Tác phẩm được ra đời từ quá trình điều tra bền bỉ của 4 nhà báo - những người đã thu thập tài liệu, chứng cứ về sự đối xử dã man đối với những ngư dân bị giam giữ ở một hòn đảo xa xôi của Indonesia và tìm ra quá trình chuyển hải sản họ đánh bắt tới các siêu thị và nhà hàng ở Mỹ.
Lật tẩy sự thật trần trụi
Loạt phóng sự điều tra “Hải sản đến từ các nô lệ” (Seafood from Slaves) bao gồm các tuyến tin từ các nước Đông Nam Á do 4 nhà báo Margie Mason, Robin McDowell, Martha Mendoza và Esther Htusan thực hiện. Sau đó, nhóm tác giả đã tác nghiệp hơn một năm nữa để tìm hiểu sâu về quá trình đánh bắt và chế biến tôm và các loại hải sản khác bán ở Mỹ và các thị trường khác. Tháng 3/2015, bài báo đầu tiên được xuất bản với tiêu đề “Cá bạn mua có thể là do nô lệ đánh bắt” đã gây chấn động toàn thế giới.
Bốn nhà báo AP (từ trái sang): Martha Mendoza, Robin McDowell, Margie Mason, và Esther Htusan. |
Câu chuyện nô lệ thời hiện đại, cùng với những bức ảnh và video cho thấy những người đàn ông bị nhốt trong cũi và một người đàn ông khóc nức nở khi được đoàn tụ với gia đình sau 22 năm biền biệt xa cách, đã giúp giải cứu hơn 2.000 ngư dân và các lao động khác bị bắt làm nô lệ. Hàng chục kẻ buôn người bị bắt giữ, số lượng hải sản và tàu bị thu giữ lên tới hàng triệu USD. Hành trình hải sản từ những tàu cá nô lệ tuồn sang Mỹ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, buộc các nhà hàng, siêu thị Mỹ tẩy chay nguồn hải sản này. Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký đạo luật có quy định cấm nhập khẩu hàng hóa do nô lệ sản xuất. Thai Union, một trong những nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, cho biết đã thuê 1.200 công nhân từ các nhà kho chế biến tôm với quy định chặt chẽ hơn về điều kiện làm việc và đồng lương thỏa đáng.
Cùng với các nhân viên chúc mừng chiến thắng tại trụ sở AP ở New York, Chủ tịch hãng AP Gary Pruitt và Tổng biên tập Kathleen Carroll đã ca ngợi nguồn năng lượng, sức lao động của nhóm tác giả trong quá trình thu thập tài liệu chi tiết về nạn nô lệ cũng như chỉ rõ được cách thức hải sản nô lệ đánh bắt xuất hiện trên bàn ăn của người Mỹ.
Biên tập viên quốc tế của AP John Daniszewski nói: “Đây là một thành công của báo chí, và tôi nghĩ điều thực sự nổi bật về họ (nhóm tác giả) là sự quyết tâm không dừng lại cho đến khi họ chứng minh được nó trên mọi phương diện”.
Gian nan không hề nản
Sau một năm trời thu thập thông tin, tới cuối năm 2014, hai nhà báo Robin McDowell và Esther Htusan đã lên một chiếc phà gỗ để tới hòn đảo Benjina xa xôi của Indonesia, cách thủ đô nước này khoảng 3.000 km.
Myint Naing, người Myanmar, đoàn tụ với mẹ trong nước mắt sau 22 năm xa cách. Năm 1993, Myint Naing rời Myanmar với hy vọng tìm được việc làm ở Thái Lan nhưng đã bị lừa và rơi vào cảnh làm lao động nô lệ suốt nhiều năm. |
Sau vài ngày, họ đã tìm thấy và nói chuyện với những người đàn ông bị nhốt trong cũi và phỏng vấn họ về những người lao động khác bị bắt làm nô lệ tại cảng của thị trấn này. Dưới màn đêm bao phủ, họ liều mình đưa thuyền vào ghi hình những con tin và suýt bị gã bảo vệ đâm chìm thuyền.
Những lao động nghèo khổ từ Myanmar, Campuchia, Lào và Thái Lan đã kể họ bị lừa đến đây, giam giữ, đánh đập và ép lao động ra sao. Họ còn chỉ cho các nhà báo tới một nghĩa trang nơi hơn 60 lao động đã chết và chôn dưới những cái tên giả. Trong đêm, những nô lệ chạy theo, dúi vào tay phóng viên những cái tên, địa chỉ nhà và cầu xin: “Làm ơn. Hãy cho họ biết chúng tôi còn sống”.
Robin McDowell giận dữ bởi những gì mắt thấy tai nghe ở Benjina. Cô trèo lên ngọn đồi sau công ty đánh cá, nơi duy nhất sóng điện thoại đủ mạnh để gửi một tin nhắn cho Margie Mason đang ở Jakarta: “Cô sẽ không tin điều này!”.
Theo nhà báo Martha Mendoza, nhóm tác giả đã tập trung vào trách nhiệm của mình với những người đàn ông đó và mong muốn kể một câu chuyện có tác động thực sự tới cộng đồng. Điều đó đồng nghĩa rằng họ cần chứng minh cá mà nô lệ đánh bắt sẽ được chuyển đi đâu, kể câu chuyện trọn vẹn và chính xác đến từng chi tiết, và bảo vệ những người đàn ông khỏi sự bóc lột, và những tình huống nguy hiểm hơn nữa. Đó là khoảng thời gian rất căng thẳng.
Từ Benjina, nhóm nhà báo AP dựa vào công nghệ vệ tinh để truy tìm dấu vết một tàu chở hải sản nô lệ đánh bắt sang Thái Lan. Tại đó, họ theo dõi hàng được dỡ xuống và chất lên xe tải đưa tới các nhà máy đông lạnh. Qua các cuộc phỏng vấn, theo dõi và hải trình của tàu thủy, họ tìm ra hải sản được chế biến được đưa sang Mỹ, xâm nhập vào các chuỗi nguồn cung của các cửa hàng và các hãng bán lẻ thực phẩm lớn như Wal Mart, Kroger, Whole Foods, Red Lobster…
Sau khi đã có đầy đủ thông tin, nhóm nhà báo đứng trước lựa chọn: Làm thế nào để đưa ra ánh sáng tội ác này mà không đẩy những nô lệ vào tình thế nguy hiểm? Các phóng viên biết rằng những ngư dân bị giam cầm có thể gặp nguy hiểm, hay thậm chí tồi tệ hơn nữa, nếu tên tuổi hay hình ảnh của họ được công bố. Làm mờ hình ảnh của họ không bao giờ là một lựa chọn. Che giấu danh tính của họ là một khả năng, nhưng điều đó sẽ làm giảm sức nặng của câu chuyện. Thay vào đó, với sự hỗ trợ của lãnh đạo hãng AP, các nhà báo tìm tới sự giúp đỡ từ Tổ chức quốc tế về di cư (IOA), phối hợp với Cảnh sát biển Indonesia để đảm bảo cả 8 người đàn ông có trong ảnh và video rời đảo trước khi câu chuyện về họ được đăng tải. Đây là một sứ mệnh giải cứu khó khăn do thời tiết xấu, vị trí cách biệt của hòn đảo Beninja và sự ngờ vực, bất hợp tác của một số lao động nô lệ.
Nỗ lực của các nhà báo đã giúp giải cứu và đem lại tự do cho hàng trăm, sau đó là hàng nghìn nô lệ trên đảo và trên các con tàu, cũng như trừng trị không nương tay các nhà máy xử lý tôm Thái Lan sử dụng lao động bị bắt ép, trong đó có thiếu niên 15 tuổi. Một tuần sau khi bài “Hải sản đến từ các nô lệ” được đăng, Mason và Htusan tới Myanmar để chứng kiến cảnh đoàn tụ trong nước mắt của một trong những nô lệ được trả tự do với gia đình sau 2 thập kỷ bị giam cầm.
Sau những cuộc đoàn tụ đẹp đẽ, đã có nhiều lao động bị đè nặng bởi sự xấu hổ vì trở về nhà với hai bàn tay trắng sau nhiều năm ở nước ngoài. Một số thề sẽ không bao giờ rời bỏ gia đình của họ một lần nữa; một số ít, không thể thoát ra khỏi cảnh nghèo đói và tuyệt vọng, đã trở về Thái Lan và đang làm việc trong hoàn cảnh đáng ngờ. Một số đứng ra làm chứng trong tố tụng hình sự đối với những kẻ buôn người. Một số ít được các tổ chức nhân đạo hỗ trợ. Mendoza cho biết nhiều lao động được giải cứu vẫn thường xuyên liên lạc với các nhà báo.
Nhà báo Martha Mendoza, đại diện cho các nhà báo AP, nói: “Một số nạn lạm dụng quyền con người là những bí mật mở, xã hội có xu hướng chấp nhận nó. Đừng như vậy. Là nhà báo, chúng ta có thể khiến mọi người nhìn thấy sự thực về một bí mật mở. Điều đó rất khó khăn và có thể làm chúng ta kiệt quệ, nhưng điều quan trọng là đừng bỏ cuộc dù có người nói rằng đó là điều không thể. Dự án này là bằng chứng rằng báo chí có thể tạo ra sự khác biệt và thực sự cất lên tiếng nói cho những người vô hình”.