Cắt bánh kem, uống rượu sâm panh, chơi bowling, ăn nhà hàng. Khó ai có thể hình dung đó là những gì mà một tù nhân được hưởng trong ngày sinh nhật. Nhưng đó là sự thật đối với Harry Roberts - kẻ đã giết chết ba cảnh sát Anh không ghê tay và từng bị coi là tàn ác nhất trong một thế hệ.Năm 1966, Roberts bị kết án tù chung thân trong trại giam mở vì đã giết ba cảnh sát là Geoffrey Fox, Christopher Head và David Wombwell. Roberts bắn chết ba cảnh sát mặc thường phục này gần nhà tù Wormwood Scrubs khi họ tiến tới xe tải đang chở hắn và hai đồng bọn - những kẻ định dùng vũ khí để thực hiện một vụ cướp.
Dù bản chất tàn ác khi phạm tội và chưa từng tỏ ra hối hận, nhưng Roberts đã được tạm thả năm 2001 khi giới chức nhà tù cho rằng hắn có thể hòa nhập xã hội. Trong thời gian đó, Roberts được phép làm công việc của một tình nguyện viên ở khu bảo tồn động vật tại Đông Midlands. Gần đây, xuất hiện các bức ảnh và thông tin cho thấy vào lần sinh nhật thứ 65 hồi tháng 7/2001, nhân viên khu bảo tồn còn tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bí mật, thậm chí còn mua cả bánh sinh nhật và rượu sâm panh, mời cả một số bạn bè của Roberts đến dự.
Roberts chụp ảnh cùng bánh sinh nhật và 65 cây nến. |
Một nguồn tin có mặt trong bữa tiệc tiết lộ với tờ Mirror: “Harry Roberts có tâm trạng tốt trong bữa tiệc, không hung hăng hay giận dữ. Chúng tôi đã ăn bánh ngọt. Sau đó, Roberts còn nhấp rượu sâm panh. Có lúc Roberts nâng ly và nói ‘Vì tự do’ rồi bảo ‘Tôi không thể tin rằng Bộ Nội vụ lại để tôi ra ngoài’”. Trong tiệc sinh nhật, Roberts còn có quà là nước hoa và bít tất.
Trong khoảng thời gian đó, Roberts cũng được đi chơi bowling ban đêm tại trung tâm bowling Hollywood ở Chesterfield, Derbyshire. Hắn ta chưa bao giờ chơi bowling nhưng cũng rất thích chuyến đi. Có lần, Roberts cũng được đi ăn nhà hàng và đã trả lại món bít tết rồi nói với người phục vụ rằng hắn ta đã chờ 40 năm để được ăn món này nên muốn nhà hàng làm nó thật hoàn hảo.
Roberts giết ba cảnh sát chỉ 6 tháng sau khi án tử hình vì giết người bị bãi bỏ ở Anh. Hắn đã chạy trốn suốt 96 ngày và bị phát hiện trong một chuồng ngựa. Quan tòa xét xử Roberts miêu tả tội ác của hắn là “dã man nhất trong một thế hệ”.
Sau khi nghe tin về những ưu đãi mà Roberts được hưởng khi thụ án và xem những bức ảnh chụp tiệc sinh nhật của hắn ta, bà Gillian Wombwell, vợ của một trong ba cảnh sát bị Roberts giết, cho biết bà rất thất vọng và tức giận. Bà bức xúc: “Hắn ta uống sâm panh và chơi bowling. Đây có phải là biện pháp trừng phạt dành cho một kẻ giết ba cảnh sát?”.
Robert (phải) khi ở trong tù. |
Sau thời gian tạm tha đó, Roberts đã quay lại nhà tù và thụ án tiếp 13 năm nữa rồi cuối cùng được thả có điều kiện vào tháng 11/2014. Một trong những lý do khiến hắn không được phóng thích có điều kiện sớm hơn là vì có nhiều cáo buộc từ khu bảo tồn động vật St Bernard ở Old Whittington - nơi Roberts tình nguyện làm việc.
Cáo buộc do chủ khu bảo tồn là bà Joan Cartwright và con trai James đưa ra. Gia đình bà Joan thường tiếp nhận tội phạm vào khu bảo tồn động vật làm nhân viên để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Bà cho biết, lúc đầu khi nhân viên khu bảo tồn tổ chức cho Roberts một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ, họ không biết hắn ta là một sát thủ khét tiếng. Dần dần, khi họ biết về tội ác kinh khủng của Roberts, họ đã bị hắn ta đe dọa bằng những lời khủng khiếp. Trùng hợp là trong thời gian đó, khu bảo tồn xảy ra nhiều vụ tấn công dã man nhằm vào động vật. Ngày trước khi bà Joan định đưa bằng chứng chống lại Roberts, một con ngựa trong khu bảo tồn đã bị ai đó dùng rìu chặt lìa đầu. Rồi Roberts cũng bị đưa vào trại giam kín tháng 10/2001 sau khi hành vi của hắn bị tố cáo.
Một điều nữa về cuộc sống của Roberts trong tù là hắn ta thậm chí còn có một mối tình dài 3 nămvới một phụ nữ tên Susan, kém hắn 27 tuổi, năm 2010. Sát thủ 78 tuổi gặp người phụ nữ này và trao đổi hàng chục bức thư. Hắn ta muốn dọn đến ở với người tình khi được ra tù. Mỗi lần vào thăm Roberts trong tù, người này còn được phép ôm hôn hắn ta. Tuy nhiên, một năm trước khi Roberts được thả, người phụ nữ này thông báo chấm dứt quan hệ vì bà nghĩ rằng Roberts sẽ không bao giờ được tự do.
Thùy Dương