Tại một cuộc hội thảo về chủ đề tệ nạn ma túy trên thế giới được tổ chức ở Thành phố Mêhicô năm 1993, nhà văn nổi tiếng người Côlômbia Gabriel Garcia Marquez, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1982 đã được mời tới dự. Trái với dự đoán của nhiều người, Marquez không chỉ đến hội nghị với tư cách khách mời danh dự mà ông đã lên diễn đàn đọc một bản tham luận gây tiếng vang mạnh mẽ trong giới chuyên môn cũng như các nhà hoạt động chính trị và xã hội ở Mỹ Latinh.
Trong bản tham luận, sau này được đăng trên tạp chí Cambio 16 xuất bản ở Bôgôta, Garcia Marquez phân tích:
Theo cách nhìn vấn đề của tôi, bước đi đầu tiên trong việc tìm kiếm một giải pháp hiện thực cho vấn nạn ma túy trên thế giới là cần phải thừa nhận sự thất bại của phương pháp mà người ta đang sử dụng để đối phó với tệ nạn này. Chính là các phương pháp dùng để chống nạn ma túy, chứ không phải bản thân tệ nạn đó là nguyên nhân làm phức tạp và trầm trọng thêm tình trạng khủng khiếp hiện nay ở cả các nước sản xuất lẫn các nước tiêu thụ ma túy.
Trên thực tế, các phương pháp chống nạn ma túy đã được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan áp đặt từ năm 1982 khi tuyên bố rằng ma túy là con quỷ Sa tăng hữu ích đối với việc thực thi chính sách an ninh quốc gia của Mỹ và để lợi dụng con bài này, ông ta đã phát động một cuộc chiến tranh chống lại nó.
Tổng thống George Bush (cha) tiếp tục áp dụng chính sách đó và đưa nó lên tầm mức cực đoan với mưu toan liên tiếp cáo buộc chính phủ Cuba liên quan đến các vụ buôn bán ma túy. Thậm chí, ông ta đã ra lệnh đưa quân xâm lược Panama để bắt cóc Tướng Manuel Noriega với cái cớ ông này dính líu đến buôn lậu ma túy. Hơn một thập kỷ đã qua và chúng ta có quá đủ lý do để nhận thấy là hai vị đứng đầu nước Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính phủ họ mà thôi. Rõ ràng là cuộc chiến chống ma túy mà Mỹ tiến hành chỉ là một thứ công cụ để can thiệp vào các nước Mỹ Latinh giống như một số biện pháp giúp đỡ về kinh tế, viện trợ nhân đạo hay chiêu bài bảo vệ nhân quyền mà Oasinhtơn từng áp dụng.
Lá và hoa cây cần sa trồng nhiều ở Nam Mỹ. |
Ở Côlômbia, bước đi đầu tiên của cuộc chiến tranh ấy là khôi phục hiệu lực của hiệp ước dẫn độ tội phạm ma túy mà hai nước đã ký kết trước đây nhằm thúc đẩy biện pháp chống lại việc trồng và buôn bán cây cần sa vốn phổ biến ở nước Nam Mỹ này. Mặt khác, Đại sứ quán Mỹ ở Bôgôta đã tự cho họ có quyền đặt ra từ mới để dưa vào ngữ vựng Tây Ban Nha tên gọi narcoguerrilla (ám chỉ phong trào du kích liên quan đến ma túy). Ý đồ của họ là nhằm đánh đồng những người du kích cánh tả với bọn buôn lậu ma túy để có cớ đưa quân Mỹ vào Côlômbia dưới danh nghĩa chống ma túy, nhưng đồng thời nhằm tiêu diệt phong trào du kích. Với chiến thuật “một mũi tên hạ hai mục tiêu” đó, bất kỳ người dân Côlômbia nào bị coi là khả nghi đều có thể bị dẫn độ sang Mỹ với cái cớ liên quan đến ma túy.
Cuộc chiến tranh chống ma túy kiểu đó đã đi ngược lại chính sách hòa bình của Tổng thống mới đắc cử của Côlômbia lúc đó là Belisario Betancur khi ông này bắt đầu nhiệm kỳ của mình với sắc luật ân xá và khoan dung đối với lực lượng du kích. Vào thời điểm đó, đây là tín hiệu tốt lành đối với nguyện vọng hòa bình của một dân tộc từng bị điêu đứng vì cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt” đã kéo dài hơn 30 năm.
Trực thăng của cảnh sát lượn trên cánh rừng cây coca. |
Nhưng mọi khả năng đi đến thỏa thuận đã thất bại bởi một âm mưu phá hoại rõ ràng đến từ phe đối lập bằng cách gạt phăng đề nghị đó trước khi nó được đưa ra bàn thảo, và người ta đã làm đủ mọi cách để hù dọa dân chúng và gieo rắc sự hoài nghi trong dư luận. Ai cũng biết đằng sau kế hoạch thọc gậy bánh xe ấy là lợi ích của các nhóm tài phiệt và đảng phái cầm quyền ở Mỹ. Từ đó trở đi, giải pháp chống ma túy duy nhất chỉ còn là cuộc chiến tranh thần thánh của chính phủ Ronald Reagan. Mặc dù các chính phủ kế tiếp nhau của Côlômbia đã nỗ lực ngăn cản việc đưa quân đội Mỹ vào nước này với mục tiêu vừa chống ma túy vừa tiêu diệt quân du kích. Nhưng hiển nhiên là xu hướng bất khoan dung đã lấn át bất cứ một giải pháp nào khác.
Kết quả sau 11 năm cay đắng đó là tội ác bị đẩy lên một mức độ cao hơn, chủ nghĩa khủng bố mù quáng, nạn bắt cóc lan tràn, tham nhũng đầy rẫy, tất cả đều chìm đắm trong một bối cảnh bạo lực vô tiền khoáng hậu.
Còn các nước tiêu thụ ma túy thì sao? Tất nhiên họ cũng phải hứng chịu những hậu quả tai hại của vấn nạn đó. Bởi lẽ sự cấm đoán đã làm cho việc buôn bán ma túy càng trở nên hấp dẫn và lợi nhuận thu được càng cao, đồng thời tội phạm cũng ngày càng tăng và tình trạng tham nhũng càng lan rộng khắp nơi.
Tuy nhiên, nước Mỹ đã hành động như thể họ không hay biết gì. Ở đó hàng ngày 20 triệu con nghiện vẫn có đủ thuốc nhờ vào mạng lưới buôn bán và phân phối ma túy rất hiệu quả. Thế mà chẳng một kẻ bán lẻ nào, không một tên đầu nậu nào phải vào nhà đá, và cũng không nghe nói có nhân viên cảnh sát hay hải quan nào bị phát hiện dính líu tới ma túy.
Nhà văn Marquez kết luận: Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới một hiệp ước chống ma túy trên phạm vi toàn cầu, trong đó Mỹ phải là nước đầu tiên nhận lấy trách nhiệm của mình, và các nước tiêu thụ ma túy cùng phải cam kết nghiêm túc với các nước sản xuất ra nó. Bởi nếu không như vậy thì căn bệnh trầm kha này sẽ vĩnh viễn vô phương cứu chữa.
Phạm Đình Lợi
Đón đọc kỳ 2: Bức tranh toàn cảnh