Theo trang firstpost, Thủ tướng Kishida tới Ukraine sau khi ông đến thăm New Delhi và gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev ngày 21/3, Thủ tướng Kishida đưa ra thông báo Nhật Bản sẽ viện trợ 30 triệu USD thông qua các quỹ tín thác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để hỗ trợ Ukraine mua các trang thiết bị không sát thương.
Thủ tướng Kishida cũng khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Trong chuyến thăm này, ông Kishida thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ vững chắc Ukraine với tư cách là lãnh đạo đầu Nhật Bản và là Chủ tịch G7.
Trước ông Kishida, đã có nhiều lãnh đạo và quan chức nhiều nước tới Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Theo hãng tin AP, trong bài phát biểu, Tổng thống Biden đã nhắc lại những lo ngại cách đây gần một năm rằng lực lượng Nga có thể nhanh chóng chiếm thành phố Kiev. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Một năm sau, Kiev đứng vững”.
Chuyến thăm của ông Biden diễn ra vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến khi nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách duy trì tinh thần đoàn kết, thống nhất của các đồng minh trong hỗ trợ Ukraine.
Tại Kiev, Tổng thống Biden đã công bố khoản hỗ trợ bổ sung 500 triệu USD, gồm đạn pháo cho lựu pháo, tên lửa chống tăng, radar giám sát trên không và các viện trợ khác.
Trước đó, ngày 8/5/2022, Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã có chuyến thăm không báo trước tới miền Tây Ukraine. Bà đã bí mật tới Ukraine và gặp Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska.
Bà Jill Biden nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là cần cho người dân Ukraine thấy rằng cuộc chiến này phải chấm dứt và người dân Mỹ đứng về phía người dân Ukraine”.
Lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Romania
Vào tháng 6/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Kiev cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Đây là một trong những chuyến thăm cấp cao nhất của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tới thủ đô Kiev kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo tờ Politico, chuyến thăm của các lãnh đạo trên diễn ra khi Ukraine mong muốn trở thành thành viên của EU và đề nghị phương Tây hỗ trợ quân sự hơn nữa khi nước này chiến đấu ở khu vực phía Đông Donbass. Ngoài ra, chuyến đi này là cần thiết vì vào thời điểm đó có nhiều vấn đề liên quan sự thống nhất và quyết tâm của phương Tây.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen
Một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến Kiev khi phía Nga thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Ukraine là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 6/2022. Bà đã lãnh đạo một nhóm gồm 15 ủy viên chính sách để thảo luận về nhu cầu tài chính, kinh doanh, năng lượng của Ukraine và làm thế nào để đưa luật pháp của Ukraine phù hợp với các tiêu chuẩn của EU.
Chuyến thăm của bà Von der Leyen tập trung vào tái thiết Ukraine trong tương lai mà bà nói rằng đó phải là một quá trình hoàn toàn do Ukraine làm chủ dựa trên sự trợ giúp và đóng góp của EU, giúp Ukraine theo đuổi con đường trở thành thành viên EU.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gặp nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky vào tháng 5/2022 để thể hiện sự ủng hộ của Canada đối với đất nước và người dân Ukraine.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Trudeau đã công bố gói hỗ trợ quân sự bổ sung gồm các thiết bị như camera dành cho máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh, vũ khí nhỏ, đạn dược và tài trợ cho các hoạt động rà phá bom mìn.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson
Khi còn là Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã gặp Tổng thống Zelensky trong một chuyến thăm bất ngờ, trong đó ông cam kết hỗ trợ quân sự mới, gồm 120 xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống hạm mới.
Hãng tin AP dẫn lời ông Johnson: “Ukraine đã thách thức mọi khó khăn và đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lối vào Kiev”. Ông Johnson cũng ca ngợi sự lãnh đạo kiên quyết của Tổng thống Zelensky và lòng dũng cảm của người dân Ukraine.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi
Khi là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi là nhà lập pháp cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Bà Pelosi và các nhà lập pháp Mỹ đi cùng đã gặp Tổng thống Zelensky và các trợ lý trong 3 giờ để bày tỏ tinh thần đoàn kết của người Mỹ.
Bà Pelosi nói: “Cam kết của chúng tôi là ở đó vì các bạn cho đến khi cuộc chiến kết thúc”.
Chuyến đi của bà Pelosi tới Kiev không được tiết lộ cho đến khi đoàn đã rời khỏi Ukraine an toàn. Cũng không có thông tin chi tiết về phương tiện mà họ dùng để đến thủ đô Kiev và quay trở lại Mỹ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres
Theo trang web của Liên hợp quốc, chuyến thăm Kiev ngày 7/3 của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tập trung bàn biện pháp mà Liên hợp quốc có thể hỗ trợ người dân Ukraine.
Ông Guterres và Tổng thống Zelensky đã thảo luận về sự hỗ trợ dành cho Ukraine thông qua các khoản thanh toán bằng tiền, tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine, cũng như bàn về tầm quan trọng của việc Liên hợp quốc tham gia quá trình tái thiết đất nước Ukraine sau cuộc chiến.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese
Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu tập trung vào hợp tác an ninh giữa Ukraine và Australia cũng như vấn đề bảo vệ hơn nữa quyền tự do.
Trong chuyến thăm, ông Albanese đã tuyên bố hỗ trợ kỹ thuật quân sự bổ sung cho Ukraine và sẽ cung cấp thêm 14 xe bọc thép chở quân APC, 20 xe bọc thép Bushmaster, máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác.
Theo Tổng thống Zelensky, ông Albanese còn tuyên bố cấm nhập khẩu vàng của Nga để giảm ngân sách của Nga.
Ngoài các lãnh đạo kể trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng từng tới Ukraine.