Dàn vũ khí mà Iran và Saudi Arabia phải dè chừng nhau - Kỳ cuối

Kho vũ khí của Iran khó có thể so bì được với Saudi Arabia về mặt công nghệ dù quân đội Iran từng được đánh giá là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất khu vực Trung Đông. Tuy vậy, Tehran vẫn có thể thay đổi tình thế bằng cách sử dụng các trang thiết bị và đội quân một cách thông minh.

NĂM VŨ KHÍ CÓ THỂ GIÚP IRAN  “LẬT NGƯỢC VÁN BÀI”

Dưới đây là 5 trong số các vũ khí của Iran mà Saudi Arabia phải dè chừng:

1. Đặc nhiệm Quds

Dù không phải là một loại vũ khí, lực lượng đặc nhiệm Quds ưu tú - trực thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), có lẽ là “công cụ” hiệu quả nhất mà Tehran có thể sử dụng để chống lại Saudi Arabia. 

Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Lực lượng Quds được thành lập từ những năm 1980 nhằm hỗ trợ cho các hoạt động của Cách mạng Hồi giáo. Những hoạt động này bao gồm loại bỏ các hoạt động chống chính phủ một cách nhanh chóng, tìm kiếm đồng minh của Iran ở nước ngoài và tuyên truyền “xuất khẩu cách mạng” tới các đối tượng chủ yếu thuộc cộng đồng Hồi giáo Shiite.

Với quân số khoảng 15.000 binh sĩ, đều là người Hồi giáo trong đó nhiều người có học vấn cao và biết ngoại ngữ, lực lượng đặc biệt chuyên hoạt động trong “bóng tối” Quds từng khiến các lực lượng Mỹ nhiều phen khổ sở lẫn “kinh hồn bạt vía” trong suốt thời gian dài chiếm đóng Iraq.

Đặc nhiệm Quds huấn luyện quân nổi dậy Shiite địa phương và cung cấp vũ khí được sử dụng chống lại các lực lượng Mỹ - trong đó có các đầu xuyên nổ định hình (EFP) có thể xuyên qua những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams. Vào giai đoạn cao trào của cuộc chiến tranh Iraq, các EEP là nguyên nhân gây thương vong cho 1/5 binh sĩ Mỹ tham gia chiến tranh Iraq.

Lực lượng Quds hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, và thậm chí từng âm mưu đánh bom tòa Đại sứ Saudi Arabia trên đất Mỹ hồi năm 2011. Hoạt động của Quds bị coi là hành động khủng bố và bị cấm ở nhiều quốc gia phương Tây. Hiện lực lượng Quds đang tham gia chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

2. Tên lửa đạn đạo

Tuy chủ yếu sử dụng các máy bay lỗi thời, lực lượng không quân của Iran vẫn có khả năng tấn công mạnh bằng các tên lửa đạn đạo. Iran rất chú trọng đầu tư các chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo. Kho vũ khí Iran có một loạt tên lửa loại này, trong đó có tên lửa dùng nhiên liệu lỏng Emad, phạm vi hoạt động 1.000 dặm (1.610 km). Iran còn có tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu lỏng Shahab. Biến thể mới nhất, tên lửa Shahab-4, có phạm vi hoạt động lên tới 2.400 dặm (3.860 km).


Iran phóng thử tên lửa tầm xa Shahab-1 trong cuộc tập trận mang tên "Great Prophet-7" ("Nhà tiên tri vĩ đại 7"). Ảnh:AFP/TTXVN

Loại tên lửa uy lực nhất của Iran là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, như tên lửa đạn đạo dòng Seijil hai giai đoạn - rất khó để các hệ thống phòng thủ ngăn chặn. Chúng cũng có thời gian phản ứng rất nhanh. Theo Dự án mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Học viện Claremont & George C. Marshall của Mỹ, “Các tên lửa Seijil 3 có 3 giai đoạn, tầm hoạt động tối đa 4.000 km, và trọng lượng vật phóng .000 kg”.

3. Tàu tấn công nhanh

Do Saudi Arabia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ để phát triển nền kinh tế, Iran có thể ngăn chặn hoạt động trên biển của Saudi Arabia bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz hay làm gián đoạn giao thông hàng hải ở Vịnh Ba Tư. Trên thực tế, Iran đã từng tìm cách làm vậy trong “Cuộc chiến bể chứa dầu” (Tanker Wars) vào những năm 1980.

Một tàu tấn công nhanh của Iran phóng tên lửa. Ảnh: EPA

Lực lượng hải quân thuộc IRGC - được trang bị các tàu cao tốc có vũ khí hiện đại - có thể tấn công vào cảng biển và tàu thuyền của Saudi Arabia khi xảy ra xung đột. Các cuộc tấn công thuyền hàng loạt có thể gây thiệt hại rất lớn cho lực lượng hải quân và hải cảng của Saudi Arabia.

4. Tàu ngầm lớp Ghadir

Được thiết kế để hoạt động trong các vùng nước nông ở Vịnh Ba Tư, Iran có thể sử dụng các tàu ngầm mini lớp Ghadir để tấn công tàu thuyền và các cảng biển của Saudi Arabia. Các tàu ngầm nhỏ cũng có thể được sử dụng để triển khai lực lượng đặc nhiệm Quds vào lãnh thổ của đối phương nhằm thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt khác nhau. Các tàu được trang bị ngư lôi 21 inch, cũng có thể được sử dụng để đặt mìn ngầm tiêu diệt tàu quân thù.

Tàu ngầm mới lớp Ghadir của Iran trong lễ khai trương ở cảng Bandar Abbas, ngày 8/8/2010. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cho đến nay, những thông tin về tàu ngầm lớp Ghadir không được tiết lộ nhiều. Tàu này được cho là có lượng giãn nước khoảng 120 tấn và dài 80 feet (24 mét). Chúng có tốc độ tối đa 11 knots (17km/giờ) và trị giá xấp xỉ 20 triệu USD. Điều đó đồng nghĩa Iran có thể xây dựng một đội tàu ngầm đáng kể với kinh phí khiêm tốn.

5. Tên lửa hành trình Soumar

Iran được cho là đã phát triển một tên lửa hành trình tầm xa mới có tên Soumar với phạm vi hoạt động khoảng 1.500 dặm (2.410 km). Có nghi vấn cho rằng để thiết kế Soumar, Iran đã sao chép công nghệ tên lửa hành trình Kh-55 lừng danh của Nga. Tuy nhiên, Tehran không có công nghệ để tái tạo lại động cơ vũ khí Nga.

Iran công bố hệ thống tên lửa Soumar, thế hệ tên lửa hành trình tầm xa chiến lược, ngày 8/3/2015. Ảnh: presstv.ir

Những năm gần đây, Tehran thường xuyên công bố các vụ thử nghiệm vũ khí mới, với kho tên lửa hiện đại của IRGC có thể với tới lãnh thổ Israel và căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông. Dù không thể hoang phí mua sắm các khí tài hiện đại, các loại vũ khí độc của Iran vẫn có thể đặt ra thách thức với Saudi Arabia nếu chiến sự nổ ra.
Trần Minh
Dàn vũ khí mà Iran và Saudi Arabia phải dè chừng nhau - Kỳ 1
Dàn vũ khí mà Iran và Saudi Arabia phải dè chừng nhau - Kỳ 1

Với những căng thẳng bùng lên giữa Saudi Arabia và Iran vừa qua sau vụ Riyadh xử tử một giáo sĩ hồi giáo dòng Shiite thân cận với Tehran, “bóng ma” chiến tranh giữa hai cường quốc Trung Đông một lần nữa lại hiện ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN