Diễn viên Hedy Lamarr và phát minh cách mạng trong viễn thông

Diễn viên Hedy Lamarr và phát minh cách mạng trong viễn thông - Kỳ I: Chạy trốn người chồng hay ghen

Nổi tiếng vì những cảnh "tươi mát" đầu tiên trong điện ảnh, tai tiếng vì những cuộc tình, trong những năm 1930, nữ diễn viên Hedy Lamarr được coi là người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Không ai ngờ được rằng trong thời gian rảnh rỗi, người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ, đa tình tóc sẫm màu này lại nghiên cứu về công nghệ vũ khí có thể cách mạng hóa việc tiến hành cuộc chiến tranh hiện đại.

Hedy Kiesler trong vai một phụ nữ trẻ trong phim "Ekstase", một người tìm kiếm một sự thỏa mãn ngoài hôn nhân. Bộ phim xìcăngđan đã làm Kiesler nổi tiếng và tai tiếng.


"Loni! Loni" - Hedy hốt hoảng gọi với theo con ngựa của mình. Vào một ngày hè nóng nực, người phụ nữ xinh đẹp này đã cởi bỏ hết váy áo, vắt lên lưng con ngựa Loni để nhảy xuống hồ bơi. Nhưng bơi chưa được một vòng, con ngựa đã chạy đi, mang theo toàn bộ váy áo trên lưng. Không một mảnh vải che thân, người thiếu nữ xinh đẹp phải tìm chỗ trốn trong đám cỏ cao rậm rạp. Nhưng rồi một vị cứu tinh đã tới: Một chàng trai tuấn tú đã bắt được con ngựa và dẫn về. Anh chàng sững người nhìn ngắm thân thể ngọc ngà của cô thiếu nữ xinh đẹp, trong khi cô cố tìm cách giấu tấm thân trần của mình vào trong bụi cỏ. Một nụ cười thoáng xuất hiện trên môi chàng trai.

Đây là một cảnh trong phim "Ekstase" (Đê mê) của Séc được công chiếu lần đầu năm 1933. Bộ phim đã gây nên một vụ bê bối. Không chỉ bởi vì nữ diễn viên chính 19 tuổi đã xuất hiện trần truồng trên màn ảnh tới 10 phút, mà đây cũng là lần đầu tiên cô đưa lên màn ảnh tình trạng cực khoái trong một bộ phim không phải là phim khiêu dâm. Dĩ nhiên, bộ phim đã gây nên sự chống dối dữ dội của những người canh giữ đạo đức, nhưng cũng gây nên "cơn sốt" Hedy Kiesler, người phụ nữ trẻ, đẹp tuyệt trần nhưng cũng rất mực phóng túng.

Fritz Mandl, người chồng đầu tiên của Hedy Kiesler mà cô không chịu nổi tính hay ghen muốn kiểm soát nên phải chạy trốn sang Anh và sang Mỹ.


64 năm sau, ngày 12/3/1997, Ban lãnh đạo Quỹ lĩnh vực điện tử Mỹ (Electronic Frontier Foundation-EFF), một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ dân quyền trên Internet, đã tụ tập tại Oasinhtơn để trao Giải thưởng Tiên phong của EFF (EFF Pioneer Award) cho Hedy Kiesler vì có công phát minh phương pháp nhảy tần số, một phương pháp mở đường cho liên lạc vô tuyến bằng điện thoại di động không bị nghe trộm, nối mạng không dây và Internet di động như chúng ta biết ngày nay. Nhưng người được trao giải, vốn hàng chục năm không xuất hiện trước công chúng, cũng chỉ cử một đại diện đi nhận giải thay. Anthony Loder, một người bán điện thoại ở Los Angeles, đã leo lên bục diễn thuyết cho chạy một đoạn băng với lời cảm ơn của nhà phát minh, đó là mẹ anh Hedy Kiesler, nay đã đổi tên thành Hedy Lamarr.

Tới thời điểm đó, Hedy Kiesler - Lamarr đã bỏ lại đằng sau một cuộc đời còn kịch tính hơn tất cả các vai mà bà đã đóng trong điện ảnh: Bà đã từng bị Giáo hoàng chỉ trích, đã kết hôn với một người buôn bán vũ khí, đã thay tên đổi họ và được tôn sùng là người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Và trên đỉnh cao quang vinh của mình, bà đã có một phát minh thiên tài tới mức các nhà sản xuất điện ảnh cấm bà nói về điều đó. Theo quan điểm của họ, thiên tài không thuộc về lĩnh vực của một diva điện ảnh, mà chỉ có sắc đẹp.

Hedy Kiesler sinh ngày 9/11/1914 tại Viên (Áo), có cha là người Do Thái, giám đốc một ngân hàng và mẹ là một người chơi đàn dương cầm trong một dàn nhạc. Từ khi còn ở tuổi thiếu niên, cô đã được hưởng lợi từ sắc đẹp của mình. Khi còn ở trường sân khấu điện ảnh, cô không nổi tiếng vì tài năng xuất chúng, nhưng sắc đẹp đã mở đường cho cô vào con đường điện ảnh: Năm 1931, khi mới 17 tuổi, Kiesler đã được đóng một vai trong bộ phim "Người ta không cần tiền" bên cạnh diễn viên nổi tiếng Heinz Ruehmann và đóng cảnh mặc áo tắm bó sát người lăn trên mặt đất đùa nghịch. Đạo diễn người Séc Gustav Machaty tỏ ra rất ấn tượng với sức truyền cảm tươi trẻ của Kiesler và năm 1933 đã làm cô nổi tiếng cũng như tai tiếng trong bộ phim "Ekstase". Giáo hoàng Pius VI đã công khai lên án những cảnh "tươi mát" trong phim. Chẳng bao lâu sau, bộ phim này đã bị cấm chiếu ở Đức và Mỹ. Cho dù bộ phim này thất bại về mặt tài chính, nhưng nó đã làm cho Hedy trở thành một biểu tượng tình dục.

Nhưng cha mẹ cô lại có kế hoạch khác cho con gái mình. Ngay trong năm 1933, họ đã gả Hedy cho Fritz Mandl, nhiều hơn cô 14 tuổi, được mệnh danh là "Vua đạn". Với tư cách là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu, Mandl cũng làm ăn với các trùm phát xít Adolf Hitler của Đức và Benito Mussolini ở Italia. Đối với Mandl, người vợ xinh đẹp, hấp dẫn của mình trước hết được coi như một chiến lợi phẩm để gây ấn tượng với khách hàng trong các cuộc gặp gỡ bàn chuyện làm ăn. Hàng tiếng liền cô phải ngồi bên cạnh chồng, mỉm cười và nghe nói chuyện về vũ khí, tiền hoặc những chi tiết kỹ thuật như khả năng dễ bị gây nhiễu của hệ thống điều khiển từ xa của ngư lôi.

Hedy vô cùng đau khổ khi nhận thấy chồng là kẻ muốn kiểm soát tất cả và ghen tuông tới mức bệnh hoạn. Y buộc cô phải từ bỏ Do Thái giáo để vào Thiên chúa giáo. Y tìm cách mua tất cả các bản của bộ phim "Ekstase", để không ai có thể nhìn thấy vợ mình trần truồng. Thậm chí, y không cho vợ đi bơi một mình và thuê một cô gái giúp việc để liên tục theo dõi cô. Sau bốn năm hôn nhân, Hedy không chịu đựng nổi nữa. Cô dùng thuốc ngủ bỏ vào cà phê để gây mê cô hầu gái và chạy trốn sang Luân Đôn.

Tại đó, Hedy gặp nhà sản xuất phim Louis B. Mayer von Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), người đang đi tìm kiếm nhân tài. Ngay lập tức ông đã bị sắc đẹp của người phụ nữ tóc đen này chinh phục. Họ khởi hành sang Mỹ trên chiếc tàu Normandi và ngay trên tàu, Hedy đã ký hợp đồng làm phim với MGM trong thời gian 5 năm. Nhưng vì tránh bị tai tiếng với bộ phim "Ekstase", Mayer khăng khăng đòi Hedy phải đổi họ và từ Hedy Kiesler, cô đã trở thành Hedy Lamarr, được gợi lên bởi Barbara La Marr, một diva điện ảnh bị chết năm 1926 sau cơn nghiện nặng hêrôin. Có lẽ cô diễn viên người Áo này chẳng quan tâm tới gì tới kết cục của La Marr, như là một điềm gở đối với cô.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Quả bom tình dục và hệ thống điều khiển ngư lôi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN