Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng

Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng

Trận Trân Châu Cảng là một đòn tấn công bất ngờ được hải quân Nhật thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng vào sáng 7/12/1941. Trong trận chiến này, Mỹ thiệt hại nặng nề với 2.402 lính tử trận và 1.282 người bị thương. Bốn tháng sau, Mỹ triển khai kế hoạch ném bom cảm tử vào Tôkyô (Nhật Bản) như một đòn trả đũa. Trận tấn công này tuy không gây thiệt hại cho Nhật như Mỹ từng phải hứng chịu trong trận Trân Châu Cảng nhưng cũng khiến Thiên hoàng Hirohito phải bàng hoàng run sợ.

Kỳ 1: J.Doolittle - Người được chọn

Trung tá Doolittle.

Jimmy Doolittle - một trong số những phi công nổi tiếng nhất của Mỹ trong Thế chiến II - được lựa chọn là người chỉ huy trận đột kích vào nước Nhật.

Doolittle là một phi công gan dạ. “Một phi công đồng thời cũng là một nhà khoa học” là cách mà Duane Schultz đã đặt cho Doolittle trong cuốn sách xuất bản năm 1998 của ông “The Doolittle Raid” (Trận đột kích Doolittle) - một con người có đủ dũng khí để lái máy bay nhanh hơn bất kỳ một phi công nào khác và đủ khả năng uyên bác để kiếm được tấm bằng tiến sĩ về kỹ thuật hàng không ở Trường Đại học Công nghệ Massachusetts. Doolittle là lựa chọn hoàn toàn xứng đáng để chỉ huy phi đội tiến hành đòn tấn công vào Tôkyô ngày 18/4/1942 để trả đũa trận Trân Châu Cảng.

Hạm đội Thái Bình Dương bị thiệt hại nặng nề trong trận Trân Châu Cảng.


Trận đột kích Doolittle chỉ là một chiến dịch nhỏ so với quy mô của toàn bộ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, do gắn với trận Trân Châu Cảng nên trận đánh này vẫn được lịch sử ghi lại ngọn ngành về 80 người tham gia trận đánh, vị trí của từng người trong 16 máy bay ném bom B - 25 Mitchell tấn công vào Tôkyô và bốn thành phố khác và biết được hoàn cảnh hiện nay của mỗi người trong bọn họ như thế nào. Nhiều người cho rằng chỉ có những kẻ điên rồ mới nghĩ ra ý tưởng tiến hành một sứ mệnh cảm tử như vậy. Nhưng chiến dịch liên hợp đầu tiên với sự phối hợp của lục quân và hải quân vẫn ít nhiều mang lại thành công cho dù các trận oanh kích không gây thiệt hại cho phía Nhật là bao và 14% lực lượng này bị bắt giữ hoặt sát hại và tất cả các máy bay đều bị rơi. Trên hết, trận đột kích Doolittle được đánh giá là một thành công bởi vì từ đây phát xít Nhật sẽ không bao giờ có thể tự mãn rằng nước Mỹ không thể “động đến lông chân của họ”.

Vào các ngày 4 và 5/9/1922, Doolittle trở thành người đầu tiên bay từ đầu này đến đầu kia nước Mỹ trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Chín năm sau, Doolittle tự phá kỷ lục này của chính mình bằng một chuyến bay kéo dài chưa đầy 12 giờ. Doolittle là người đầu tiên bay vòng quanh nước Mỹ và cất cánh, bay và hạ cánh mà không cần sự điều khiển của mặt đất. Vào thời điểm nghỉ hưu vào tháng 9/1947, Doolittle đã bay được hơn 10.000 giờ với 265 loại máy bay khác nhau.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Doolittle làm nghề huấn luyện phi công trong quân đoàn thông tin và thành lập một nhóm bay mạo hiểm có tên là “Năm nghệ sĩ nhào lộn quả cảm”. Khi đó, mặc dù đã bay khắp các bang Texas, Ohio, Louisiana và California, Doolittle chưa bao giờ tiến hành các chuyến bay ra ngoài phạm vi lãnh thổ. Thời gian giữa hai cuộc đại chiến thế giới, anh làm việc cho công ty dầu lửa Shell và giúp sản xuất ra loại xăng có lượng octan cao đầu tiên. Năm 1925, Doolittle lập kỷ lục thế giới đầu tiên lái máy bay đạt đến vận tốc 392 km/giờ và bảy năm sau kỷ lục này lại do chính Doolittle phá bằng việc bay với vận tốc 473 km/giờ.

Tháng 7/1940, Doolittle quay lại phục vụ quân đội dưới trướng của Henry Arnold, vị Tướng chỉ huy quân đoàn không quân của lục quân Mỹ. Khi ý tưởng tiến hành một trận oanh kích vào Nhật Bản lần đầu tiên được đề cập đến, Arnold biết Doolittle là con người phù hợp để chỉ huy trận đánh nhưng cũng là phi công quá giá trị mà họ không muốn mất đi. Arnold muốn Doolittle huấn luyện các phi công trẻ, làm công tác chuẩn bị cho các máy bay rồi sau đó ở lại tuyến sau. Tuy nhiên, do đã bỏ lỡ cơ hội tham chiến trong Thế chiến I, Doolittle không dễ dàng gì bị thuyết phục ở lại tuyến sau. Viên trung tá 45 tuổi này muốn mình không chỉ theo sát trận đánh mà còn muốn ngồi vào ghế phi công của chiếc máy bay ném bom B - 25 đầu tiên khi đột kích vào Tôkyô.

Đầu năm 1942, Mỹ đã sẵn sàng tiến công trả đũa, nhưng họ chưa biết chắc chắn nên tiến hành theo phương thức nào. Loại máy bay hoạt động trên các tàu sân bay thời bấy giờ chỉ có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi 480 km và không ai muốn mang lực lượng tàn binh của Hạm đội Thái Bình Dương đến gần hải phận Nhật Bản. Lực lượng máy bay ném bom lớn nhất trong khu vực là 35 máy bay B - 17 đang đóng ở Philíppin. Nhưng nhiều trong số các máy bay đó đã bị phá huỷ trong một trận tấn công chớp nhoáng diễn ra vài giờ sau cuộc tập kích của quân Nhật vào Trân Châu Cảng. Ngoài ra, máy bay B - 17 có tầm hoạt động chưa đến 1.600 km mà Nhật Bản lại nằm cách đó 3.200 km. Từ Nga có thể tiến hành không kích Tôkyô nhưng Stalin không cho phép các máy bay Mỹ xuất hiện trên đất Liên Xô vì sợ điều đó khiến Nhật Bản nổi giận trong khi Liên Xô đang phải đương đầu với Hitler ở phía tây. Một số vùng lãnh thổ của Trung Quốc nằm trong phạm vi có thể cho phép các máy bay cất cánh tấn công Nhật Bản, nhưng phát xít Nhật đã chiếm đóng ở đó.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Đón xem kỳ tới: Đột kích từ hướng biển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN