Danh họa có biệt tài vẽ ngựa

Hội họa Trung Quốc thế kỷ XX có một danh họa được cả thế giới biết đến về biệt tài vẽ ngựa. Đó là danh họa Từ Bi Hồng. Không những vậy, ông còn là một trong những nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội kiệt xuất của Trung Quốc.

 

Chân dung danh họa Từ Bi Hồng.

 

Từ Bi Hồng sinh ngày 19/7/1895 tại huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Thừa hưởng gien hội họa từ người cha Từ Đạt Chương nên ngay từ nhỏ, Từ Bi Hồng đã tinh thông về kỹ năng, kỹ thuật hội họa truyền thống Trung Quốc.


Năm 1916, khi vừa tròn 21 tuổi, Từ Bi Hồng thi đậu Trường đại học mỹ thuật Chấn Đán (Thượng Hải). Năm 1919, ông quyết định sang Pháp du học, và từ đó ông đã đi sang nhiều quốc gia khác như Italy, Thụy Sĩ, Bỉ, Đức, Ấn Độ để nghiên cứu, học hỏi tinh hoa nghệ thuật của nhân loại.


Sau một thời gian dài du học ở hải ngoại, năm 1927, Từ Bi Hồng về nước và trở thành giáo sư của Trường đại học mỹ thuật và Học viện nghệ thuật. Năm 1949, ông làm Viện trưởng Học viện mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh với người trợ lý đắc lực Tề Bạch Thạch, người về sau cùng với ông trở thành hai danh họa nổi tiếng nhất thế kỷ XX của Trung Quốc.


Ngựa là một chủ đề quen thuộc trong tranh của Trung Quốc. Ngựa xuất hiện trong tranh của Trung Quốc như là biểu tượng của sự mau chóng và thành đạt. Trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc đã từng có những họa gia vẽ ngựa vang bóng một thời như Hàn Cán (đời Đường), Lý Công Luân (đời Tống), Triệu Mạch Phủ (đời Nguyên) song ngựa trong tranh của Từ Bi Hồng vẫn có nét độc đáo riêng và có phần sống động hơn.


Ở hội họa Trung Quốc, người ta thấy rõ hai loại bút pháp. Công bút và ý bút. Tranh cổ đại đa số là công bút, vẽ vật thể gì thì cũng phải có đường viền, do vậy khiến cho nét vẽ bị cứng và thiếu sinh động. Ý bút thì ngược lại, nét bút phóng khoáng, sinh động vì đã loại bỏ được những đường viền. Ý bút thể hiện rất rõ trong các tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng.


 

Một tác phẩm về ngựa của Từ Bi Hồng.

 

Nhờ tiếp thu phương pháp hình họa của phương Tây nên Từ Bi Hồng có điều kiện ký họa, nghiên cứu sâu về đặc điểm, cấu trúc, giải phẫu, hình dáng của loài ngựa. Ông đã vẽ rất nhiều về ngựa với đủ loại: độc mã, song mã, tam - tứ mã và cả bày ngựa tung bờm, tung vó, phi nước đại cực kỳ sống động. Những bức tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng dù ở tư thế nào thì chúng cũng không bao giờ trong tư thế tĩnh, mà luôn chủ động ngoái nhìn hay căng tràn sức bật. Những mảng sáng tối, những chỗ chừa trắng, những nét bút phóng khoáng ở bờm và đuôi ngựa, và bố cục theo luật phối cảnh phương Tây, tất cả những điều ấy đã tạo nên nét độc đáo, xuất sắc, có sinh khí và thần thái trong tranh ngựa của Từ Bi Hồng.


Nếu Tề Bạch Thạch là người đi tiên phong trong việc đột phá, mở đường cho nền quốc họa Trung Quốc thì Từ Bi Hồng là danh họa đầu tiên có công chấn hưng nền nghệ thuật Trung Quốc đương đại. Ông đã dung hòa hai dòng nghệ thuật Đông - Tây, tạo cho nền nghệ thuật Trung Hoa hiện đại một hơi thở mới. Từ Bi Hồng đã dung hợp phương pháp tạo hình cổ điển châu Âu với lối ước lệ của nghệ thuật truyền thống Trung Hoa, đồng thời vận dụng kỹ thuật, phương pháp hình họa, lối tả thực vào quốc họa và là người đầu tiên “Trung Hoa hóa” nghệ thuật sơn dầu.


Bên cạnh thể loại tranh vẽ ngựa, Từ Bi Hồng còn để lại cho hậu thế vô vàn tác phẩm ở những thể loại vẽ chân dung, vẽ gà với các tác phẩm tiêu biểu như: Cửu Phương Cao, Điền Hoành Ngũ Bách Sỹ, Ngũ Công dời núi, Sư tử vươn mình, Chân dung Tagor, Chân dung Thánh Gandi, Gà gáy trên đỉnh núi...


Không chỉ là một đại danh họa, Từ Bi Hồng còn là một nhà yêu nước, nhà hoạt động xã hội nhiệt thành và là một nhà giáo dục xuất sắc của Trung Quốc và thế giới. Ông đã có công đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ cho Trung Quốc và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như: Phương pháp cách tân quốc họa, Phục hưng nghệ thuật Trung Hoa... Mặt khác, ông còn xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tổ chức và giáo trình nghệ thuật Trung Hoa đương thời.


Từ Bi Hồng từng được bầu làm đại biểu Quốc hội và là đại biểu nước CHND Trung Hoa đi dự Đại hội hòa bình thế giới lần thứ nhất. Ngày 26/9/1953, danh họa Từ Bi Hồng đã ra đi, nhưng có lẽ ông mãi mãi là danh họa vẽ ngựa số 1 của Trung Quốc và thế giới.


TTTL

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN