gây ra cơn bão tranh luận trong những giáo sĩ Hồi giáo. Theo luật Hồi giáo Sharia, máu người bị coi là Najis, tức là không sạch về mặt nghi thức và những gì dính máu đều bị coi là bẩn. Do đó, viết kinh Quran và những lời thiêng của chúa bằng máu đặc biệt bị cấm.
Bản thân người viết Abbas al-Baghdadi hoàn toàn biết rõ điều này, nhưng ông không thể từ chối đề nghị của nhà lãnh đạo Saddam. Trong phỏng vấn năm 2003, al-Baghdadi (đang sống ở bang Virginia, Mỹ), nói: “Tôi không muốn nói về điều này bây giờ. Đó là điều mà tôi muốn quên”.
Tranh cãi cũng nảy sinh về tổng lượng máu mà ông Saddam đã rút từ cơ thể mình để chép kinh và số lượng máu thực tế được dùng để chép cuốn kinh. Tổng lượng máu tối đa mà một người được phép hiến trong một năm là từ 5 đến 6 đơn vị, tức khoảng 3 lít. Với con số này, ông Saddam sẽ phải mất gần 9 năm mới có đủ 27 lít máu, chứ không chỉ là hai năm. Điều này khiến một số người đoán có thể máu không phải của ông Saddam mà là của ai đó, hoặc thậm chí của tù nhân chính trị. Tuy nhiên, đây là điều không bao giờ có câu trả lời.
Cuốn kinh máu vẫn được trưng bày tới tháng 4/2003, khi lực lượng Mỹ chiếm Baghdad. Khi giao tranh bao trùm khắp thành phố, những người trông nom nhà thờ đã lấy quyển kinh máu ra và giấu vào nơi an toàn. Trong số đó có Sheikh Samarrai, người giấu cuốn kinh trong nhà riêng. Giờ ông Samarrai là một trong những người trông coi chính cuốn kinh máu được giấu trong một căn hầm có ba bộ khóa cửa, bên dưới nhà thờ nay được đổi tên thành Umm al-Qura. Ông Samatrai nói năm 2010: “Tôi biết cuốn kinh được săn lùng gắt gao và chúng tôi đã quyết định bảo vệ nó. Nhưng để xem được cuốn kinh này không dễ. Có ba chìa khóa và không được cất cùng chỗ. Tôi giữ một chìa, cảnh sát trưởng khu vực giữ một chìa và một người nữa ở Baghdad giữ một chìa. Phải có quyết định của một ủy ban thì một người nào đó mới được vào xem”.
Du khách gần như không bao giờ nhìn thấy cuốn kinh Quran máu. Trong khi đó, giới giáo sĩ và chính trị gia tranh luận về việc làm gì với cuốn kinh. Mặc dù cách tạo ra cuốn kinh khiến nó không sạch sẽ và báng bổ trong mắt nhiều người Hồi giáo, nhưng bản thân cuốn kinh chép bằng máu thực sự là một quyển kinh Quran và do đó theo truyền thống Hồi giáo, không thể tiêu hủy sách.
Vì vậy, cuốn kinh máu khiến Iraq vẫn lâm vào tình thế khó xử nghiêm trọng. Ông Abdul Kahar Al-Any, Giáo sư tư tưởng Hồi giáo tại Đại học Baghdad, giải thích: “Ông Saddam không phải là một thánh thần, nên máu ông bẩn. Nhưng một số học giả nói rằng việc này không sao vì trong một trận chiến, các chiến binh của Nhà tiên tri Muhammad đã cảm ơn ngài sau chiến thắng bằng máu của kẻ thù dính trên quần áo”. Bản thân ông Al-Any không chấp nhận quyển kinh máu nhưng cho rằng không có hướng dẫn và cho rằng cần phải có quy định về cách xử lý việc này.
Tuy nhiên, cuốn kinh máu của ông Saddam không chỉ gây tranh cãi về mặt tư tưởng mà còn gây tranh cãi cả về chính trị. Nhiều thành viên chính phủ hiện tại ở Iraq sợ cuốn kinh và những gì còn lại của thời ông Saddam có thể tập hợp đảng chính trị đối lập Baath chống lại đảng cầm quyền và họ cho rằng cần tiêu hủy cuốn sách.
Cũng có những người lại cho rằng cần lưu giữ. Ông Mowaffak al-Rubaie, cựu cố vấn an ninh quốc gia, nói: “Ông ấy đã hiện diện, cai trị và tạo ảnh hưởng tới thế giới. Ông ấy là một phần của lịch sử. Ông ấy đã tạo ra khác biệt lớn dù chúng ta có thích hay không. Chúng ta không cần chôn vùi di sản giai đoạn đó. Chúng ta cần nhớ nó cho dù tốt xấu thế nào và để rút kinh nghiệm”.
Vấn đề thêm phức tạp hơn khi Kho lưu trữ và Thư viện Quốc gia bị đốt cháy hồi tháng 4, phá hủy một lượng lớn di sản văn học, nghệ thuật của Iraq, khiến cuốn kinh máu là một trong những ví dụ ít ỏi còn lại về thuật khắc chữ Hồi giáo nguyên bản.
Cuộc tranh cãi về số phận cuốn kinh máu vẫn tiếp diễn trong khi bản thân quyển kinh vẫn nằm sâu dưới lòng đất, đằng sau ba lớp cửa khóa chặt. Cuốn sách là một trong những thứ gây tranh cãi nhất thế giới Hồi giáo và là di sản lạ lùng nhất, tồn tại lâu nhất sau 24 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Hussein.
Ông Saddam Hussein sinh năm 1937, là người Hồi giáo dòng Sunni. Ông làm Tổng thống Iraq từ ngày 16/7/1979 tới ngày 9/4/2003. Năm 2003, với cái cớ mà Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair khi đó đưa ra là Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt và có quan hệ với khủng bố al-Qaeda, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã đưa quân vào Iraq để hạ bệ ông Saddam. Đảng Baath cầm quyền của ông Saddam bị giải tán và cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Iraq được tổ chức. Sau khi bị bắt ngày 13/12/2003, phiên tòa xét xử ông Saddam diễn ra dưới sự quản lý của chính phủ lâm thời Iraq. Ngày 5/11/2006, ông Saddam bị tòa án Iraq kết tội chống lại loài người liên quan đến vụ giết 148 người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq năm 1982 và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Nhà lãnh đạo nổi tiếng của Iraq bị hành quyết vào ngày 30/12/2006.