Đó là vào tháng 1/2019, thế giới xôn xao với những lời đồn rằng ngôi mộ mất tích từ lâu của Nữ hoàng Cleopatra VII và tướng quân Mark Antony sắp được khai quật. Truyền thông Ai Cập chạy nhiều dòng tít kiểu như “Mộ Antony và Cleopatra sẽ sớm được khai quật”. Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng vậy, đua nhau đưa tin rằng ngôi mộ mất tích hàng nghìn năm đã được phát hiện và sẽ sớm được khai quật.
Theo các tin đồn, một nhóm nghiên cứu do nhà khảo cổ học người Ai Cập Zahi Hawass dẫn đầu đã tiếp cận gần địa điểm được cho là nơi chôn cất Nữ hoàng Ai Cập và tướng quân La Mã.
Tuy nhiên, trước sự thất vọng của thế giới, những thông tin nói trên đã được chứng minh hầu hết là sai. Hawass và nhóm của ông đã vạch trần những lời đồn đại trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Live Science, nói rằng những câu chuyện đó là hoàn toàn bịa đặt, và ông không tìm thấy bằng chứng gì về ngôi mộ.
Nhưng, cũng như với nhiều tin đồn khác, những tuyên bố nói trên chắc chắn đã xuất hiện từ một số hạt nhân là sự thật. Trong một cuộc họp báo, nhà khảo cổ học Hawass đã lưu ý rằng ngôi mộ một ngày nào đó có thể sẽ được phát hiện tại thành phố cổ Taposiris Magna, nơi hầm mộ và các cổ vật khác của Ai Cập liên quan đến Cleopatra đã được tìm thấy trước đây. Cuộc khai quật này hiện đặt dưới sự chỉ đạo của nhà khảo cổ nghiệp dư Kathleen Martinez. “Chúng tôi đang đi đúng hướng”, ông Hawass nói về những nỗ lực tìm kiếm.
Và như vậy cuộc săn lùng ngôi mộ của cặp tình nhân nổi tiếng thời cổ đại vốn đã kéo dài qua nhiều thế hệ vẫn đang tiếp diễn.
Thiên tình sử Cleopatra - Antony
Ngôi mộ của Mark Antony và Cleopatra đã mê hoặc các nhà khảo cổ và sử học trong nhiều thế hệ vì câu chuyện lịch sử đầy màu sắc và cái chết định mệnh của cặp đôi.
Pharaoh cuối cùng của Ai Cập cổ đại, Cleopatra, cai trị từ năm 51 trước Công nguyên đến 30 trước Công nguyên. Nổi tiếng cả về sắc đẹp và trí thông minh trác tuyệt, Cleopatra được nhà sử học Hy Lạp Plutarch mô tả là “một người sẽ làm kinh ngạc tất cả những người nhìn thấy bà; tiếp xúc với bà thật quyến rũ… lưỡi của bà giống như một nhạc cụ nhiều dây”.
Cleopatra từng trải qua mối tình nổi tiếng với lãnh tụ quân sự La Mã tài ba Julius Caesar, và có với ông một đứa con trai tên là Cesarion, còn gọi là “Caesar nhỏ”. Sau khi Caesar bị ám sát vào năm 44 trước Công nguyên, chính trị gia La Mã đầy quyền lực, vị tướng Mark Antony - từng là cố vấn của Caesar - đã thành lập một bộ ba chính trị với cháu trai của Caesar, cũng là người nối ngôi ông là Octavius, và chính khách La Mã Marcus Aemilius Lepidus.
Cleopatra đã gặp Antony để củng cố một liên minh chính trị, nhưng cả hai nhanh chóng rơi vào một mối tình điên cuồng. Antony trước đó đã kết hôn với chị gái Octavius là Otavian, và việc ông ly hôn vợ để đến với Cleopatra đã khiến Octavius vô cùng tức giận. Bất chấp điều đó, Cleopatra và Antony đã trải qua 10 năm yêu đương và có với nhau ba người con.
Octavius tuyên chiến với Antony và Cleopatra vào năm 31 trước Công nguyên. Hải quân của Antony bị đánh tan nát trong Trận Actium. Sau đó, cặp tình nhân tuyệt vọng trốn thoát đến Ai Cập trong lúc quân Octavius đuổi theo.
Khi các lực lượng Octavius xâm chiếm được Alexandria, Antony và Cleopatra đều quyết tâm tự sát.
Sau khi nhận được thông báo sai rằng người yêu đã chết, Antony tự tử bằng một thanh kiếm. Rồi phát hiện ra Cleopatra vẫn còn sống, Antony yêu cầu được đưa đến chỗ người yêu để chết trong vòng tay cô. Tại đây, sau khi người tình dứt hơi thở, Cleopatra cũng tự sát bằng độc chất - được cho là qua vết cắn của một con rắn độc - để cùng người yêu thoát khỏi sự sỉ nhục và giam cầm.
Như truyền thuyết kể lại, hai người đã không thể chia lìa, ngay cả trong cái chết. Theo các nhà sử học cổ đại Suetonius và Plutarch, cặp đôi này được chôn cất bên cạnh nhau trong một ngôi mộ. Cái chết của Antony và Cleopatra đã giúp Octavius rộng đường trở thành Hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã (lấy danh hiệu là Augustus), nhưng ông cũng cảm động với chuyện tình của họ và ra lệnh tổ chức một nghi lễ tang trang trọng trước khi chôn cất Cleopatra bên cạnh Antony trong một ngôi mộ "lộng lẫy và vương giả”.
Mặc dù có bằng chứng mạnh mẽ về sự tồn tại của ngôi mộ, nhưng vị trí của nó thì đã biến mất trong lịch sử.
Cuộc tìm kiếm ngôi mộ huyền thoại
Các nhà khảo cổ, sử học và người hâm mộ của một trong những cặp đôi nổi tiếng đầu tiên trên thế giới đã hoang mang về vị trí của ngôi mộ trong nhiều thế kỷ. Nhưng chỉ đến vài chục năm trở lại đây, các nhà khảo cổ học mới bắt đầu tìm kiếm nó một cách nghiêm túc, dù kỳ tích thật không dễ dàng.
“Bạn không thể tìm thấy bất cứ điều gì trong bất kỳ văn bản cổ xưa nào về nơi chôn cất Cleopatra”, nhà khảo cổ Martinez lưu ý. “Nhưng tôi tin rằng bà đã chuẩn bị mọi thứ, từ cách bà ấy sống đến cách chết, và cho đến cả cách Nữ hoàng muốn được [người đời sau] tìm thấy”.
Trong nhiều năm, ngôi mộ được cho là ở đâu đó tại Alexandria, thành phố cảng nơi Cleopatra từng sống. Alexandria đã bị tàn phá bởi động đất, thủy triều, nước biển dâng cao và hiện nằm sâu 6 mét dưới mặt nước biển.
Năm 1992, nhà thám hiểm người Pháp Franck Goddio đã dẫn đầu nhóm Viện Khảo cổ học Dưới nước châu Âu trong các cuộc khai quật dưới nước về thành Alexandria cổ đại. Nỗ lực của họ đã phát hiện ra những nhân sư bằng đá lớn, những khối đá vôi khổng lồ hay cột đá granit cao chót vót và thậm chí cả một bao thuốc lá rỗng khắc tên của Cleopatra, nhưng không có ngôi mộ.
Sau nỗ lực dưới nước, các nhà khảo cổ đã hướng sự chú ý đến một ngôi đền giữa sa mạc ngay bên ngoài Alexandria. Giả thuyết cho rằng là một Pharaoh danh tiếng, Cleopatra có thể đã muốn đặt ngôi mộ ở một vị trí linh thiêng hơn so với trung tâm thành phố Alexandria. Đến nay, đã có bằng chứng chỉ ra rằng ngôi mộ có thể được giấu trong ngôi đền thiêng.
Năm 2006, một cuộc tìm kiếm khác được tiến hành trong một ngôi đền đổ nát nằm cách Alexandria 40km về phía tây. Ngôi đền nằm gần thành phố cổ Taposiris Magna (Abu Sir ngày nay), giữa Địa Trung Hải và Hồ Mareotis. Vào thời cổ đại, Taposiris là một thị trấn cảng nổi tiếng với những vườn nho xanh tốt.
Dưới sự lãnh đạo của Kathleen Martinez, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hơn 1.000 cổ vật, bao gồm đồ gốm, tiền xu, tượng vỡ và một nghĩa địa lớn. Ngày nay, Taposiris Magna là một trong những dự án khảo cổ bận rộn nhất của Ai Cập. Nhưng bất chấp tất cả những kho báu đã được phát hiện, ngôi mộ của Cleopatra và Antony vẫn là bí ẩn. Nếu ngôi mộ được tìm thấy, phát hiện này sẽ sánh ngang tầm với cuộc khai quật của Pharaoh Tutankhamun, Hoàng đế trẻ tuổi nhất Ai Cập cổ đại‚ vào năm 1922.