GÕ CỬA NHÀ MARIA DUVAL
Phóng viên CNN hạ quyết tâm tìm Maria Duval. Sau khi xác định được bà Duval đúng là sống ở thành phố nhỏ Callas ở Pháp, có địa chỉ và số điện thoại, họ thuyết phục cấp trên cho tới Callas để điều tra.
Hành trình tìm sự thật
Sau hơn một ngày di chuyển và lái xe qua những con đường ngoằn ngoèo miền nam nước Pháp, các phóng viên CNN đã tới được Callas và chật vật mới tìm được đúng nhà của Maria Duval. Ngôi nhà hai tầng, màu trắng, kín cổng cao tường, cho thấy rõ là chủ nhân không muốn bị làm phiền. Quanh nhà có các biển cảnh báo camera giám sát 24/24 giờ và cảnh báo chó dữ bằng tiếng Pháp.
Sau vài phút bấm chuông và chờ đợi, cổng nhà cũng bắt đầu mở ra cùng tiếng chó sủa dữ dằn. Trước khi cánh cửa khép vào, họ nhanh chóng nhìn người phụ nữ bên trong và đó không phải bà Duval. Nói chuyện qua cổng, người phụ nữ cho biết bà làm việc cho bà Duval và hỏi danh tính cũng như ý định của phóng viên CNN. Khi phóng viên CNN nói họ là phóng viên muốn gặp bà Duval thì được biết bà Duval đang ở Rome.
Người phụ nữ cho biết không thể giúp gì và bảo để lại giấy nhắn tin cho bà Duval trong hộp thư gần cổng. Rồi mặc cho phóng viên CNN ra sức hỏi tên và gọi với theo, bà ta biến mất vào trong nhà.
Họ viết thư cho bà Duval và đặt trong hộp thư ngoài cổng sau đó nói chuyện với hàng xóm. Họ đều xác nhận bà Duval sống ở đây nhiều năm nhưng biết rất ít về bà ta. Phóng viên CNN trở lại ngày hôm sau và lần này họ gặp người làm vườn của bà Duval. Người này cũng bảo bà Duval đang ở Rome.
Họ đành quay trở về với chồng tài liệu mang theo sang Pháp. Họ phát hiện thêm một cái tên trong tài liệu liên quan tới nhà đất của bà Duval mà trước đó chưa để ý: Marie-Francoise Gamba. Khi gọi điện cho người này, một phụ nữ có vẻ lớn tuổi cho biết mình là em gái của bà Duval và nói chuyện với chị gái gần như hàng ngày. Khi được biết Chính phủ Mỹ đã kiện bà Duval và những người khác về vụ lừa đảo qua thư, người phụ nữ này dường như bị sốc. Bà giải thích rằng bà Duval đã bán quyền sử dụng tên cho một công ty Thụy Sĩ cách đây nhiều năm và chị gái bà không liên quan tới những gì xảy ra sau đó. Bà cũng nhắc lại rằng sức khỏe bà Duval đang suy yếu nên rất ngạc nhiên nếu bà thực sự ở Rome.
Biển cảnh báo dán ngoài cổng nhà bà Maria Duval. |
Cho dù bà Duval có ở Rome hay không thì rõ ràng một điều là bà không có hứng thú gặp phóng viên CNN. Và bà ta vẫn là một ẩn số. Giờ họ chỉ còn một đầu mối cuối cùng là con trai bà Duval, Antoine Palfroy. Họ đã trao đổi thư điện tử với Palfroy từ khi tới Pháp, cầu xin anh ta nói về bà Duval và giải thích tại sao bà lại trở thành gương mặt của một vụ lừa đảo lớn như vậy. Sau khi trả lời vài thư ngắn ngủi, anh ta đột ngột ngừng viết.
Phóng viên CNN quyết định tới hiệu sách mà Palfroy làm chủ ở Toulon. Họ gọi điện cho hiệu sách trước nhưng số điện thoại không kết nối được. Gọi điện cho các cửa hàng bên cạnh thì họ cho biết hiệu sách đã đóng cửa cách đây 6 tháng. Dù vậy, họ vẫn quyết định tới hiệu sách.
Khi tới nơi, họ nhìn thấy một tấm biển rao bán bên ngoài cửa kèm số điện thoại. Họ gọi điện và bất ngờ khi chính Palfroy trả lời. Bất ngờ hơn nữa là anh ta đề nghị gặp mặt để nói chuyện. Phóng viên CNN gặp anh ta ở quán cà phê Le Chantilly gần hiệu sách, ngay ngày trước khi họ rời Pháp theo kế hoạch.
Thủ phạm thành nạn nhân?
Palfroy đến gặp phóng viên CNN cùng con gái. Ban đầu, anh ta nghi ngờ về động cơ của các phóng viên nhưng cuộc nói chuyện kéo dài hơn một tiếng và còn có thể lâu hơn nếu quán cà phê không đóng cửa. Những gì anh ta kể là chuyện về một phụ nữ thỏa thuận với quỷ dữ. Theo đó, mẹ anh ta trong nhiều năm đã sống một cuộc sống bình thường, làm chủ một doanh nghiệp tẩy rửa công nghiệp bể bơi và nhà tắm hơi, sau đó làm chủ một vài cửa hàng quần áo. Tại các cửa hàng này, bà đã lần đầu tiên tư vấn chiêm tinh cho bạn bè. Bà Duval bắt đầu có ý định giúp người khác, thậm chí còn phối hợp với cảnh sát để tìm người mất tích.
Tuy nhiên, tất cả chấm dứt khi bà bán quyền sử dụng tên cho các doanh nhân Thụy Sĩ cách đây hơn 20 năm. Lúc đầu, họ chỉ bán biểu đồ chiêm tinh. Sau đó, họ trở nên tham lam hơn, thay đổi mô hình làm ăn và bắt đầu gửi thư hàng loạt dưới cái tên của bà. Palfroy cho biết mẹ anh ta rất buồn về những bức thư nhưng không thể làm gì. Khi được hỏi tại sao bà Duval từng bảo vệ các bức thư, anh ta nói vì bà đã ký hợp đồng không được làm mất uy tín công ty. Theo lời Palfroy, những gì bà Duval ký giống như chuyện trong phim Bố già. Công ty ký với bà Duval dọa rằng bà sẽ chịu hậu quả thảm khốc cả về pháp lý và tài chính nếu tìm cách rút khỏi hợp đồng. Đó có thể là một lý do khiến bà từ chối nói chuyện với phóng viên CNN.
Theo hợp đồng, bà Duval buộc phải xuất hiện trên truyền hình ở nhiều nước. Palfroy nói: “Mẹ đã phải tới Nga và Nhật Bản để cho mọi người thấy rằng Maria Duval thực sự tồn tại, không chỉ là cái tên. Đó là một người bằng xương bằng thịt”. Hợp đồng cấm bà dùng tên Maria Duval cho công việc riêng. Bà sống dựa vào thù lao và thanh toán từ công ty mua bản quyền tên bà. Lúc đầu, số tiền rất lớn nhưng khi quyền sử dụng tên Duval được trao tay rất nhiều người thì các khoản tiền trả cho bà cứ giảm dần. Palfroy cho rằng giờ mẹ anh ta không còn nhận được thù lao nữa, đồng thời cho biết rất buồn vì những gì đã xảy ra và anh ta căm ghét khi thấy tên mẹ mình bị lợi dụng.
Kết thúc cuộc gặp, các phóng viên CNN cảm thấy hoang mang. Họ về Mỹ với một câu hỏi mới: Chẳng lẽ người phụ nữ là trung tâm vụ lừa đảo đã trở thành nạn nhân? Những gì Palfroy kể giải thích được tại sao ngay cả nhân viên của các công ty phát tán thư của bà Duval cũng chỉ biết lờ mờ về bà, tại sao thư được viết bằng những thứ tiếng mà bà Duval không biết, tại sao bà ta lại mơ hồ và khó tìm như vậy, tại sao một bà đồng già cả lại có thể là trung tâm của một vụ lừa đảo kéo dài nhất lịch sử.
Hiện vẫn chưa rõ bà Duval có phải là nạn nhân vô tội hay vẫn có khả năng bà tham gia vào vụ lừa đảo suốt thời gian qua hay không. Chỉ biết rằng, Maria Duval là một người thật và còn sống, nổi tiếng ở Pháp vì có tài tiên tri. Cho dù bà chết đi thì cái tên Maria Duval có thể vẫn sống mãi, chừng nào người ta còn làm giàu được từ cái tên đó.