Giá dầu rẻ - Người thắng, kẻ thua - Kỳ 1

Dầu mỏ là mặt hàng quan trọng nhất ảnh hưởng tới tình hình địa chính trị quốc tế hiện nay, và bất kỳ sự thay đổi nào về cơ cấu thị trường đều sẽ có ảnh hưởng ở quy mô toàn thế giới. Việc giá dầu duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian có thể hỗ trợ phần nào cho các nước tiêu thụ nhiều năng lượng. Trong khi đó, những nước sản xuất nhiều dầu mỏ, vốn đã quen với việc giá dầu ở mức cao, sẽ gặp không ít khó khăn về nguồn thu.

Đầu tháng 10/2014, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tính đến việc điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế thế giới nếu cuộc khủng hoảng ở Iraq tạo ra một cú sốc về giá dầu. Trong khi các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) tự xưng tăng cường mở rộng quyền kiểm soát ở phía bắc Iraq, IFM đã lo lắng giá dầu có thể sẽ tăng mạnh 20%, dẫn đến GDP toàn cầu có thể giảm 0,5 - 1,5% điểm phần trăm. Giá cổ phiếu ở các quốc gia phát triển có thể sẽ giảm khoảng 3 - 7%, và lạm phát sẽ tăng ít nhất là 0,5 điểm phần trăm.

Sự thay đổi trong cả nguồn cung và cầu dẫn đến giá dầu thế giới giảm.


Hiện Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, đang bị “mắc kẹt” trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ khác như Iraq, Syria, Nigeria và Libya đang trong tình trạng bất ổn khiến nguồn cung từ Trung Đông giảm sút. Thế nhưng giá dầu thô Brent khai thác ở Biển Bắc, lẽ ra phải tăng thì lại giảm 25%, từ 115USD/thùng giữa tháng 6/2014 xuống dưới 85USD/thùng vào giữa tháng 10 vừa qua. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Nguyên nhân suy giảm giá dầu hiện nay là do sự thay đổi trong cả nguồn cung và cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới thấp cùng sự phục hồi chậm chạp ở châu Âu và Nhật Bản đang kìm hãm nhu cầu dầu mỏ. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục đà đi xuống sau khi đạt đỉnh tăng trưởng năm 2008, điều sẽ ảnh hưởng nhất định đến vấn đề nhập khẩu dầu của quốc gia này.

Ở khu vực Bắc Mỹ, kể từ năm 2005, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tiếp tục giảm vì năng lượng điện, khí đốt tự nhiên và những lựa chọn thay thế khác đang và sẽ tiếp tục phát triển ở các thị trường này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ở châu Á cũng đang bị trì trệ. Ngoài vấn đề tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự mất giá của tiền tệ, một số quốc gia châu Á đã bắt đầu cắt giảm trợ cấp năng lượng dẫn đến chi phí nhiên liệu cao hơn, mặc dù giá dầu thô toàn cầu đi xuống.

Trong khi đó, trên thị trường nguồn cung lại có sự tăng trưởng đột biến. Kể từ đầu năm 2013, sản xuất dầu đã tăng thêm khoảng 1 - 2 triệu thùng/ngày so với những năm trước đó, chủ yếu là nhờ Mỹ. Sau nhiều năm chỉ sản xuất khoảng 200.000 thùng/ngày, Libya đã tăng sản lượng lên 700.000 thùng/ngày kể từ giữa tháng 6.

Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất dầu mỏ mà theo ước tính mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này có thể đạt mức tăng 750.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng lên 1,75 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Nga, Angola và Nigeria cũng tăng cường khai thác, và sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang ở mức cao nhất trong hai năm trở lại đây. Chỉ tính riêng khu vực Bắc Mỹ có thể sẽ bổ sung thêm từ 1 đến 1,5 triệu thùng dầu/ngày cho tới cuối năm sau.

Nguồn cung tăng mạnh nhưng nhu cầu lại giảm khiến giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ ngày 27/11 giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua là ,11 USD/thùng. Nếu không có những đột biến, giá dầu mỏ sẽ ở mức thấp và có thể nằm trong vùng 90 - 100 USD/thùng ít nhất trong trung hạn. Trong khi đó, các thành viên OPEC như Libya, Algeria, Iraq, Iran, Nigeria và Venezuela đều cần khai thác ở tối đa và bán với giá cao để tài trợ cho ngân sách của họ và các chương trình chi tiêu xã hội.

Theo các nhà phân tích, đồng USD tăng giá cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá dầu giảm trong thời gian gần đây. Đồng bạc xanh tăng giá khiến dầu mỏ - loại hàng hóa được giao dịch chủ yếu bằng USD - trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ những loại tiền tệ khác, kéo nhu cầu mua dầu giảm xuống, qua đó kéo giá dầu giảm theo.

Ngoài ra, việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro mới đây cáo buộc Mỹ đang thao túng giá dầu hiện nay là có cơ sở. Nhớ lại năm 1990, việc Mỹ thỏa thuận với Saudi Arabia giảm giá năng lượng đã góp phần làm tan rã Liên bang Xô Viết. Có vẻ cuộc khủng khoảng đang diễn ra ở Ukraine cũng được Mỹ trù liệu từ trước, nên nước này đã chủ động trong việc cho tái khởi động các mỏ dầu trước đây đã đóng cửa “để dành”, đồng thời đầu tư công nghệ mới cho việc khai thác các nguồn năng lượng khác thay thế dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu khi cần thiết.

Đây được cho là chiến thuật “bắn một mũi tên trúng nhiều đích”, gây thiệt hại cho các đối thủ của Mỹ cả về chính trị và kinh tế, trong đó có Nga, Iran và Venezuela... Đối với Nga, Mỹ muốn gia tăng hiệu quả trừng phạt kinh tế vì 50% nguồn thu ngân sách của Nga là từ dầu mỏ, khí đốt. Trong khi đó, Iran và Venezuela được Mỹ liệt vào danh sách các nước đối đầu.

Như vậy, có thể thấy giá dầu tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài những yếu tố kỹ thuật như cung - cầu tăng giảm thì giá dầu cũng là một con bài kinh tế quan trọng mà các nước lớn sử dụng để đạt được các mục đích chính trị, nhất là trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều điểm nóng như hiện nay.

Vì thế, rất khó để đưa ra các dự báo dài hạn về giá dầu, vốn không chỉ là là loại nhiên liệu cần thiết của thế giới mà còn được xem là một mặt hàng chiến lược trong cuộc chiến địa chính trị toàn cầu. Nếu không có sự thay đổi nào về chính sách, giá dầu thấp như hiện nay sẽ có những tác động địa chính trị đáng kể cho cả những nước tiêu thụ và sản xuất dầu.

Đón đọc kỳ tới: “Người cười”


Công Thuận (tổng hợp)

Giá dầu rẻ - Người thắng, kẻ thua - Kỳ cuối
Giá dầu rẻ - Người thắng, kẻ thua - Kỳ cuối

Nhiều chuyên gia nhận định, việc giá dầu giảm như hiện nay tác động tiêu cực không nhỏ đến các nền kinh tế theo mức độ khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN