Giấc mộng họa sĩ của Hitler

Ít ai biết rằng trùm phát xít Đức Adolf Hitler độc tài, tàn bạo lại từng là một con người đam mê nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Thế nhưng, giấc mơ thành một họa sĩ nổi tiếng của Hitler không bao giờ thành sự thật.


Adolf Hitler.

 

Ngay từ khi còn nhỏ, Hitler đã là một con người có năng khiếu về hội họa. Ông ta dành hầu hết thời gian của mình để vẽ các công trình kiến trúc và tòa nhà. Hitler có biệt tài là chỉ cần vài phút ngắm nghía là sau đó có thể phác họa chi tiết lại những gì mình nhìn thấy.


Lên 7 tuổi, những nét vẽ đầy kĩ thuật của Hitler đã khiến nhiều người kinh ngạc. Cha của Hitler, người luôn hy vọng con trai nối nghiệp trở thành một công chức nhà nước, đã bàng hoàng khi đứa con mới 11 tuổi tuyên bố sẽ trở thành một họa sĩ. Bất chấp sự phản đối của cha, Hitler vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mộng. Năm 15 tuổi, những bức tranh màu nước đầu tay của Hitler được xem là thi vị và tinh tế.


Năm 1903, cha Hitler qua đời, Hitler như một chú chim sổ lồng, mặc sức bay vào thế giới nghệ thuật sau khi bỏ học nửa chừng lúc mới 16 tuổi. Vào sinh nhật thứ 17, Hitler đã lần đầu tiên tới thành phố Vienna (Áo), nơi được coi là thánh địa của hội họa, âm nhạc, nơi kết tinh văn hóa châu Âu lâu đời.


Tại đây, Hitler dùng tiền của mẹ và người thân cho để khám phá thành phố Vienna, ngắm nhìn các tác phẩm hội họa nổi tiếng. Vienna là nơi mà Hitler đã tìm thấy niềm đam mê bất tận đối với nét đẹp hút hồn của các công trình kiến trúc.


 

Bức tranh vẽ nhà hát Opera ở Vienna của Hitler.

 

Tự tin với tài năng của mình, tháng 10/1907, Hitler đã quyết định hiện thực hóa giấc mơ họa sĩ bằng cách đăng ký dự thi vào Học viện Mỹ thuật danh tiếng ở Vienna. Sau hai ngày thi cử, mặc dù Hitler cảm thấy rất tự tin và lạc quan nhưng khi biết kết quả, tâm trạng đã chuyển thành cực kỳ thất vọng. Hitler nằm trong danh sách 85 thi sính bị trượt trong số 113 người dự thi.


Các bức tranh dự thi của Hitler được đánh giá không cao, đặc biệt là phần vẽ mô hình. Tuy nhiên, các giáo sư học viện khuyến khích Hitler đăng ký dự thi vào khoa kiến trúc của Học viện Nghệ thuật. Thế nhưng, Hitler thậm chí còn không đủ điều kiện dự tuyển do bỏ học giữa chừng nên không có bằng tốt nghiệp trung học. Hitler từng kể lại tâm trạng thất bại này trong cuốn tự truyện Mein Kampf (Cuộc đấu tranh của tôi): “Nó như một tia chớp làm lóa mắt tôi”.


Mặc dù thi trượt, Hitler vẫn thấy Vienna hấp dẫn và quyết định ở đây. Anh ta làm bạn với một người tên là August Kubizek, người có đam mê thành nhà soạn nhạc nhưng vấp phải sự phản đối của bố mẹ. Hitler đã tìm cách thuyết phục bố mẹ Kibizek cho bạn đến ở cùng mình tại Vienna. Hai người chung một căn hộ chật hẹp và rẻ tiền. Dù không nhiều tiền nhưng Kubizek kể lại rằng Hitler luôn mua những màu vẽ, cọ vẽ, giấy và tranh vẽ sơn dầu loại tốt nhất.


Năm 1908, Hitler lại thi vào Học viện Nghệ thuật lần nữa nhưng lại không thành công. Trong khi đó, Kubizek đã học xong năm thứ nhất Học viện Âm nhạc với nhiều thành tích. Có lẽ vì chút ghen tị mà Hitler quyết định không sống cùng Kubizek nữa.


 

Hitler và người tình Eva Braun tại dinh thự Berghof ở Berchtesgaden.

 

Trong những ngày này, cuộc sống ở Vienna trở nên khốn khó với Hitler khi anh ta tan giấc mơ họa sĩ và mất cả người mẹ yêu quý. Anh ta sống lang thang ở Vienna, ngủ vạ vật trên ghế đá công viên, ăn trong bếp ăn từ thiện. Mùa đông lạnh giá tràn về. Trong tay không một xu, Hitler buộc phải sống trong khu nhà của người vô gia cư chật chội. Anh ta chỉ kiếm được vài đồng dù vẽ hàng trăm bức tranh màu nước và sơn dầu để nhờ một người là Reinhardt Hanisch bán. Có lần, anh ta giật mình khi thấy một bức tranh tĩnh vật của mình được dùng để bọc khung tranh tại một cửa hàng. Hanisch giải thích rằng đôi khi rất khó tìm khách hàng và bảo Hitler vẽ thêm bưu thiếp cho các cửa hàng lưu niệm. Với tiền công cho mỗi tác phẩm, anh ta có thể đủ mua thức ăn vài bữa hoặc đủ tiền thuê phòng trọ rẻ tiền.


Năm 1913, Hitler quay về Đức và nhờ đó trốn được nghĩa vụ quân sự ở Áo. Ở Munich, Hitler sống ở quận Schwabing và ngày càng có đam mê chính trị. Một số người từng sống ở Munich thời bấy giờ cho biết, thỉnh thoảng Hitler lại biến một cuộc thảo luận nghệ thuật thành một cuộc tranh luận chính trị nóng bỏng chỉ trong giây lát. Khi chiến tranh nổ ra năm 1914, Hitler chào đón nó một cách vui vẻ và cảm thấy chút “máu” phiêu lưu nổi lên trong mình.


Sau khi gia nhập quân đội Đức, những lúc rảnh rỗi, Hitler vẫn theo thói quen vẽ các công trình kiến trúc và phong cảnh ở những nơi anh ta đi qua. Tuy nhiên, chúng thường bị hư hỏng do đạn pháo. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Hitler bắt đầu lấn sâu vào chính trường và ít dành thời gian cho hội họa. Dù vậy, Hitler vẫn tiếp tục dùng tài vẽ vời của mình để thiết kế các biểu trưng cho đảng Quốc xã, điển hình là biểu tượng chữ thập ngoặc khét tiếng cùng với các khẩu hiệu, tờ rơi, bìa sách, cờ…


Khi trở thành lãnh đạo đảng Quốc xã, Hitler vẫn đam mê hội họa, đặc biệt là thích vẽ các kiến trúc. Ông ta thường phác thảo và thiết kế đồ đạc, nhà cửa, các quận trong thành phố, thậm chí cả thành phố. Nhờ quyền lực của mình, Hitler có thể biến các ý tưởng thành hiện thực. Các phác thảo tòa nhà của Hitler được các kiến trúc sư mà Hitler “sủng ái” xây dựng như Paul Ludwig Troost và Albert Speer. Những tòa nhà này đều có một bảng kim loại đề dòng chữ “Công trình của nhà lãnh đạo”.


Trong suốt cuộc đời của mình, Hitler đã vẽ 2.000-3.000 bức tranh màu nước và sơn dầu. Ngày nay, những bức tranh của Hitler có giá từ 5.000-10.000 euro, một bức họa màu nước bản nhỏ có giá 50.000 euro và con số này cao hơn nhiều với các bản vẽ sơn dầu cỡ lớn.


Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN