Saudi Arabia vẫn giữ một vai trò địa chính trị tương đối quan trọng trên mặt trận năng lượng toàn cầu. |
Cuối cùng, trong thời kỳ 1981 - 1986, các chiến lược khác nhau của OPEC (năm 1983 và chiến tranh giá cả năm 1985) đã giữ giá dầu không tăng trở lại và nền kinh tế thế giới đã trải qua giai đoạn giá thấp trong suốt hơn 15 năm. Bằng cách tiến hành một cuộc chiến giá cả, OPEC rõ ràng nhằm vào hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Với một thùng dầu bán ra dưới 60 USD, phần lớn vốn đầu tư đổ vào không có lãi cho dù các mỏ dầu vẫn tiếp tục được khai thác (giống như trường hợp năm 1986). Vấn đề là liệu lịch sử có lặp lại như trong thời kỳ 1986 - 2000 hay không, tức là liệu giá dầu vẫn thấp (khoảng 60 USD/thùng) và ổn định trong suốt 15 năm hay không?
Bằng cách tuân theo lựa chọn của Saudi Arabia không can thiệp vào thị trường dầu lửa, OPEC để cho giá dầu tiếp tục giảm cho đến dưới ngưỡng 50 USD/thùng. Tình hình này khiến toàn bộ các nước sản xuất dầu phải chịu sức ép. Thu nhập từ dầu lửa chiếm hơn 90% xuất khẩu của các nước thành viên OPEC và chiếm từ 80% đến 90% ngân sách của họ. Mặc dù phần lớn dầu mỏ của OPEC chỉ cần bán ra ở một mức giá thấp hơn nhiều so với hiện nay là đủ để có lãi, nhưng để cân bằng ngân sách, nhiều nước đòi hỏi giá phải cao hơn nhiều. Ngoài ra, ngay ở trong OPEC, người ta nhận thấy có những sự khác nhau lớn giữa phí tổn khai thác và giá cả cần thiết để cân bằng ngân sách của mỗi nước. Như Saudi Arabia có thể chỉ cần giá 80 USD/thùng trong khi Venezuela cần giá cao hơn, tới 130 USD/thùng.
Chính điều này giải thích cho những bất đồng về mức giá giữa các nước OPEC. Trong thời kỳ năm 1986 - 2000, giá dầu lửa vẫn tương đối thấp bởi vì nhiều mỏ dầu đã được khai thác sau thời kỳ khủng hoảng dầu lửa. Giá dầu cao hơn đã cho phép các mỏ dầu này có lãi. Tình hình hiện nay khá giống như vậy: giá cao, từ năm 2005 đến 2014, đã cho phép phát triển dầu đá phiến ở Mỹ. Sự khác nhau giữa thời kỳ 1986 - 2000 và thời kỳ hiện nay là khi đó tuổi thọ khai thác của các mỏ dầu là từ 20 đến 30 năm với một sản lượng ổn định trong khi hiện nay chu trình sản xuất dầu đá phiến chỉ là 5 năm với sản lượng giảm dần ngay từ năm thứ hai.
Các chiến lược khác nhau của OPEC đã không cho phép làm giá dầu tăng trở lại. |
Thế nhưng, cuộc chiến giá cả do Saudi Arabia tiến hành từ năm 1985 đã không cho phép giá tăng bởi vì sản lượng dầu mỏ thông thường vẫn ổn định trong hơn 15 năm tới. Dầu đá phiến thì không như vậy: để duy trì tới mức tối thiểu mức ổn định sản lượng, cần phải tiếp tục khai thác với một nhịp độ gần bằng năm trước nếu không sản lượng sẽ giảm ngay từ năm tiếp theo. Và vì với giá khoảng 50 USD/thùng, sản lượng dầu đá phiến không sinh lãi, nên các xí nghiệp đều từ chối đầu tư. Sản lượng dầu đá phiến được khai thác trước khi giá dầu giảm vì vậy sẽ nhanh chóng giảm, trái với tình hình đã diễn ra trong thời kỳ 1986 - 2000, gây ra một sự giảm cung và tình hình căng thẳng về giá cả.
Khả năng can thiệp của OPEC trong cuộc chiến giá cả này vì vậy vẫn tương đối hẹp. Tất nhiên, một số nước như Saudi Arabia có thể chịu đựng được giá 50 USD/thùng trong vài năm, nhất là nhờ nguồn dự trữ của vương quốc này, nhưng không phải tất cả các nước thành viên của OPEC đều như vậy. Nhiều nước trong số họ - nhất là Venezuela, Nigeria hay Iran - muốn giá tối thiểu là 100 USD/thùng. Vì vậy, sự đặt cược của Saudi Arabia là rất rủi ro khi việc giảm giá dầu quá lâu sẽ ngay tức khắc gây ra hậu quả tiêu cực đối với mối quan hệ với các đối tác và có thể làm gia tăng tình hình căng thẳng với đối thủ lớn ở khu vực là Iran.
Nếu tình hình cứ tiếp tục như vậy, và nếu Riyad vẫn khăng khăng không giảm mức sản lượng của mình thì những sự chia rẽ trong các nước thuộc OPEC có thể đi tới chỗ gây tổn hại đến sự tồn tại của tổ chức này. Trong trường hợp này, OPEC có thể chỉ giảm ở các nước vùng Vịnh mà những điều kiện dân số và tài chính khá giống nhau (Saudi Arabia, Qatar, UAE và Kuwait). Các nước thành viên khác không gắn bó với chiến lược của tổ chức và chỉ sản xuất tùy theo nhu cầu của mình trong thời hạn ngắn. Họ có thể tìm cách tăng đáng kể sản lượng của họ bằng cách mở cửa lĩnh vực dầu lửa cho các công ty nước ngoài. Chiến lược của Saudi Arabia trên thị trường dầu lửa, trước đây được OPEC khuếch trương, sẽ suy yếu, nhất là khi liên minh Saudi Arabia - Qatar - UAE - Kuwait chỉ chiếm 17% sản lượng thế giới so với 30% với OPEC. Tuy nhiên, do trữ lượng và khả năng điều chỉnh sản lượng nhanh chóng của mình, Saudi Arabia vẫn giữ một vai trò địa chính trị tương đối quan trọng trên mặt trận năng lượng toàn cầu.